10/04/2021 07:40 GMT+7

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Người tình đầu tiên, người yêu cuối cùng

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - Nội cầu mong mình vẫn khỏe đến ngày nghe con kể chuyện: chuyện của con và chuyện của Sài Gòn - người tình đầu tiên và người yêu cuối cùng của nội.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Người tình đầu tiên, người yêu cuối cùng - Ảnh 1.

Những con đường TP.HCM chiều lộng gió - Ảnh: QUÂN NAM

Phan Thiết, ngày 8-4-2021

Yên Nhi thân yêu,

Khi nội viết những dòng này, con chưa đầy 2 tuổi và do đó chưa biết đọc. Tuy nhiên, điều này không quan trọng lắm vì nội dự định viết cho Yên Nhi của ngày mai chứ không phải Yên Nhi của hôm nay.

Hơn 50 năm trước, trong suy nghĩ của dân xóm chài nơi nội sống, Sài Gòn là một chỗ xa xôi nhưng giàu có. Với dân xóm chài, dường như người Sài Gòn nào cũng sang trọng, lịch thiệp và nói giọng... Sài Gòn. 

Sau này, nội mới biết nguyên nhân khiến người dân xóm chài nghĩ như vậy - một cách nghĩ có thể đúng nhưng chưa đủ. Cùng lúc đó, nội hiểu rằng cụm từ "người Sài Gòn" được dùng theo nhiều nghĩa tùy theo ngữ cảnh: người gốc Sài Gòn, người sống ở Sài Gòn, người làm việc ở Sài Gòn, người có phong cách Sài Gòn...

Lòng tự trọng của một trí thức

Thời gian trôi đi. Cuối thập niên 1970, ở xóm chài rộ lên phong trào mang hải sản vào TP.HCM bán. 

Chắp vá lời kể rời rạc của những người buôn bán ấy, nội biết thêm chút ít về một thành phố không chỉ có "mưa rồi chợt nắng" với "những con kênh nối hai dòng sông" và "đèn đường từng đêm thao thức" mà còn có "những chiều ngợp gió, lá hát như mưa suốt con đường đi" (Trịnh Công Sơn).

Năm 1981, nội phải vào TP.HCM đo mắt, cắt kính vì bệnh viện tỉnh chỉ đo mắt mà không cắt kính, còn địa phương lại không có tiệm kính tư nhân (hồi đó, kinh tế tư nhân chưa được công nhận). 

Đến thành phố, nội ở nhà một người bà con tại ngã tư Đề Thám - Bùi Viện. Ngoài việc đo thị lực tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người bà con còn đưa nội đến khám tại nhà bác sĩ R. - một bác sĩ nhãn khoa gần đó.

Trước năm 1975, bác sĩ R. làm việc trong một bệnh viện. Sau năm 1975, ông thất nghiệp. Ông hơi gầy, nói năng từ tốn pha chút hóm hỉnh. Nhìn chiếc áo không còn mới nhưng được ông bỏ cẩn thận vào quần, nhìn thiết bị đo thị lực được ông nâng niu, nhìn cái cách mà ông vuốt nhẹ tờ giấy bạc, xếp cẩn thận trước khi đặt vào túi áo, nội hiểu rằng ông không có nhiều bệnh nhân nhưng vẫn giữ lòng tự trọng của một trí thức.

Trước khi chia tay, ông còn trích dẫn Những người khốn khổ của Victor Hugo: cánh cửa của bác sĩ không bao giờ được đóng; còn cánh cửa của nhà tu hành thì phải luôn luôn mở. Có lẽ ông không ngờ rằng câu nói này đã tác động mạnh đến nhân sinh quan của nội từ đó.

Chuyện cà phê không đá không đường

Annie Bessot là một nữ giáo sư của Đại học Grenoble Alpes (Pháp) đã nhận kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" của Việt Nam. Bà sang nước ta giảng dạy từ thập niên 1980. 

Gặp bà trên đường phố, trẻ địa phương hiếu kỳ hỏi bà bằng tiếng Việt: "Liên Xô?". Nghe bà đáp cũng bằng tiếng Việt: "Tôi là người Pháp", bọn trẻ hoảng sợ bỏ chạy. 

Cứ thế, bà chuyển dần từ Bắc vào Nam và cuối cùng dừng chân ở Trường đại học Sư phạm TP.HCM để góp phần đào tạo nhiều thạc sĩ, tiến sĩ Việt Nam. 

Dù được nhà trường bố trí ở một khách sạn sang trọng trên đường Đồng Khởi, bà vẫn học cách phát âm "cà phê không đá không đường" bằng tiếng Việt chỉ vì thích khám phá quán cóc Sài Gòn.

Thời gian vẫn trôi. Nội rời xóm chài đến TP.HCM để học. Ở đây, nội thật sự gặp lại Sài Gòn (mà nội đã làm quen từ thời thơ ấu) với nhiều người cần lao lẫn trí thức, rất dễ thương và rất... Sài Gòn. 

Rồi nội lưu lạc tận Paris - thành phố của tháp Eiffel, của Bảo tàng Louvre, của vườn Luxembourg và nhất là của sông Seine: "Nghe rơi bao lá vàng/ Ngập dòng nước sông Seine/ Mưa rơi trên phím đàn/ Chừng nào cho tôi quên" (Phạm Trọng Cầu).

Nội đã từng tự hỏi liệu mình có thích Paris không? Nếu trả lời "không", nội e mình đã tự dối lòng. Nhưng với Paris tráng lệ mà nội thích, nội luôn có cảm giác mình là khách. 

Còn với TP.HCM, nội tuy không là chủ nhưng chưa bao giờ là khách. Nội là một người bạn trong vô vàn người bạn của Sài Gòn, đủ thân thiết để dù có bao năm không liên lạc nhưng cả hai vẫn không cảm thấy cách xa. 

Với nội, Sài Gòn là một cao thủ võ lâm chân chính, không ưa phô trương, vừa hào sảng như Tiêu Phong, vừa si tình như Đoàn Dự, vừa chân chất như Hư Trúc.

Yên Nhi thân yêu,

Năm 2020, riêng TP.HCM đóng góp hơn 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước. 16 năm nữa, con sẽ đủ tuổi trưởng thành theo luật định. 

Khoảng thời gian dài hơn 3 lần kế hoạch 5 năm này đủ để làm đảo lộn mọi dự đoán. Và Sài Gòn "có mặt đường vàng hoa như gấm, có không gian màu áo bay lên" sẽ vươn cao đến đâu? Rồi con sẽ học đại học ở thành phố này hay ở Paris?

Nội cầu mong mình vẫn khỏe đến ngày đó để nghe con kể chuyện: chuyện của con và chuyện của Sài Gòn - người tình đầu tiên và người yêu cuối cùng của nội.

Mong Yên Nhi luôn khỏe và vui.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Người tình đầu tiên, người yêu cuối cùng - Ảnh 2.
Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Có ở lâu mới thấy thương Sài Gòn Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Có ở lâu mới thấy thương Sài Gòn

TTO - Học giả Vương Hồng Sển từng viết 'Sài Gòn tạp pín lù, nôm na là Sài Gòn thập cẩm...'. Đúng là thành phố này cái gì cũng có, từ món ngon món dở, món mắc món rẻ, người tốt người xấu, đủ loại người, đủ hoàn cảnh, xuất thân.

TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên