10/09/2012 07:36 GMT+7

Rửa đất khử nhiễm xạ

 VIỆT PHƯƠNG (Theo Nikkei, Asahi Shimbun, CNN)
 VIỆT PHƯƠNG (Theo Nikkei, Asahi Shimbun, CNN)

TT - Nhật Bản đang nỗ lực đưa ra các công nghệ mới nhằm khử nhiễm phóng xạ cho đất sau thảm họa hạt nhân do động đất - sóng thần gây ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

9NGsXi9C.jpgPhóng to
Máy xúc xới đất nhiễm xạ tại một công viên ở tỉnh Fukushima để xử lý khử nhiễm - Ảnh: Bloomberg

Không giống như thảm họa Chernobyl, khi mà một diện tích đất lớn trong vòng bán kính 30km quanh nhà máy điện hạt nhân bị bỏ hoang từ năm 1986, Chính phủ Nhật quyết tâm cải tạo lại những khu vực bị nhiễm xạ. Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda hồi đầu năm nay cho biết sẽ phân bổ khoảng 1.000 tỉ yen (khoảng 12 tỉ USD) cho các nỗ lực cải tạo khu vực bị thảm họa.

Khử nhiễm đất quy mô lớn

Bộ Môi trường Nhật Bản ước tính sau sự cố ở Nhà máy điện Fukushima hồi tháng 3-2011, có khoảng 29 triệu m3 đất bị nhiễm xạ, hầu hết nằm ở tỉnh Fukushima.

Khối lượng đất này đủ để lấp đầy tới 23 lần sân vận động 55.000 chỗ ngồi Tokyo Dome. Công việc khử nhiễm phóng xạ cho khối lượng đất lớn như vậy cần thời gian lâu dài và tiền của rất lớn, bao gồm cả việc xây dựng các cơ sở khử nhiễm, kho chứa đất nhiễm xạ, di dời dân cư...

Theo giáo sư Yuichi Moriguchi thuộc Trường đại học Tokyo, diện tích đất bị nhiễm xạ cần được xới lên để xử lý rộng khoảng 2.000km2 (khoảng 1/7 diện tích tỉnh Fukushima), tương đương 100 triệu m3 đất, bao gồm đất tại Nhà máy điện Fukushima số 1 và khu vực lân cận. Lượng đất này đủ để lấp đầy không gian tương đương 80 lần sân vận động Tokyo Dome. Các nhà khoa học tin rằng phải xúc khoảng 5cm lớp đất đầu tiên ở vùng nhiễm xạ mới có thể phân tách hoàn toàn chất cesium khỏi đất.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật đã tính toán để giảm bớt số lượng đất cần khử nhiễm, chủ yếu tập trung vào đất ở các khu dân cư và đất nông nghiệp. Đất rừng chiếm từ 60-70% diện tích đất nhiễm xạ. Nếu loại ra những khu vực rừng nhiễm xạ cách xa khu dân cư, khối lượng đất cần được khử nhiễm sẽ giảm xuống còn vài chục triệu mét khối.

Tất nhiên, quy mô khử nhiễm và khối lượng đất được đào xới lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí xây dựng các cơ sở xử lý khử nhiễm và nhà kho chứa đất nhiễm xạ. Chính phủ Nhật đã đưa ra danh sách 12 địa điểm để khảo sát việc xây dựng các nhà kho chứa đất nhiễm xạ.

Phân tách chất lượng xạ

Tuần rồi, Tập đoàn Maeda của Nhật Bản cho hay họ đã phát triển được một công nghệ có thể phân tách được đến 95% chất phóng xạ cesium trong đất nhiễm xạ. Xưa nay, đất được coi là một đối tượng khó xử lý trong các phương pháp khử nhiễm. Phương pháp của Maeda là hòa trộn đất với nước, sau đó dùng nhiệt và áp suất để khiến cesium dễ hòa tan hơn. Từ đó cesium dễ được phân tách hơn.

Một nhà máy khử nhiễm kiểu mẫu cũng đã được xây dựng và các cuộc thử nghiệm cho thấy nhà máy có thể phân tách được 70% cesium qua một lần xử lý và hơn 95% qua hai hoặc ba lần xử lý. Việc xây dựng nhà máy khử nhiễm đất có thể sẽ tiêu tốn tới 1,5 tỉ yen (khoảng 19 triệu USD) nhằm xây dựng một hệ thống đủ lớn để có thể xử lý tới 5 tấn đất một ngày. Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản nói công nghệ này là hiệu quả nhưng cần có thêm thời gian để thử nghiệm với các vật liệu nhiễm xạ.

Ngoài Maeda, nhiều công ty khác cũng đang chung tay giải quyết vấn đề đất nhiễm xạ. Tập đoàn Toshiba đang phát triển phương pháp hòa tan để phân tách cesium trong đất có thể khử nhiễm được 1,7 tấn đất nhiễm xạ mỗi ngày. Công nghệ này được Toshiba công bố hồi năm ngoái, vốn là công nghệ làm sạch nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân, và nó có thể khử nhiễm được tới 97% cesium trong đất.

 VIỆT PHƯƠNG (Theo Nikkei, Asahi Shimbun, CNN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên