23/01/2007 15:53 GMT+7

Robot y tá "đa năng"

MINH ANH (Theo UPI, Dailymail, Scotsman)
MINH ANH (Theo UPI, Dailymail, Scotsman)

TTO - Những chú robot chạy lăng xăng trong bệnh viện và làm các công việc của y tá? Đúng vậy, đây không phải là phim khoa học viễn tưởng mà là dự án của nhóm nghiên cứu “IWARD” kết hợp với nhiều trường ĐH hàng đầu của châu Âu nhằm đưa robot vào ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện trong 3 năm tới.

Các robot thông minh này có tên “Thiên thần” (Angles), sẽ thực hiện nhiều công việc khác nhau như lau sàn nhà trong bệnh viện, đưa lời nhắn và hướng dẫn khách thăm viếng đến giường bệnh; phân phát thuốc và thậm chí là ghi nhận thân nhiệt của bệnh nhân từ xa với cặp nhiệt laser. Chúng làm việc theo nhóm, có khả năng truyền thông và cùng thực hiện công việc với nhau.

IIlJhK1c.jpgPhóng to
Một robot làm nhiệm vụ hướng dẫn trong bệnh viện ở Nhật. Các nhà khoa học châu Âu mong muốn tạo ra những robot có thể làm nhiều công việc khác nhau trong bệnh viện vào năm 2010

Dự án có kinh phí 3,8 triệu euro này do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, với sự tham gia của các nhà khoa học tại 10 trường ĐH hàng đầu tại châu Âu, trong đó có các trường Warwick, Cardiff, Dublin, Newcastle... Họ sẽ cùng các kỹ sư và chuyên gia phần mềm nghiên cứu 3 mẫu robot nhằm đưa ra thị trường vào năm 2010.

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng các robot này không chỉ giúp giảm áp lực cho các y tá cũng như nhân viên phục vụ ở các bệnh viện mà còn giúp họ tránh được bệnh truyền nhiễm.

Theo thiết kế, mỗi robot sẽ bao gồm 1 bệ di chuyển gắn với các module cảm biến và các thiết bị chuyên dùng. Ngoài ra, robot còn được gắn 1 cặp nhiệt laser để đo thân nhiệt từ xa và một số cảm biến khác để thực hiện việc lau dọn sàn nhà khi thuốc bị đổ. Hoàn toàn sử dụng mạng truyền thông phân tán khi làm việc, các robot này có thể kết hợp cùng với nhau thực hiện công việc như phân công robot nào sẽ đi phân phối thuốc, robot nào sẽ lau thuốc đổ ra nền nhà và robot nào sẽ đo thân nhiệt cho bệnh nhân.

Ngoài ra, robot còn có thể hướng dẫn người thăm bệnh: người khách thăm bệnh nhân sẽ được robot dẫn đến chính xác giường bệnh sau khi cung cấp thông tin về tên bệnh nhân trên màn hình phía trước robot.

Robot được gắn các cảm biến và camera cho phép chúng tránh vật cản khi di chuyển. Tốc độ di chuyển của robot khá nhanh. Đối với trường hợp bệnh nhân không được phép tiếp xúc với người khác, các robot có thể gửi thông tin của người đến thăm (như gương mặt và giọng nói) đến bệnh nhân.

Khi nghiên cứu các robot này, các nhà khoa học luôn đề ra mục tiêu là sự tương tác giữa người và robot phải uyển chuyển và mềm dẻo vì nó tiếp xúc nhiều người với nhiều căn bệnh và thương tật khác nhau, cũng như người già và các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

MINH ANH (Theo UPI, Dailymail, Scotsman)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên