26/03/2019 11:52 GMT+7

Quyền công bố danh tính thí sinh gian lận thuộc cơ quan điều tra

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Các vụ gian lận thi cử vừa qua sẽ tiếp tục được xử lý nhưng thẩm quyền công bố danh tính thí sinh gian lận thuộc cơ quan điều tra, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi trong buổi họp báo định kì diễn ra tại Hà Nội sáng 26-3.

Quyền công bố danh tính thí sinh gian lận thuộc cơ quan điều tra - Ảnh 1.

PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT trả lời tại buổi họp báo - Ảnh: BÁ HẢI

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc khẩn trương xử lý hậu quả của vụ gian lận thi cử năm 2018 trước khi bước vào mùa thi năm 2019 cũng là thông điệp gửi đến các địa phương, các nhà trường, phụ huynh và thí sinh năm nay về việc cần nói không với tiêu cực thi cử.

Ngoài số thí sinh gian lận đã được xác định ở Hà Giang, 108 thí sinh ở Hòa Bình và Sơn La rơi vào danh sách "nâng điểm", được xác nhận sau khi cơ quan điều tra và Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, chấm thẩm định, trong đó nhiều thi sinh từng được nâng đến 9 điểm/bài, có các thí sinh được nâng trên 26 điểm/tổng ba bài thi.

Ông Mai Văn Trinh khẳng định sự sát cánh của báo chí trong 9 tháng cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý vụ gian lận nghiêm trọng trong kì thi THPT quốc gia năm 2018. 

Kết quả mới công bố là minh chứng cho quan điểm nhất quán của bộ này là "không khoan nhượng cho hành vi sai phạm trong thi cử".

Trả lời Tuổi Trẻ Online tại họp báo, PGS-TS Mai Văn Trinh nói rằng kết quả chấm thẩm định là kết quả chính thức của kì thi, được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

"Căn cứ vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các sở và cơ sở đào tạo liên quan để cập nhật, cung cấp thông tin. Việc phối hợp thực hiện đang diễn ra tốt", ông Trinh nói.

Về việc có nên công khai danh tính phụ huynh và thí sinh gian lận không, ông Trinh bày tỏ quan điểm rằng do việc có liên quan tới các quy định pháp lý, bên cạnh đó cũng phải cân nhắc thực tế vụ việc đang tiếp tục được điều tra, vì thế "việc công bố danh tính hay không công bố đến đâu thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra". 

Ông Trinh cũng nói thêm việc công bố danh tính cũng cần cân nhắc những phản ứng tiêu cực trong xã hội, đặc biệt là phản ứng tiêu cực từ chính thí sinh.

Tập huấn kĩ để phát hiện, xử lý gian lận

Tại cuộc họp báo, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định năm 2019, kì thi THPT quốc gia sẽ đặc biệt quan tâm tới các giải pháp để đảm bảo khách quan, trung thực trong đó cơ quan này sẽ trực tiếp chỉ đạo chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát 24/24 giờ. 

Tới nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật, có chức năng giám sát chặt chẽ người dùng, đảm bảo phòng chống, phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.

Bộ này khẳng định sẽ phối hợp với cơ quan công an để tập huấn kĩ nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, đặc biệt là kĩ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, trong đó có gian lận công nghệ cao. 

Bên cạnh đó nhiều quy định được bổ sung như các quy định nâng cao trách nhiệm của những người tham gia kì thi, trong đó các khâu nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực đều được giao cho cán bộ trường ĐH đảm nhiệm, không cử cán bộ trường đại học tại địa phương làm nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi tại địa phương đó.

Quyền công bố danh tính thí sinh gian lận thuộc cơ quan điều tra - Ảnh 2.

PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT trao đổi về khiếu nại trong cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019 - ẢNH BÁ HẢI

Giải thích tiếp về lùm xùm thi khoa học kĩ thuật

Trả lời nhiều câu hỏi của báo chí về khiếu nại của các phụ huynh liên quan tới kết quả cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia năm 2019 dành cho học sinh trung học, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định quy trình chấm thi rất chặt chẽ và khách quan.

"Đội ngũ các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời tham gia vào ban giám khảo, các giám khảo sẽ bốc thăm để nhân dự án chấm, trong đó mỗi dự án có từ 8-12 giám khảo chấm. Các giám khảo làm việc độc lập theo hướng dẫn chấm với các tiêu chí cụ thể. Nếu kết quả chấm giữa các giám khảo vênh nhau 20% tổng điểm sẽ phải kiểm tra, xem xét lại" - ông Thành cho biết. 

Năm 2019, để khách quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động giám khảo phía Bắc chấm thi cho dự án khu vực phía Nam, phía Nam chấm cho phía Bắc để tránh "bệnh thành tích". 

Ông Thành khẳng định hội đồng chấm thẩm định (sau khi có khiếu nại) cũng thực hiện đúng quy trình như lần chấm đầu tiên, chỉ không thực hiện bốc thăm chọn dự án chấm, vì số lượng dự án chấm thẩm định rất ít.

Chia sẻ về ý kiến "nên hay không cộng điểm, xét tuyển thẳng đại học với dự án thi Khoa học kĩ thuật được giải để tránh tiêu cực, lành mạnh hóa cuộc thi này", ông Thành cho biết cuộc thi Khoa học kĩ thuật tổ chức trong mấy năm qua là nỗ lực đem lại thành quả. 

Trong tương lai, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có định hướng đưa giáo dục STEM (trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - PV) vào nhà trường phổ thông thì sân chơi như thi Khoa học kĩ thuật càng cần thiết, vì đó là ứng dụng cao của giáo dục STEM. 

Vì thế, theo ông Thành, chính sách để khuyến khích các nhà trường, học sinh tham gia là cần, tuy nhiên, bộ sẽ tiếp thu ý kiến để xem xét, điều chỉnh chế độ này, nhằm tránh việc biến tướng cuộc thi này.

Gần 20 trường đại học có thí sinh Hòa Bình gian lận thi Gần 20 trường đại học có thí sinh Hòa Bình gian lận thi

TTO - Ông Bùi Trọng Đắc - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình - cho biết sở này đã hoàn tất công việc Bộ GD-ĐT giao, chuyển dữ liệu cho các trường đại học có liên quan.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên