28/06/2020 08:28 GMT+7

Quy định ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe ra sao?

VĨNH HÀ - MAI THƯƠNG - NGỌC DIỆP
VĨNH HÀ - MAI THƯƠNG - NGỌC DIỆP

TTO - Có bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển đại học? Quy định ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe ra sao?... Băn khoăn của thí sinh đã được giải đáp tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp ở Hải Phòng sáng 28-6.

Quy định ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp sáng 28-6 ở Hải Phòng - Ảnh: NAM TRẦN

Trao đổi với hoc sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Hải phòng, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: Sau khi có kết quả thi THPT, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục công bố công khai, rộng rãi thông tin tổng hợp phân tích kết quả thi để các cơ sở đào tạo sử dụng làm căn cứ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường/ngành.

Bà Nguyễn Thu Thủy lưu ý: Đối với các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển, đối với các phương thức xét tuyển khác đã được quy định tại quy chế, công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Quy định trong trường hợp số thí sinh (02 nhóm ngành: sư phạm, sức khỏe do Bộ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng) trúng tuyển không đủ điều kiện để tổ chức lớp học (quá ít) thì phải liên hệ, thống nhất với thí sinh phương án giải quyết, không trái quy định của pháp luật hoặc báo cáo Bộ GD-ĐT để có phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đáp ứng đủ các điều kiện tuyển sinh theo quy định (không tuyên bố trúng tuyển sớm trước khi tốt nghiệp).

Không giới hạn nguyện vọng

Quy định ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe ra sao? - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - Ảnh: NAM TRẦN

Trước nhiều băn khoăn của học sinh Hải Phòng về việc "có bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển đại học", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết: "Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT. Và thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký".

Bà Thủy cũng lưu ý trong thời hạn quy định, thí sinh phải xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển theo quy định của trường, thí sinh đã nhập học không được tiếp tục tham gia xét tuyển các đợt sau.

"Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin đăng ký xét tuyển và dữ liệu đăng ký dự thi với hồ sơ gốc", bà Thủy lưu ý. 

TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội lưu ý thí sinh nên tăng tối đa các cơ hội trúng tuyển của mình. Dù sử dụng xét tuyển kết hợp hoặc xét tuyển thẳng, nhưng với nghề quá “hot”, tỉ lệ chọi cao, thí sinh vẫn có thể trượt. Do đó thí sinh nên phải tăng tối đa hình thức xét tuyển, như đăng ký thêm xét tuyển kết quả THPT.

“Con tôi đã đăng ký các nguyện vọng, liệu thời điểm này có thể điều chỉnh thêm nguyện vọng được không?”, một phụ huynh hỏi. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó trưởng Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Theo quy chế tuyển sinh 2020, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng, nếu thí sinh có 10 nguyện vọng chỉ có nhu cầu thay đổi trật tự sắp xếp các nguyện vọng thì các em có thể hoàn toàn làm trên máy tính, smartphone. Còn giả dụ các em đã đăng ký 5 nguyện vọng rồi, giờ thêm 3 nguyện vọng nữa thì cần làm trên giấy và nộp thêm tiền cho mỗi nguyện vọng 30.000 đồng”. 

Đừng để lỡ cơ hội vì đăng ký số điện thoại của… bạn gái 

Quy định ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe ra sao? - Ảnh 3.

TS Sái Công Hồng - Phó vụ trưởng vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT - Ảnh: NAM TRẦN

TS Sái Công Hồng - Phó vụ trưởng vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, làm "giảm nhiệt" ở phần tư vấn chung bằng một câu chuyện vui nhưng rất thiết thực.

"Năm trước đã có một trường khi đăng ký xét tuyển, thí sinh dùng số điện thoại của bạn gái để đăng ký nguyện vọng. Thí sinh đó thi đạt kết quả cao nên yên tâm không điều chỉnh nguyện vọng. Nhưng khi nhận thông báo kết quả thi mới ngã ngửa mình trượt đúng trường mình yêu thích, dù đã đủ điểm chuẩn vào trường. 

Nguyên nhân cô bạn gái của thí sinh này vì có tài khoản của bạn trai nên đã tự ý đổi nguyện vọng cho bạn. Sau đó, cô bạn lại ra nước ngoài nên không thông tin được cho bạn của mình.

Các em dùng số điện thoại của mình đăng ký và tuyệt đối giữ bí mật thông tin tài khoản, chỉ có thể chia sẻ với bố mẹ, chứ đừng để người khác nắm giữ điều đó, vì rất có thể sẽ gặp rắc rối như thí sinh trên", TS Sái Công Hồng khuyên học sinh lưu ý trước thời hạn chốt đăng ký dự thi. 

Không "học tủ"

Trao đổi về điều học sinh quan tâm nhất là đề thi, TS Sái Công Hồng khuyên thí sinh nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo. Ông cho biết đề thi sẽ không ra vào nội dung đã tinh giản, nhưng lưu ý "không nên học tủ" vì rất có thể sẽ bị mất điểm từ chính việc học "tủ".

"Một tác phẩm đã có trong đề thi năm trước vẫn có thể được đưa lại ở đề thi năm nay nhưng cách hỏi sẽ khác. Vì thế, việc của các em là phải đọc kỹ để, hiểu yêu cầu của đề. Nếu học tủ một bài nào đó, nhưng hiểu sau yêu cầu thì sẽ vẫn mất điểm", TS Sái Công Hồng nói. "Cách ôn tập tốt nhất là sắp xếp kiến thức theo chủ đề, kết hợp với đề thi tham khảo để biết mức độ của đề thi sẽ ra".

Ông Hồng cũng lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm, nên làm từ trên xuống dưới theo tuần tự. Vì đề thi sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó. Khi học sinh đã làm đạt được 60-70% đề thi thì sẽ tự tin, có cảm hứng để làm tốt những câu hỏi khó mang tính phân hóa cao. 

“Tuy nhiên đề thi dễ cũng thành khó nếu các em không ôn kỹ. Các em lưu ý trời rất nóng nên phải ăn uống đầy đủ. Làm sao để điểm rơi phong độ của mình phải rơi đúng ngày thi 9 và 10-8 nhé, đừng rơi vào ngày khác”, ông lưu ý thêm thí sinh tại khu vực tư vấn chuyên sâu.

Quy định ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe ra sao? - Ảnh 4.

Học sinh Phạm Hoàng Dương, lớp 12 trường THPT Lương Thế Vinh, Hải Phòng nhờ thầy cô giải đáp về thi chuyên ngành ngoại ngữ - Ảnh: NAM TRẦN

Trường học tốt, điểm đầu vào cao, vẫn có "góc khuất?"

Một câu hỏi "khoai" được gửi đến các thầy cô ở ban tư vấn: Trường học tốt, điểm đầu vào cao, vẫn có "góc khuất?". TS Sái Công Hồng cho rằng nếu thực sự có "góc khuất" thì nhiệm vụ của thầy, trò phải là "dùng đèn chiếu sáng những góc khuất". 

Nhưng ông Hồng cũng khuyên các em học sinh không nên "nghe nói", nhất là xem thông tin trên các trang mạng chưa được kiểm chứng. Vì điều đó sẽ chỉ khiến các em có suy nghĩ tiêu cực, hoang mang, lo lắng không cần thiết.

Nói cụ thể về kỳ thi sắp tới, TS Sái Công Hồng cũng cho biết Bộ GD-ĐT vẫn tăng cường nhiều giải pháp để đảm bảo sự nghiêm túc, khách quan, trung thực trong kết quả thi.

Trả lời câu hỏi của một thí sinh về việc có phải "nhìn vào điểm đầu vào để đánh giá năng lực sinh viên không", TS Sái Công Hồng khẳng định: "Việc có thành công hay không, lệ thuộc vào trên 60% nỗ lực của sinh viên sau khi đỗ vào các trường đại học - cao đẳng. Theo nghiên cứu của Viện Khảo thí Hoa Kỳ ETS thì kết quả đầu vào chỉ quyết định khoảng 36% sự thành công của việc học ở bậc đại học. Ngoài ra, còn cần sự đam mê, kiên trì bền bỉ".

TS Nguyễn Đào Tùng - Phó giám đốc Học viện Tài chính, cũng cho biết một kết quả khảo sát gần nhất của Học viện Tài chính, có khoảng 25% số sinh viên không tốt nghiệp đúng thời hạn do để nhiều yếu tố ảnh hưởng. Trong số này có những sinh viên từng có điểm đầu vào cao, đạt giải thi học sinh giỏi quốc gia ở phổ thông. Điều này cho thấy, nỗ lực trong 4 năm học đại học mới mang tính quyết định.

Học nghề "đào tạo gắn với giải quyết việc làm"

Ông Đào Trọng Độ - Phó vụ trưởng vụ Giáo dục thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động thương binh & Xã hội cũng chia sẻ thêm về "những cánh cửa khác" với trên 400 trường cao đẳng, trên 500 trường trung cấp đào tạo ở tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp.

Với định hướng "Đào tạo gắn với giải quyết việc làm", Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang cố gắng để các cơ sở đào tạo đạt mục tiêu với 80-90% sinh viên ra trường có việc làm, cả ở thị trường lao động trong và ngoài nước.

"Người có bằng trung cấp, cao đẳng, biết ngoại ngữ thì có thể được trả mức lương cao như người bản xứ", ông Đào Trọng Độ nhấn mạnh. 

Có thí sinh băn khoăn: “Em định thi ngành ngoại ngữ, nhưng giờ mọi người nói ngoại ngữ không phải là nghề, không nên thi?”. TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội trả lời: “Nếu nói ngoại ngữ không phải ngh thì không đúng. Chừng nào các trường vẫn tuyển sinh ngành ngoại ngữ thì chứng tỏ xã hội rất cần. Ngành tuyển sinh tốt nhất hiện nay là Nhật, Hàn, Trung, Anh. 

Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tuy hiếm nhưng vẫn nhiều người học. Chừng nào Việt Nam còn giao thương với thế giới thì vẫn cần ngoại ngữ. Sinh viên ngoại ngữ tỏa đi muôn phương, làm trong rất nhiều ngành nghề khác nhau”.

Học Luật có giới hạn ngành nghề? 

Tại gian tư vấn Đại học Luật Hà Nội, bạn Hà Minh Thu (trường THPT Thái Phiên, Hải Phòng) đặt câu hỏi về tương lai nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp tại trường: "Liệu học luật xong ra trường có thể kiếm được việc hay không? Học luật xong có bắt buộc trở thành luật sư hay còn những nghề nghiệp nào khác?".

Ths Nguyễn Thu Thủy - Phó Trưởng phòng đào tạo trường, tư vấn: "Sau khi tốt nghiệp tại Đại học Luật Hà Nội, sinh viên có thể làm việc tại tòa án, tư vấn, định hướng pháp luật tại các doanh nghiệp, viện kiểm sát... 

 Nghề luật là một nghề cao quý, thú vị, hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức. Tự hào là cơ sở đào tạo luật hàng đầu của cả nước, Đại học Luật tự tin khẳng định sẽ cung cấp cho xã hội những cử nhân luật có năng lực, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội". 

Tại gian tư vấn Trường Đại học Công nghệ Đông Á (Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội), các tư vấn viên đặt bàn trắc nghiệm tính cách để tìm hiểu sở thích, xác định khả năng và tư vấn ngành học cho các sĩ tử. Bảng trắc nghiệm này dựa trên chỉ số NLP - lập trình ngôn ngữ tư duy, thu thập về thói quen hành vi để xác định tính cách và bề nổi của mỗi người. Từ đó định hướng ngành học phù hợp cho các sĩ tử.

"Ở Việt Nam, bảng trắc nghiệm này mới được đưa vào khoảng 6 năm nay, là môn một khoa học được giảng dạy tại trường Đại học NLP", Phạm Ngọc Tuyển - giảng viên trường Đại học Công nghệ Đông Á chia sẻ.

Muốn học ngành y nhưng sợ... trực đêm

Một nữ sinh ở Hải Phòng rụt rè hỏi "em muốn học ngành y, nhưng liệu có công việc không phải trực đêm không?". 

Trực đêm là "phần tất yếu của bác sĩ", TS Nguyễn Hải Ninh - trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Y dược Hải Phòng và GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội đều khẳng định.

Theo các thầy thì mọi công việc bên cạnh những giá trị mang lại cho chúng ta thì đều đòi hỏi sự cố gắng học tập, làm việc, vượt lên những khó khăn, vất vả mang tính đặc thù. Ngành y thì càng đòi hỏi khả năng "vượt khó" này bởi đó là ngành điều trị, cứu chữa cho mọi người.

"Cũng vì thế mà nếu các em muốn học ngành y, phải tìm hiểu kỹ và có sự đam mê thực sự thì mới có động lực đủ để các em vượt lên những khó khăn, thách thức", TS Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.

Phụ huynh: chọn trường có cơ sở vật chất, cho sinh viên thực hành nhiều

Bà Thu Hằng có con gái đang theo học tại trường THPT Hải An (Hải Phòng) chia sẻ: "Về ngành nghề, tôi để con tự chọn theo năng lực và đam mê của con. Nhưng khi chọn trường cụ thể, tôi định hướng và tham vấn cho con những trường đại học cho sinh viên thực hành nhiều, học lý thuyết gắn liền với thực tiễn thay vì chỉ tập trung học kiến thức ở trường.

Hiện nay sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều, bởi vì trong quá trình học chỉ tiếp cận với những kiến thức rất hàn lâm nhưng lại không biết thực hành những kiến thức đó trong công việc như thế nào. Vậy nên, với những trường thiếu thốn về cơ sở vật chất, chương trình học không gắn liền với thực tập, thực tiễn phải loại ngay từ đầu", bà Hằng nhấn mạnh.

Cũng quan điểm đó, ông Nam Hải (Hải Phòng) cho biết con trai ông đang muốn theo các ngành nghề liên quan đến khoa học kỹ thuật. Vậy nên đến buổi tuyển sinh, ông thường đặt câu hỏi tại các gian tư vấn về các chương trình thực hành của nhà trường, cơ sở khoa học kỹ thuật, sinh viên theo học được thực hành như thế nào và đảm bảo tương lai nghề nghiệp ra sao.

Cô Nguyễn Thị Minh Phương - giáo viên trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng) đưa học sinh đi nghe tư vấn tuyển sinh sáng nay, chia sẻ: "Trước khi đi nghe tư vấn tuyển sinh, học sinh cũng được các giáo viên chủ nhiệm và BGH nhà trường tư vấn tại trường. Tuy nhiên khi nghe chia sẻ và tư vấn từ chính các trường đại học đang tuyển sinh, các em sẽ có cái nhìn tường minh và định hướng rõ ràng hơn về tương lai.

Hiện tại trường THPT Thái Phiên có 3 khối học là khối A, A1 và khối D. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên sẽ nắm bắt được sở trường và điểm mạnh của các em để hướng nghiệp. Hiện nay học sinh tại trường đăng ký nhiều nhất vào các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân".

Quy định ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe ra sao? - Ảnh 6.

Em Vũ Văn Huy, trường THPT Hùng Thắng (Hải Phòng) đặt câu hỏi tại buổi tư vấn chuyên sâu - Ảnh: MAI THƯƠNG

Quy định ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe ra sao? - Ảnh 7.

Các thầy cô trong ban tư vấn khối Kinh tế, Báo chí, Khoa học xã hội - nhân văn, Ngoại ngữ giải đáp những thắc mắc của các bạn thí sinh - Ảnh: NAM TRẦN

Quy định ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe ra sao? - Ảnh 8.

Các gian tư vấn tại Hải Phòng đông nghẹt các học sinh tham gia - Ảnh: NAM TRẦN

Quy định ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe ra sao? - Ảnh 9.
Sáng nay báo Tuổi Trẻ tư vấn tuyển sinh tại Cần Thơ, Hải Phòng: Khám phá ngành nghề, săn tìm cơ hội Sáng nay báo Tuổi Trẻ tư vấn tuyển sinh tại Cần Thơ, Hải Phòng: Khám phá ngành nghề, săn tìm cơ hội

TTO - Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra từ 7h-15h ngày 28-6 ở Trường ĐH Cần Thơ (Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều). Cùng thời điểm, chương trình tư vấn diễn ra ở Trường ĐH Hàng Hải (484 Lạch Tray, Q. Lê Chân, Hải Phòng).

VĨNH HÀ - MAI THƯƠNG - NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên