18/08/2023 13:23 GMT+7

Quảng Ninh tính cách giữ chân hòn Trống Mái

Phương án bảo tồn hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long đang được tỉnh Quảng Ninh xây dựng, trước nguy cơ đổ sập bởi những tác động của tự nhiên lẫn con người.

Hòn Trống Mái tại vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang có nguy cơ đổ sập cao trước những tác động của tự nhiên lẫn con người - Ảnh: T.THẮNG

Hòn Trống Mái tại vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang có nguy cơ đổ sập cao trước những tác động của tự nhiên lẫn con người - Ảnh: T.THẮNG

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, hòn Trống Mái gồm hai đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà trống, mái cao khoảng 13,9m, chân đảo hẹp hơn phần thân. Trải qua quá trình hoạt động địa chất, kiến tạo và sự tác động của nước biển, hòn Trống Mái có cấu tạo đơn nghiêng với nhiều hệ thống khe nứt.

Ngoài ra, hòn Trống Mái thường xuyên chịu tác động của các yếu tố thời tiết mưa, gió, sóng, thủy triều, dòng chảy, môi trường... tác động tới quá trình phong hóa, sạt, trượt.

Hòn Trống Mái đang có nguy cơ đổ sập cao

Đến nay, dù chưa ghi nhận xảy ra tình trạng sạt trượt nhưng tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm các giải pháp để bảo tồn hòn Trống Mái nói riêng và các di sản nói chung. 

Cụ thể, tỉnh này đã phê duyệt việc thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long".

Viện Khoa học địa chất và khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị tiếp nhận, ứng dụng kết quả nhiệm vụ.

Để triển khai nhiệm vụ theo đúng quy định hiện hành, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh được giao ký hợp đồng với Viện Khoa học địa chất và khoáng sản.

Báo cáo mới đây của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản về "mức độ an toàn của hòn Trống Mái" chỉ ra hòn Trống Mái có diện tích phần nổi khoảng 400m², cấu tạo chủ yếu bởi đá vôi Carbon - Permi hệ tầng Bắc Sơn.

Hiện hai đảo đá này chịu nhiều tác động bởi yếu tố tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ trượt, đổ lở cao. Bằng các phương pháp khoa học, đơn vị này chỉ ra khu vực hòn Trống Mái có khoảng 40 khối có nguy cơ trượt, đổ lở. Trong đó, 11 khối ở hòn Trống và 29 khối ở hòn Mái.

Mặt khác, đơn vị nghiên cứu cũng nhận thấy việc tàu thuyền du lịch, ca nô di chuyển qua khu vực vẫn có thể gây ra tác động xấu đến hòn Trống Mái mặc dù du khách không được lên các đảo này.

Một số ca nô cỡ lớn có sức tải 4-8 người khi di chuyển với tốc độ 30km/h có thể tạo ra cột nước 40 - 60cm. Các tàu cao tốc lớn hơn di chuyển ở khoảng cách xa hơn 100m với tốc độ tương đương cũng tạo nên những cột sóng cao hơn 80cm, tác động lên hòn Trống Mái.

Thời gian tác động thường kéo dài một hoặc hai phút, chưa kể việc một số ca nô tham quan thường lượn nhiều vòng quanh đảo nên về lâu dài, những đợt sóng này cũng góp phần đẩy nhanh quá trình ăn mòn bề mặt hòn Trống Mái.

Sớm triển khai các giải pháp bảo tồn 

Sau khi nghiên cứu các tác động, chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp theo từng đối tượng cụ thể để giảm thiểu nguy cơ trượt lở, đổ lở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định hòn Trống Mái.

Trong đó, có thể dùng neo bảo vệ các khối trượt, bơm trám xi măng các khe nứt, xây tường bê tông chịu lực hỗ trợ gia cố các vách hang và hệ thống đê bao vòng quanh chân cụm đảo nhằm giúp xử lý độ ổn định chân đế hòn Trống Mái… 

Không được làm thay đổi cảnh quan và vẫn phải đảm bảo độ ổn định theo thời gian của hòn Trống Mái, các tác động nên hạn chế tối đa.

Nhiều giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long được chuyên gia đưa ra đang được tập hợp để báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh có phương án cụ thể - Ảnh: T.THẮNG

Nhiều giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long được chuyên gia đưa ra đang được tập hợp để báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh có phương án cụ thể - Ảnh: T.THẮNG

Sở Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu Viện Khoa học địa chất và khoáng sản hoàn thành các nội dung, thủ tục công việc của nhiệm vụ để nghiệm thu bàn giao sản phẩm cho Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý vịnh Hạ Long trong tháng 8-2023, để sớm báo cáo UBND tỉnh cho triển khai các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái.

Theo ông Phan Đăng Chính - phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, thiết thực phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho nhiều thế hệ.

Trước mắt, sở đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh đề nghị có giải pháp phân luồng, thời gian và tốc độ lưu thông của tàu tại khu vực hòn Trống Mái cho phù hợp, nhằm giảm thiểu tác động xâm thực, ăn mòn của nước biển gây ảnh hưởng đến an toàn, sự ổn định của hai đảo nhỏ này.

Vịnh Hạ Long từng mất hòn Thiên Nga năm 2016 khi phần đầu thiên nga bị đổ; hòn 649 ở tiểu khu 3 của vịnh cũng đổ sụp vào năm 2013.

Còn tại tỉnh Kiên Giang, hòn Phụ Tử (cha con) - được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia năm 1989 - cũng đổ sập vào năm 2006, hiện chỉ còn hòn Tử (con).

Hòn Phụ tử: Bộ VH-TT tán thành phục hồi khối đá bị gãyHòn Phụ tử: Bộ VH-TT tán thành phục hồi khối đá bị gãy

Ngày 11-8, Cục Di sản, Bộ VH-TT đã có công văn gửi UBND tỉnh Kiên Giang tán thành chủ trương phục hồi khối đá bị gãy, nhưng việc phục hồi phải xây dựng thành phương án cụ thể (phương án trục vớt, giải pháp lắp dựng, gia cố...) trình Bộ VH-TT xem xét.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên