30/11/2019 12:15 GMT+7

Quán phở lạ giữa Sài Gòn: 'ăn nhẹ, nói khẽ', 'mua nhiêu bán nhiêu'

THẾ KIỆT
THẾ KIỆT

TTO - Nằm trong một con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh, quán phở Thái Hưng dường như lúc nào cũng là một một không khí tĩnh lặng dù khách đông đến mấy. Đó là một quán phở đặc biệt lạ: "ăn nhẹ, nói khẽ", "mua nhiêu bán nhiêu".

Quán phở lạ giữa Sài Gòn: ăn  nhẹ, nói khẽ, mua nhiêu bán nhiêu - Ảnh 1.

Bà chủ quán phở Thái Hưng đang chuẩn bị hàng cho một buổi phục vụ khách - Ảnh: THẾ KIỆT

Vào quán, thực khách sẽ thấy trên bàn một tấm bảng dễ thương hình trái tim ghi dòng chữ: "Xin hỗ trợ các bạn câm điếc làm việc", cùng những giấy bút để ghi gọi món. Trên tường là bảng giá phở, dao động từ 30.000 đến 100.000 đồng.

Không khí tĩnh lặng của những người phục vụ dường như cũng lan đến cả các thực khách khiến mọi người ai nấy đều "ăn nhẹ, nói khẽ" hơn ở những quán phở bình thường khác. 

Quán phở Thái Hưng khá đặc biệt giữa Sài Gòn - Video: THẾ KIỆT - THƯ TRẦN - QUỐC HUY

Chủ quán, bà Mai Thị Ngọc Bích, cho biết đã thực hiện việc đào tạo và thuê các bạn bị khuyết tật câm, điếc vào làm việc tại quán phở của mình từ hơn một năm nay., một quyết định khi biết chuyện những người trẻ khuyết tật, câm điếc khó tìm việc để hòa nhập cộng đồng.

"Tôi mới nghĩ ở phòng mổ người ta chỉ thuộc quy trình là có thể làm được vậy thì áp dụng quy trình đó cho bán hàng được không vì bán hàng tập trung trí não thì có hiệu quả hơn nên tôi suy nghĩ ra một quy trình bán hàng im lặng", bà Bích nói.

Quán phở lạ giữa Sài Gòn: ăn  nhẹ, nói khẽ, mua nhiêu bán nhiêu - Ảnh 3.

Nồi nước lèo đạt chuẩn " trong như nước mưa, đậm màu hổ phách" - Ảnh: THẾ KIỆT

Thời gian ban đầu, mô hình bán hàng im lặng này cũng bị khách hàng phản ứng dữ dội vì cho rằng khổ cho cả người bán lẫn người mua, đã không nghe, không nói được thì biết gì mà phục vụ. 

Nhưng với sự kiên trì và niềm tin, bà Ngọc Bích làm cả mô hình, nhờ người đóng giả khách hàng, cắt giấy để làm bánh phở, tô, đũa thị phạm cụ thể cho các bạn, dần dần từ ba người câm, điếc thay thế một người thường và rút xuống còn hai bạn và cuối cùng là một người như hiện nay.

Quán phở lạ giữa Sài Gòn: ăn  nhẹ, nói khẽ, mua nhiêu bán nhiêu - Ảnh 4.

Bút, giấy để khách viết yêu cầu phục vụ món phở yêu thích của mình - Ảnh: THẾ KIỆT

Sau một thời gian đào tạo và cùng làm việc, bà Bích ngạc nhiên vì thấy các bạn trẻ rất phù hợp với công việc này. Chỉ cần sắp xếp bàn ghế, lên món theo đúng thứ tự thì quán có đông cách mấy các bạn cũng đều phục vụ một cách nhanh chóng và chính xác. 

Hiện bà chủ quán phở Thái Hưng đang viết quy trình về phục vụ quán ăn dành riêng cho các bạn khiếm thính. Tùy theo khả năng của từng bạn mà bà Bích hướng dẫn từ việc đặt món, bưng bê đến truyền cả công thức nấu cho một vài bạn. 

Không chỉ vậy, cô còn đào tạo và giới thiệu cho hơn chục bạn đến phục vụ tại các quán phở học trò của mình. Ngoài ra, có một khách hàng người Nhật khi biết đến mô hình này cũng đã đến tham quan và sau đó mời bà chủ quán phở Thái Hưng sang Nhật để trao đổi kinh nghiệm.

Quán phở lạ giữa Sài Gòn: ăn  nhẹ, nói khẽ, mua nhiêu bán nhiêu - Ảnh 5.

Mặt tiền quán phở Thái Hưng - Ảnh: THẾ KIỆT

Điều đặc biệt của tô phở Thái Hưng mà bà chủ quán phở này luôn tự hào đó là nước dùng "trong vắt như giọt nước mưa". Để có được "công phu" này đối với bà chủ Ngọc Bích là cả một quá trình hơn 20 năm học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu. 

Không phải như những hàng phở gia truyền khác, khởi đầu của bà chủ quán phở Thái Hưng là một diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội, vào Nam, học quản trị kinh doanh, đi làm, rồi mở quán cháo với số vốn chỉ 100.000 đồng năm 1995.

Trong một dịp tình cờ đi thăm người quen ở bệnh viện Ung Bướu TP.HCM và chứng kiến một bệnh nhân tại đây thèm ăn phở nhưng không đủ tiền mua, bà bán cháo Ngọc Bích đã chuyển sang nghề bán phở với phương châm "Ai mua bao nhiêu bán bấy nhiêu".

Quán phở lạ giữa Sài Gòn: ăn  nhẹ, nói khẽ, mua nhiêu bán nhiêu - Ảnh 6.

Một bạn khuyết tật đang phục vụ khách - Ảnh: THẾ KIỆT

Không có kinh nghiệm hay "gia truyền", bà Bích đi học nghề, sáng bán phở, chiều đi tìm thầy bằng cách xin đi làm thuê tại các quán phở gia truyền có tiếng để tìm bí quyết và đúc kết cho mình một tuyệt chiêu với nồi nước lèo "trong như nước mưa, đậm màu hổ phách".

Chính nồi nước lèo này đã giúp tiệm phở Thái Hưng đã giúp bà lọt vào top 10 toàn quốc dự thi vòng chung kết chương trình "Đi tìm người nấu phở ngon năm 2019" do báo Tuổi Trẻ tổ chức. 

Quán phở lạ giữa Sài Gòn: ăn  nhẹ, nói khẽ, mua nhiêu bán nhiêu - Ảnh 7.

Một bạn khuyết tật đang phục vụ khách - Ảnh: THẾ KIỆT

Khi được ban giám khảo hỏi về bí quyết này, bà đưa ra một hũ nước cốt trái cây và giới thiệu không hề giấu giếm đây chính là bí quyết. Theo bà, các loại trái cây như tắc với lớp vỏ có tinh dầu sẽ giúp kết tủa các chất đục trong nước, làm cho nước dùng trong và không bị chua, để được lâu hơn. Ngoài ra, các axit trong trái cây cũng giúp trung hòa chất mỡ trong thịt bò, giúp cho món phở không bị "gắt cổ" người thưởng thức.

Giờ thì, bà chủ Ngọc Bích đã trở thành một cô giáo không chỉ dạy phở mà còn dạy các kiến thức về quản trị cho các học viên trong và ngoài nước. 

Đam mê với phở Việt Đam mê với phở Việt

TTO - "Đi tìm người nấu phở ngon năm 2019" diễn ra tại báo Tuổi Trẻ ngày 23-11, không phải là cuộc thi để tìm ra người giành ngôi vị cao nhất, mà là cơ hội để người yêu phở Việt gặp gỡ, tôn vinh món ăn đã trở thành quốc hồn quốc túy của dân tộc.

THẾ KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên