21/04/2019 09:49 GMT+7

Quả ngọt của sự tử tế và tự lực

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Câu chuyện “Mẹ bán vé số, con được tuyển thẳng vào ĐH” (Tuổi Trẻ 19-4) như một luồng gió mát lành giữa lúc dư luận đang nóng chuyện gian lận thi cử. Một câu chuyện đẹp về tinh thần tự lực cánh sinh từ một học sinh lớn lên trong gia đình nghèo.

Tôi luôn nói với các con tôi đi bán vé số nhưng không bao giờ lường gạt ai. Tôi luôn tử tế để cho con noi vào. Tôi cũng dạy các con sau này ra đời đừng tỏ thái độ thiếu tôn trọng với những người bán vé số, lượm ve chai vì mẹ cũng làm nghề như vậy để nuôi các con. 

Thầy cô ở trường con tôi học đều biết tôi bán vé số. Nhiều hôm cô hiệu trưởng còn gọi tôi vào nhận thưởng thay cho con. Với những người xung quanh, tôi tính sau khi "giải nghệ" bán vé số sẽ làm mâm cơm mời những người thường xuyên mua vé số ủng hộ mình. Tôi mang ơn họ...

Bà Dương Thị Chung

Đọc bài viết trên Tuổi Trẻ, tôi nghĩ về gia đình Minh, về những thách thức mà giáo dục đang giải quyết, về sự tử tế người lớn truyền lại cho con em mình.

Biết ơn để sống tử tế

Chia sẻ trên Tuổi Trẻ, chị Dương Thị Chung, mẹ của Minh, nói một điều rất giản dị khi thôi bán vé số, chị sẽ làm mâm cơm mời những người thường xuyên mua vé số ủng hộ vì: "Tôi mang ơn họ...". 

Lòng biết ơn là một phẩm cách cao đẹp. Mấy ai nghĩ nhiều và luôn sống với điều đó? Biết ơn để sống tử tế mỗi ngày, biết ơn để cảm nhận và để có cuộc sống an lành dù vật chất thiếu thốn, biết ơn để thôi đi những ganh ghét, biết ơn để làm người lương thiện. 

Cậu học trò Nguyễn Công Minh đã lớn lên với cách nghĩ, cách sống ấy. Đó là khởi nguồn của niềm tin vào cuộc sống, để có nghị lực học tập tốt nhất.

Tôi đã gặp những học sinh chớm khó khăn là buông bỏ, xao lãng học tập. Đã có lần tôi bất lực trước câu chuyện một bà mẹ vất vả với gánh bún bò, sớm trưa chắt chiu nuôi con. Bà đã khóc ngất khi hay tin con nghỉ học, nhưng con... không thay đổi. Câu chuyện của Minh, sự vất vả của mẹ, số tiền lời ít ỏi nhờ bán những tấm vé số như tiếp thêm nghị lực để em học tốt.

Giá trị của tự lực

Tôi biết về thành tích của Minh qua các cuộc thi. Nay tôi biết thêm về em, thành tích đó là nhờ vào nỗ lực của bản thân, hướng dẫn, động viên của thầy cô và hun đúc của ba mẹ. 

Ở Minh, tự học như là một kỹ xảo, lý thuyết gắn với thực tiễn, Minh tìm tòi, nhận biết và sáng tạo. Đó không chỉ là cách làm để đến với những cuộc thi, đó chính là cách tự học đúng đắn, học hiểu sâu, nhớ lâu, vận dụng tốt. Việc học vì thế không còn là chuỗi áp lực. Thay vào đó là sự say mê được rèn luyện.

Nhà Minh nghèo, nghèo lắm. So với hoàn cảnh của những thí sinh và phụ huynh trong bảng danh sách chạy điểm để vào ĐH chắc là không so sánh được. Những năm tháng học đường của Minh có bài học từ thực tế công việc của mẹ, một người lao động chân chính không quản ngại khó khăn, là tin vào điều tử tế, là tin rằng học tốt là cơ hội để con phát triển bản thân. 

Em được vào ĐH bằng nội lực và nỗ lực hết mình, từ những bước đi vững chắc, rất khác những kiểu "chạy" cùng với đó là gian lận kết quả một kỳ thi và sự giả dối đeo đẳng một đời người.

Nguyễn Công Minh - HS lớp 12A7 Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng - được tuyển thẳng vào ĐH năm 2019 với thành tích giải ba môn tin học kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2018 (khi Minh đang học lớp 11).

bachung19419abc 2(read-only)

Với kiến thức đã học, Minh chế tạo robot nông nghiệp GardenBot, thiết bị theo dõi hoạt động khu vực cây trồng để đưa ra các chỉ số nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; robot có thể tưới nước, bón phân cho cây trồng - thiết bị đoạt giải 3 cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng. Dự án mới của Minh là thiết bị hỗ trợ người khiếm thính.

Nếp nhà và thói cậy quyền ỷ thế

Câu chuyện nếp nhà đầy cảm xúc về gia đình chị bán vé số Dương Thị Chung và con trai Nguyễn Công Minh được tuyển thẳng vào ĐH năm 2019 lặng lẽ giữa dòng thông tin về gian lận thi cử nhiều ngày qua. Nhà ấy có người mẹ 18 năm đạp xe bán vé số nuôi hai con ăn học, có người cha chăm chỉ làm nông. Các con lớn lên, thi đậu nhờ sự tự giác, tự tìm tòi học tập và nghiên cứu.

Một số thí sinh Sơn La, Hà Giang được coi như trúng tuyển năm 2018 vào những trường ĐH danh giá với điểm số cao ngất, thậm chí là thủ khoa, nhưng là điểm giả! Những điểm số đẹp đó có được từ tiền bạc, quyền chức hoặc mối quan hệ của phụ huynh. Hẳn nhiên họ không phải là những người nghèo.

Cũng là một kiểu lo chuyện ăn học cho con, nhưng lo đi kèm với lót. Nhưng rồi con cái họ mang theo cái gì vào ĐH và vào đời (nếu mọi chuyện chưa bị lộ)? Đó là thói cậy quyền, ỷ thế và tư tưởng cái gì cũng có thể mua và bán.

Dư luận bất bình vì lẽ công bằng của một kỳ thi. Nhưng kèm với đó là sự căm phẫn của cộng đồng trước cái thói luôn muốn tranh giành chỗ đứng, địa vị, cái kiểu người lớn bày chuyện xấu xa gọi là lo cho con cái mình.

Và câu chuyện này cũng bày ra đó sự thật xã hội có những người có chức quyền, tiền bạc đang muốn hô biến, đặt để con em mình vào những chỗ "ngon lành" nhất. Bất công không dừng lại ở kỳ thi 2018, kéo theo là hậu quả xã hội lâu dài bao năm sau nữa. Chuyện này, vì vậy, không còn là chuyện thi cử, mà là chuyện cuộc đời.

Chuyện đời của mẹ con chị bán vé số đã thổi vào dư luận làn gió mát. Làn gió quý giá từ sự tự lực, học thật, điểm số thật, kết quả thật, đó là giá trị cuộc sống từ sự tử tế, trung thực, đàng hoàng. Tinh thần, ý chí tự lực cánh sinh luôn cần được đặt lên hàng đầu để làm nền tảng cho xã hội tiến bộ, phát triển. Đừng để lại cho hậu thế một cuộc sống đầy những giả dối, gian lận, bán chác.

MINH ĐỨC

Mẹ bán vé số, con được tuyển thẳng đại học Mẹ bán vé số, con được tuyển thẳng đại học

TTO - Đó là câu chuyện của bà Dương Thị Chung (44 tuổi, ở P.Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Cậu con trai út, Nguyễn Công Minh - học sinh lớp 12A7 Trường THPT Bảo Lộc - sẽ được tuyển thẳng vào đại học năm nay.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên