14/01/2015 12:10 GMT+7

​Phi công báo ốm bất thường, Nhà nước phải hành động

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Việc 117 phi công của VNA báo ốm trong sáu ngày mà chỉ có 10 người có chứng nhận y tế đặt ra giả thiết: có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lãn công tập thể?

Đồ họa: Việt Thái

Ngày 13-1, ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết trong chỉ thị về tăng cường công tác quản lý và đảm bảo nguồn nhân lực của Vietnam Airlines (VNA) của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có giao Cục Hàng không “tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lực lượng lao động kỹ thuật cao của VNA” là biện pháp tạm thời về mặt hành chính, không trái với luật pháp.

Theo ông Thanh, việc 117 phi công của VNA báo ốm trong sáu ngày mà chỉ có 10 người có chứng nhận của y tế đặt ra giả thiết: đây có phải là tình thế cấp bách không, đó là dấu hiệu bất thường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lãn công tập thể? Vậy có yếu tố kích động nào không? Cục Hàng không không phải cơ quan điều tra nhưng cũng đặt ra giả thiết đó...

“Dịp Tết dương lịch không phải quá rét nhưng người báo ốm đông bất thường. Quy định của hàng không ngặt nghèo. Khi phi công báo ốm thì bắt buộc không được phép xếp bay, sau đó mới đi khám xem có ốm hay không. Việc báo ốm hàng loạt gây cảm tưởng người ta lợi dụng vũ khí đó đối với hàng không” - ông Thanh nói.

Đánh giá sự việc trên uy hiếp đến hoạt động tức thời chứ không phải chỉ với kế hoạch sản xuất của VNA, ông Thanh cho rằng nếu Tết Nguyên đán tới VNA vỡ hết kế hoạch thì ảnh hưởng đến an ninh kinh tế quốc gia. Nhà nước phải có những hành động tức thời về mặt hành chính vì sự bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến một đơn vị nhận nhiệm vụ chính trị như VNA.

“Trọng tâm chỉ thị của bộ trưởng không phải là tạm ngừng chấp thuận việc chuyển đổi nơi làm việc của phi công. Việc đầu tiên là ổn định tư tưởng chính trị cho phi công bởi liên quan đến an ninh quốc phòng, an toàn bay. Rồi công tác đảm bảo quyền lợi, tăng thu nhập cho người lao động.

Thứ ba là đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh rồi vấn đề về đào tạo huấn luyện. Về quản lý nhà nước là rà soát cơ chế liên quan. Tạm dừng chấp thuận chuyển đổi nhà khai thác là biện pháp cấp bách tạm thời, chứ đấy không phải là mục tiêu của công tác quản lý nhà nước”- ông Thanh giải thích.

Đồng ý là phi công có quyền lựa chọn nơi làm việc có lương cao hơn, nhưng ông Thanh cho rằng nhiệm vụ được Thủ tướng phê duyệt với VNA là ngoài thực hiện các kế hoạch kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, VNA được xác định là lực lượng dự bị an ninh quốc phòng.

Khi có một dấu hiệu bất thường có thể phá vỡ kế hoạch sản xuất kinh doanh của VNA cùng với kế hoạch về an ninh quốc phòng thì theo pháp luật về an ninh quốc phòng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp khẩn cấp để bảo vệ quyền lợi của người lao động và cả doanh nghiệp và quốc gia.

Bởi vậy Bộ trưởng Đinh La Thăng mới dùng là “tạm thời chưa chấp nhận”, đó là một biện pháp tạm thời chứ không phải biện pháp, quyết định dài hạn. Nên hoàn toàn phù hợp, không phải trái pháp luật.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên