07/06/2017 08:30 GMT+7

Phelps và mơ ước giúp đỡ bệnh nhân tâm thần

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TT - Lặng tiếng sau ngày giải nghệ kể từ Olympic Rio 2016, kình ngư số một thế giới Michael Phelps đã chọn cho mình một công việc mới khi tham gia vào ban quản trị của Tổ chức y tế Medibio (Úc).

Phelps từng vận lộn nhiều để vượt qua cuộc khủng hoảng tâm lý. Ảnh: ZWENZA

Vai trò của Phelps ở Medibio là giúp đỡ những bệnh nhân gặp vấn đề về tâm lý - một yếu tố khá gần gũi với kình ngư người Mỹ bởi anh từng gặp phải các vấn đề về chứng trầm cảm và lạm dụng chất gây nghiện. Với kinh nghiệm rút ra từ bản thân, Phelps hi vọng sẽ giúp đỡ được nhiều cho các bệnh nhân tâm thần, nhất là các VĐV.

“Tôi từng gặp phải nhiều thử thách về tinh thần từ khi còn là một cậu bé. Chỉ mới gần đây, sau khi tinh thần gần như đã rớt xuống mức tuyệt vọng, tôi mới nhận được sự thấu hiểu, điều trị, hỗ trợ mà tôi cần. Điều này đã thay đổi cuộc đời tôi” - Phelps kể.

Bên cạnh thành tích lừng lẫy xuyên suốt sự nghiệp với cả thảy 23 chiếc HCV Olympic, cuộc sống cá nhân của Phelps cũng ngập tràn trong nhiều vụ bê bối say xỉn, chất gây nghiện, lái xe quá tốc độ... Năm 19 tuổi - thời điểm sự nghiệp của anh đang thăng hoa mạnh mẽ, Phelps đã bị bắt và bị phạt nặng vì lái xe trong tình trạng say rượu.

Đến tháng 9-2014, thời điểm đang bắt đầu trở lại đường đua xanh sau khi thông báo giải nghệ từ năm 2012, Phelps một lần nữa dính vào vụ bê bối tương tự và hậu quả lần này lớn hơn nhiều. Không chỉ bị phạt hành chính, Phelps còn bị Liên đoàn Bơi lội Mỹ cấm thi đấu 6 tháng. Đó là một đòn nặng giáng vào tham vọng trở lại đường đua xanh khi đó của Phelps.

Đó là một khoảng thời gian cực kỳ tồi tệ với Phelps. Trong những lần tâm sự sau này với giới truyền thông, Phelps tiết lộ anh từng có ý định tự tử khi lâm vào cuộc khủng hoảng tâm lý dữ dội. Nhưng rồi quá trình điều trị tâm lý kể từ đầu năm 2015 đã hồi sinh VĐV huyền thoại này. Phelps cải thiện vấn đề khủng hoảng tâm lý, cai nghiện thành công để rồi trở lại đầy mạnh mẽ trên đường đua, với chiến tích đoạt 5 HCV ở Olympic Rio 2016 để khép lại một sự nghiệp huy hoàng.

“Trong quan niệm về sức khỏe tinh thần của tôi, sự tự nhận thức về bản thân sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn. Giờ đây tôi muốn giúp đỡ những người đang gặp vấn đề tương tự như tôi trước kia. Việc điều trị chuyên nghiệp sẽ giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng tâm lý dễ dàng hơn” - Phelps nói. Tổ chức y tế mà Phelps tham gia đã phát triển một loạt những bài kiểm tra giúp chẩn đoán chứng trầm cảm, căng thẳng thần kinh và các loại rối loạn tâm lý khác dựa trên những thông tin sinh học như huyết áp, quá trình ngủ...

Đây không phải là lần đầu tiên Phelps tham gia vào những hoạt động cộng đồng. Năm 9 tuổi, anh đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Vì vậy, ngoài việc vượt qua những vấn đề tâm lý của mình để trở thành một VĐV chuyên nghiệp, Phelps còn tham gia một chương trình truyền thông của tổ chức sức khỏe Child Mind nhằm giúp các trẻ em cải thiện những vấn đề về tâm lý.

Nỗi lo của các VĐV

Không chỉ Phelps, làng bơi lội thế giới còn có nhiều kình ngư lừng danh khác gặp phải những vấn đề tâm lý sau ngày giải nghệ. Điển hình nhất là hai kình ngư người Úc Ian Thorpe và Grant Hackett. Thorpe từng phải vật lộn với chứng trầm cảm và được điều trị từ năm 2014 sau một vụ mất phương hướng, hành động kỳ quặc trên đường phố ở Sydney, trong khi Grant Hackett từng bị bắt giữ vì vấn đề về thần kinh.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên