Phân bổ thu nhập phổ quát: Kết quả một thí nghiệm khác thường

QUÂN ANH 20/01/2024 18:51 GMT+7

TTCT - Chuyện gì xảy ra khi bạn đưa tiền mặt cho người nghèo? Một thử nghiệm lớn ở Kenya đang tìm câu trả lời.

Kể từ 2017, Tổ chức GiveDirectly đã cung cấp cho hàng nghìn dân làng ở Kenya một "thu nhập căn bản phổ quát" - khoảng 22,5 USD mỗi tháng, cùng cam kết sẽ trao thu nhập này trong 12 năm tới.

Ảnh: Poverty Action Lab

Ảnh: Poverty Action Lab

Đầu tháng 1-2024, các nhà nghiên cứu, trong đó có kinh tế gia đoạt giải Nobel Abhijit Banerjee, đã trình bày kết quả của hai năm đầu dự án. 

Ý tưởng cốt lõi của chương trình thu nhập cơ bản phổ quát là giảm nghèo bằng cách cho tiền mặt tới thẳng người cần mà không kèm bất cứ điều kiện gì - không dựa vào thu nhập hay việc liệu họ có đang làm việc hay không. 

Các thử nghiệm tương tự từ Phần Lan cho tới California thường cho nhóm nhỏ cá nhân trong thời gian ngắn. Thử nghiệm ở Kenya mang tính rộng khắp hơn nhiều: số tiền được trao cho tất cả người lớn ở nhiều làng và kéo dài trong 12 năm.

Thử nghiệm quy mô lớn

Theo Đài NPR, kết quả trong hai năm đầu được so sánh giữa 5.000 người nhận được tiền hằng tháng với khoảng 12.000 người không nhận tiền. 

Các nhà nghiên cứu còn so sánh giữa hai nhóm: gần 9.000 người nhận tiền hằng tháng trong 2 năm (mà không được hứa sẽ được cho tiếp trong 10 năm còn lại) với khoảng 9.000 nhận cùng số tiền nhưng được trao một cục luôn (khoảng 500 USD). 

Tổng cộng, hơn 22.000 người ở 195 làng được nhận tiền. Kết quả sau đó được so sánh với một nhóm khoảng 12.000 người không được nhận gì cả. Đây là thử nghiệm quan trọng và quy mô lớn nhất từ trước tới nay về cách thức giảm nghèo toàn cầu bằng cách đưa tiền mặt trực tiếp.

Trong những ngày đầu mà điện thoại mọi người đột nhiên nhận được tin nhắn có tiền, đám đông dâng trào hạnh phúc. Một số thiếu nữ nhảy múa ca hát. Niềm vui rất lớn cho cộng đồng này khi chỉ một năm trước chương trình, 85% số người ở đây đã trải qua nạn đói.

Theo The Economist, điểm đáng chú ý nhất là một số đáng kể người nhận tiền rời công việc đồng ruộng để mở cửa hàng. Khi xác định số tiền được trả sẽ là trong 12 năm, số "doanh nghiệp" này tăng lên và lợi nhuận của họ tăng gần gấp đôi. 

Những người nhận tiền ăn uống nhiều protein hơn và có tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp hơn. Giá đất tăng lên, nhưng giá hàng hóa tiêu dùng trong vùng thì không tăng.

Khi đo các chỉ số về protein hay sử dụng tiền cho học hành, tất cả những nhóm nhận tiền đều có chỉ số tốt hơn nhóm không nhận tiền. Điều này phù hợp với kết quả các chương trình khác về nhận tiền không điều kiện: người nghèo thường sử dụng tiền hiệu quả hơn, chứ không lãng phí tiền họ được cho vào rượu, thuốc lá hay các thú vui khác như định kiến thông thường.

Ảnh: Global Affairs

Ảnh: Global Affairs

Nhiều người kinh doanh khi nhận tiền một cục

Nhưng kết quả còn khác biệt ở một điểm quan trọng: khả năng dân làng chuyển sang làm kinh doanh. Xét chỉ số này, những người nhận tiền một cục có kết quả tốt hơn hẳn những người nhận tiền hằng tháng. 

"Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy rất nhiều đầu tư vào nông nghiệp", kinh tế gia ở Đại học MIT và thành viên nhóm nghiên cứu Tavneet Suri nói, với dự đoán các khoản đầu tư nhỏ sẽ được bỏ vào những mảnh đất nhỏ bé của dân làng. Họ sẽ mua phân bón, mua máy bơm để bơm nước.

Nhưng trên thực tế, số người nhận tiền một cục chuyển sang làm kinh doanh nhiều hơn 19% so với những người nhận tiền hằng tháng - từ các mô hình nhỏ như tiệm tạp hóa trong chợ, chạy xe ôm hay các mô hình xây dựng quy mô nhỏ. 

Thu nhập của những người nhận tiền một cục từ các hoạt động kinh doanh sau hai năm đã cao hơn 80% so với nhóm còn lại. Kinh tế gia Suri cho rằng kết quả đó một lần nữa cho thấy nhiều người nghèo mắc kẹt vì thiếu vốn và những đầu tư kiểu này là cú hích để họ có thể vươn lên nhóm thu nhập khá hơn.

"Tôi có thể có cơ hội tốt đầu tư và có lợi nhuận khá - Suri nói - Nhưng không có cách nào để vay. Tôi không có giấy sở hữu đất nên không thể dùng để thế chấp. Tôi cũng không có cách tiết kiệm - vì giấu tiền dưới chiếu không phải cách tiết kiệm". 

Theo Suri, không có can thiệp kiểu một khoản hỗ trợ lớn này thì một người nghèo sẽ luôn bế tắc khi nghĩ mình không có cách đầu tư nào thoát nghèo. Khoản tiền 500 USD một lần cung cấp nguồn vốn đủ để khởi nghiệp trong khi nhóm chỉ có 22,5 USD/tháng sẽ phải tiết kiệm trong thời gian dài. 

"Với khoản một lần thì họ không cần tiết kiệm - Suri giải thích - Họ có tiền luôn và có thể đầu tư". Các nhóm trao tiền một cục sẽ kinh doanh tốt hơn, giúp họ có thể đầu tư đáng kể. Vì nếu không, họ chỉ có thể kiên nhẫn góp tiền hằng tháng vào các nhóm tiết kiệm cộng đồng (kiểu góp hụi).

Dù vậy, trong bất cứ trường hợp nào thì những người nhận tiền hằng tháng kéo dài đủ 12 năm là những người hạnh phúc nhất. "Vì với một số, họ biết nó sẽ kéo dài đủ 12 năm… nó có lợi ích tinh thần về mặt ổn định", cô Suri nói.

Ảnh: NPR

Ảnh: NPR

Hiệu ứng tốt

Kết quả tới giờ cho thấy ít nhất người nghèo biết dùng tiền như thế nào. Theo ông Banerjee, "hai lo lắng lớn nhất với các hỗ trợ kiểu này là nó khiến mọi người lười nhác và họ tiêu dùng không khôn ngoan, nhưng bạn không thấy cả hai điều này". 

Mọi người nói họ không uống nhiều rượu bia hơn dù các cửa hàng rượu có lợi nhuận cao hơn - điều có thể đơn giản là vì khách hàng đã mua các loại mắc tiền hơn. Khái niệm "phổ quát" với việc cấp tiền cho toàn bộ người lớn trong làng có vẻ có tác động lớn.

Theo Suri, các chương trình trước đó chưa "phổ quát" khi thường chỉ đưa cho một nhóm nhỏ trong cộng đồng. 

Chương trình này có cách tiếp cận khác khi đưa tiền cho mọi người lớn để "hiểu hơn về sự phụ thuộc lẫn nhau trong cộng đồng", theo chuyên gia Andrew Zeitlen của Đại học Georgetown. Theo ông, hỗ trợ kiểu này không chỉ giúp kinh doanh nhờ các khoản vốn mới mà còn tạo lượng lớn khách hàng tiềm năng mới.

Mặc dù có khoản tiền bất ngờ đổ vào các cộng đồng nghèo này, Suri nói dữ liệu tới giờ không cho thấy lạm phát xảy ra. Một lý do cô cho là dù mọi người mua nhiều hàng hóa hơn, các khoản chi tiêu được phân bổ đều trên nhiều loại mặt hàng. "Tiền vì vậy không đổ tất vào một mặt hàng nào cụ thể - Suri nói - Và đó là lợi thế của việc phân bổ phổ quát".

Nhưng một số người không thích việc các NGO chạy các chương trình thử nghiệm xã hội quy mô lớn kiểu này. Bộ phim tài liệu Free Money phát hành năm ngoái tìm hiểu một làng ở Kenya nhận tiền dự án của chương trình GiveDirectly. 

Bộ phim đi theo những người nhận tiền hào hứng khi họ lắp đặt nước sạch và cơi nới nhà cửa. Đồng thời với đó là cảm giác "bất công" của những người sống ngay bên cạnh nhưng không được tham gia hoặc bị loại ra khỏi chương trình vì một số lý do giấy tờ. 

Họ tự hỏi vì sao mình là người không may mắn và so sánh cách của những người nước ngoài trao tiền này giống như các phán quyết khó hiểu từ Chúa trời.

Đây là những vấn đề méo mó thường ảnh hưởng tới các chương trình phúc lợi quy mô nhỏ - vốn đi ngược lại tinh thần "phổ quát" của chương trình. Nhưng nếu các chương trình như thế này không được nhân rộng thì chúng sẽ luôn có quy mô nhỏ và mang tính giới hạn.

Câu hỏi lớn lúc này là lợi ích của việc trao tiền một lần kéo dài tới lúc nào. Suri nói kết quả lần này có thể sẽ có tác động nhiều tới chương trình. Ví dụ, lúc này "rất nhiều tiền mà Ngân hàng Thế giới triển khai ở các nước nghèo thường là tiền hằng tháng trong hai năm". 

Dữ liệu kiểu này có thể thêm bằng chứng cụ thể rằng "hỗ trợ ngắn hạn chia nhỏ có thể không phải là chính sách thông minh. Vì có thể lấy tiền và trao một cục thì hiệu quả lớn hơn". 

Điều cần theo dõi tiếp là liệu lợi ích tương đối của các khoản trao một lần này có kéo dài hay không. Các hoạt động kinh doanh mà mọi người bắt đầu có duy trì được không? Liệu họ có tạo đủ thu nhập để thoát nghèo?

"Khoản cho một lần và tác động lâu dài (của khoản trả hằng tháng) có thể giống nhau ở thời điểm hai năm", Suri nói. "Nhưng câu hỏi là tác động của khoản cho một cục sau 5-6 năm sẽ thế nào? Có biến mất hay là sẽ kéo dài mãi?" bởi vì nếu là vậy thì "tôi sẽ không cần chi tiền 12 năm. Tôi chỉ cần chi hai năm và cấu trúc tiền cho phù hợp". ■

Nghiên cứu này đã khiến nhiều quan chức từ California, Mỹ, tiểu bang có hệ thống phúc lợi xã hội hàng đầu ở nước giàu nhất thế giới, chú ý. Họ đã tới thăm một số làng này ở Kenya vào tháng 8.

Các khoản tiền chi một cục từng được triển khai thử nghiệm ở Mỹ như ở Flint, Michigan. Trong năm tới, chương trình này dự kiến trao 1.500 USD cho mỗi người mẹ sắp sinh và sau đó là 500 USD/tháng trong một năm sau khi trẻ được sinh ra.

Các nghiên cứu này sẽ có ý nghĩa với các chương trình hỗ trợ xã hội ở các nước nghèo đang muốn tiến hành trao thẳng tiền mặt cho người dân, thay vì các chương trình hỗ trợ từ thiện kiểu trao thực phẩm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận