01/10/2017 11:10 GMT+7

Phải cải tổ triệt để V-League

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Theo thống kê của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), lượng khán giả trung bình đến sân tại vòng 19 V-League 2017 chỉ hơn 4.000 CĐV/trận. Con số cho thấy lượng CĐV đến xem V-League đã giảm nhiều ở những mùa giải gần đây.

Mang tiếng chuyên nghiệp nhưng V-League vẫn chưa có những thiết bị để ghi nhận thông số thi đấu từ các cầu thủ để từ đó đưa ra hướng khắc phục. Ảnh: N.KHÁNH
Mang tiếng chuyên nghiệp nhưng V-League vẫn chưa có những thiết bị để ghi nhận thông số thi đấu từ các cầu thủ để từ đó đưa ra hướng khắc phục. Ảnh: N.KHÁNH

Trong cuộc họp với Bộ VH-TT&DL ngày 28-9 vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải tìm ra nguyên nhân khiến khán giả không đến sân xem V-League để từ đó có “bài thuốc” chữa trị vấn đề này. Và theo các nhà quản lý bóng đá, với thực trạng hiện nay, phải cải tổ triệt để V-League nhằm đem lại sức sống mới cho giải đấu là nền tảng của bóng đá VN.

Khi khán giả không phải là thượng đế

SVĐ Hàng Đẫy nằm giữa trung tâm Hà Nội là một trong những SVĐ ít khán giả nhất V-League, bất chấp đội bóng chủ nhà là CLB Hà Nội đang dẫn đầu V-League gần 10 năm qua về thành tích thi đấu. CĐV không đến sân Hàng Đẫy có một phần quan trọng từ việc sân này xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, mỗi CĐV đến SVĐ Hàng Đẫy thường phải mang theo một tờ báo để lót vào ghế ngồi bởi ghế ở nơi này quanh năm bụi bẩn. Cũng ở SVĐ này, hiện vẫn có dịch vụ bán báo cũ ở cửa ra vào để CĐV mua lót ghế, giá 1.000-2.000 đồng/tờ. Trong khi đó, nhà vệ sinh của SVĐ quá... khủng khiếp.

Tình trạng ở SVĐ Hàng Đẫy cũng là tình trạng chung của hầu hết SVĐ trên cả nước hiện nay. Ông Nguyễn Hồng Thanh, chủ tịch CLB SLNA, cho biết đi nhiều SVĐ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu khi vào mỗi SVĐ, ông đều có cảm giác như được vào các nhà hát. Ở đó các CĐV được coi là thượng đế. Ông Thanh nói: “SVĐ nước ngoài sạch sẽ từ nhà vệ sinh đến các phòng chức năng, khán đài. CĐV đến giờ thi đấu mới vào sân thì vẫn có ghế ngồi vì không ai ngồi vào ghế của họ. Dịch vụ ăn uống bên trong SVĐ rất tiện lợi và phong phú...

Còn SVĐ ở VN, do nhếch nhác nên CĐV không thoải mái khi đến sân xem bóng đá. Đó là chưa kể chất lượng chuyên môn của V-League quá thấp. Đến sân mà chưa xem đã biết kết quả và xem trong sự ngờ vực về độ trung thực của trận đấu thì đến làm gì? Các cơ quan chức năng thanh tra nói không có một ông chủ nhiều đội bóng ở V-League nhưng khi thi đấu thì thấy đúng là có sự chi phối đó”.

Cầu thủ trẻ không đủ dinh dưỡng để luyện tập

Không có giải VĐQG nào trên thế giới kéo dài đến 11 tháng, đó là điều bất cập mà cả LĐBĐVN (VFF), VPF - đơn vị tổ chức V-League - và các nhà chuyên môn nhìn nhận về V-League. Thế nhưng năm nào VFF cũng khiến V-League gián đoạn 1-3 tháng vì các kế hoạch của các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia thực hiện mục tiêu quốc tế.

Ông Phạm Ngọc Viễn, phó chủ tịch HĐQT VPF, cho rằng việc V-League kéo dài đến 11 tháng là không thể chấp nhận được. “Từ năm 2010 đến nay, V-League luôn bị phá vỡ vì kế hoạch của các đội tuyển. Ở mùa giải 2017 này, các cầu thủ đã bị vắt sức ở CLB. Lên đội tuyển thì từ ngày 18-7 đến 24-8 phải đá 11 trận, trung bình 3 ngày một trận nên SEA Games 29 thất bại một phần từ sự quá tải của cầu thủ là đúng. Muốn nâng cao chất lượng V-League phải nâng cao chất lượng cầu thủ. Nhưng với việc đào tạo nguồn nhân lực từ cầu thủ, trọng tài, HLV... hiện nay thì không thể làm được” - ông Viễn nói.

Ông Nguyễn Hồng Thanh cho rằng việc đào tạo trẻ ở bóng đá VN kém, không đáp ứng được nhu cầu phát triển bóng đá. “Nói xã hội hóa bóng đá nhưng cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp không ăn nhập gì với nhau. Khi Nhà nước bàn giao CLB cho doanh nghiệp, họ chỉ lo nuôi đội chính, còn sân bãi, đào tạo trẻ doanh nghiệp không lo được. Vì thế tuyến cầu thủ trẻ hiện nay chủ yếu vẫn do Nhà nước lo là chính. Tiền ăn cho một cầu thủ trẻ hiện nay khoảng 90.000 đồng/người/ngày, số tiền này chỉ giúp họ “tránh đói” chứ không đủ dinh dưỡng để tập luyện.

Tôi nghĩ cần có quan tâm đúng mức cho đào tạo bóng đá trẻ vì đào tạo trẻ kém như hiện nay thì V-League và các đội tuyển quốc gia không thể khá lên được. Vì sao V-League có thời gian bóng trong cuộc ít, cầu thủ chạy ít nhưng chấn thương nhiều...? Tất cả là do thể lực và kỹ thuật cầu thủ yếu” - ông Thanh nói.

Có chiến lược phát triển nhưng chưa làm được gì

Ông Phạm Ngọc Viễn cho biết sau 4 năm triển khai chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020 được Chính phủ thông qua năm 2013 gần như vẫn chưa làm được gì. Ông Viễn nói: “Là trưởng ban chiến lược VFF tôi từng nhiều lần đề nghị phải thành lập bộ phận thực hiện chiến lược. Chiến lược có 3 đề án quan trọng là: Dự án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bóng đá 2016- 2020; Chương trình mục tiêu Top 10 châu Á; Chương trình phát triển bóng đá học đường. Nhưng suốt thời gian qua mạnh ai nấy làm và chưa có đề án nào được triển khai”.

Chưa áp dụng khoa học kỹ thuật

Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, khâu yếu nhất của VFF hiện nay là vấn đề chuyên môn khi thiếu bộ phận làm công tác chuyên môn bóng đá VN. Bóng đá VN cũng hầu như không được áp dụng khoa học kỹ thuật trong tập luyện và thi đấu. Chẳng hạn nói V-League có chất lượng chuyên môn kém nhưng chúng ta cũng chỉ nhận xét dựa trên cảm tính bởi không có máy móc đo xem cầu thủ thi đấu ở V League hiện nay chạy bao nhiêu kilômet/trận, chuyền đúng, chuyền sai bao nhiêu...

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên