18/04/2021 10:46 GMT+7

Nước Mỹ đối đầu Billie Holiday

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Trong một năm đỉnh cao của phong trào Black Lives Matter (Mạng người da đen quan trọng), có đến hai tác phẩm điện ảnh về Billie Holiday ra đời.

Nước Mỹ đối đầu Billie Holiday - Ảnh 1.

Andra Day thủ vai Billie trong The United States vs. Billie Holiday đã được đề cử Oscar cho hạng mục nữ diễn viên chính xuất sắc - Ảnh: indiewire

"Đôi khi việc chiến thắng một cuộc chiến còn tồi tệ hơn là để thua nó", lúc sinh thời, nữ danh ca da màu Billie Holiday từng nói. Phải chăng huyền thoại nhạc jazz đã nói điều ấy sau khi bị một đám cảnh sát lôi xềnh xệch khỏi sân khấu ngay khi vừa cất giọng hát ca khúc Strange Fruits, "cái bài hát chết tiệt ấy", tại Philadelphia năm 1947?

Trong một năm đỉnh cao của phong trào Black Lives Matter (Mạng người da đen quan trọng), có đến hai tác phẩm điện ảnh về Billie Holiday ra đời. Một phim tài liệu mang tên Billie và phim còn lại, một bộ phim tiểu sử mang tên The United States vs. Billie Holiday mà người thủ vai Billie là Andra Day đã được đề cử Oscar cho hạng mục nữ diễn viên chính xuất sắc.

Bộ phim đúng như tên gọi, là "cuộc đối đầu giữa nước Mỹ và Billie Holiday", một cụm từ chính bà đã sử dụng trong hồi ký năm 1956. Nước Mỹ yêu Billie Holiday khi bà ngân nga những bài tình ca êm ái tới mức có là đá nhọn cũng phải tan chảy. 

Nhưng vẫn là nước Mỹ ấy lại căm ghét Billie Holiday khi bà hát Strange Fruits, tức là hát về "những điều quan trọng" - như lịch sử te tua máu của những người da đen mà người da trắng muốn biến thành một tờ giấy trắng. Và rồi, Billie Holiday bị tống giam một năm, bề ngoài là vì ma túy, nhưng sâu bên trong, là vì họ muốn con chim họa mi câm giọng.

Nhưng con chim họa mi vẫn hát. Trong phân cảnh hay nhất của bộ phim, Billie Holiday đi lưu diễn nơi những miền quê nước Mỹ, để rồi một lần tình cờ bà băng qua một bụi rậm, và phía bên kia, bà bắt gặp một cây thánh giá đang cháy bừng bừng trong lửa, và gần đó, xác một người da đen treo lủng lẳng trên cây như "loài quả lạ" trong ngọn gió miền Nam với hơi thịt người còn ấm nồng giữa hương mộc lan thơm ngát. Kể từ đó, ngoài cái chết, không gì có thể ngăn Billie Holiday hát Strange Fruits được nữa.

Bà đứng trên sân khấu cất lên giai điệu ai oán của bài ca phản kháng, máy quay cận tả gương mặt bà suốt mấy phút đồng hồ. Từng cái nheo mày, từng cái cong môi như được phóng đại lên khiến chính bà trông như một bóng ma từ quá khứ đang quay về trả hận. Và giá như The United States vs. 

Billie Holiday cứ tập trung vào những khoảnh khắc âm nhạc thăng hoa như vậy thay vì rối rắm mô tả cuộc tình tréo ngoe giữa Billie và một thanh tra FBI làm việc cho những kẻ muốn hủy hoại bà thì có lẽ bộ phim đã hấp dẫn hơn nhiều. Không phải cuộc tình ấy không có gì thú vị, nhưng đáng tiếc là, ngay cả trong đời thực, bà hát cũng giỏi hơn yêu, và nhạc tình của Billie còn hay hơn đời tình của bà.

Giữa một bộ phim mà kịch bản thiếu điểm nhấn như The United States vs. Billie Holiday, những gì đáng nhớ nhất đều được neo cả ở âm nhạc. Là hình ảnh Billie Holiday hát bản nhạc Solitude đẹp và buồn trong tiếng trumpet như trút từ tâm hồn của Louis Armstrong. 

Hay hình ảnh cả khán đài đứng lên vỗ tay khi Billie xuất hiện sau khi ra tù, nói rằng "nhà tù thật vui" và trêu ngươi cánh phóng viên cùng đám "cớm" bằng bản nhạc vỗ mặt Ain’t Nobody Business, trong đó có những câu như: "Tôi thề tôi không gọi cảnh sát nếu tôi bị ba tôi tẩn. Nếu tôi thế thì cũng chẳng phải việc của ai".

Cũng như lời Billie nói, bài hát chính là lời đáp tới những kẻ luôn hỏi bà tại sao bà không làm như người khác để có một cuộc sống đơn giản hơn, hay tại sao bà cứ phải hát. Thôi đừng hỏi tại sao bà cứ phải hát. Đó là việc của bà chứ chẳng phải của ai.

Và dù vẫn biết là như thế, nhưng xem bộ phim, ta vẫn không khỏi nghĩ đến bài thơ nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20 của thi sĩ Paul Laurence Dunbar: "Tôi biết tại sao con chim bị nhốt kia lại hót. Khi cánh nó bầm tím và ngực nó thắt đau. Khi nó vượt qua song sắt và tự do hoàn toàn. Đó không phải bài ca hân hoan mừng niềm vui mới. Mà là lời nguyện cầu từ tận đáy tim. Một lời nài nỉ nó ném tới thiên đàng. Tôi biết tại sao con chim ấy hót".

Không cần nói ra, ta đều biết tại sao Billie Holiday lại hát.

Phong trào Black Lives Matter được đề cử Nobel hòa bình 2021 Phong trào Black Lives Matter được đề cử Nobel hòa bình 2021

TTO - Phong trào Black Lives Matter (BLM) được nghị sĩ Na Uy Petter Eide đề cử Nobel hòa bình 2021 vì những ảnh hưởng của nó lên phong trào đòi bình đẳng chủng tộc trên thế giới.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên