06/07/2013 09:13 GMT+7

Nữ sinh mặc áo dài đi học còn hợp thời không?

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Buổi tọa đàm trực tuyến bàn về vấn đề đồng phục áo dài cho nữ sinh diễn ra tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ từ 9g sáng ngày 6-7. Toàn bộ nội dung được truyền hình, tường thuật trực tuyến trên tuoitre.vn.

mouoaQlc.jpgPhóng to
Nữ sinh trung học Cần Thơ trong tà áo dài trắng tinh khôi - Ảnh: Đoàn Đức Minh
Áo dài, đặc biệt là áo dài trắng, đã gắn liền với rất nhiều thế hệ nữ sinh Việt Nam với bao kỷ niệm buồn vui. Chiếc áo dài trắng cũng đã là nguồn cảm hứng gần như là vô tận cho các tác phẩm thi ca của nước nhà.

Thế nhưng, ở nhiều trường THPT, người ta không còn thấy bóng dáng chiếc áo dài trắng quen thuộc. Nó đã được thay thế bằng những bộ váy hiện đại với nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau, tùy theo quy định của mỗi trường.

Trong khi đó, một số ít trường quy định nữ sinh mặc áo dài vào ngày đầu tuần hoặc vào một dịp đặc biệt nào đó.

Những thay đổi này dựa trên các yếu tố khách quan như khí hậu, địa lý hay vì những đánh giá chủ quan của học sinh, giáo viên và xã hội?

Vấn đề này đã, đang và có lẽ sẽ tiếp tục là mối quan tâm của nhiều người. Buổi tọa đàm với sự tham gia của các khách mời đến từ các cơ quan, lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều về vấn đề này.

Bốn khách mời tham gia tọa đàm gồm:

- Bà Trần Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM;

- Cô Dương Thu Trang, giáo viên Trường THPT Mạc Đỉnh Chi, TP.HCM;

- Nhà thiết kế Thuận Việt;

- Hoa hậu Dương Mỹ Linh.

SqgEmze2.jpgPhóng to
Từ trái qua: bà Trần Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; hoa hậu Dương Mỹ Linh; nhà thiết kế Thuận Việt; cô Dương Thu Trang, giáo viên Trường THPT Mạc Đỉnh Chi, TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM
uRPYWbOV.jpgPhóng to
Hoa hậu Dương Mỹ Linh - Ảnh: THANH ĐẠM
6gbkhmir.jpgPhóng to
Ông Lê Thế Chữ - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho khách mời tại buổi tọa đàm - Ảnh: THANH ĐẠM
MdzwQ9ZL.jpgPhóng to
Từ trái qua: bà Trần Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; hoa hậu Dương Mỹ Linh; nhà thiết kế Thuận Việt; cô Dương Thu Trang, giáo viên Trường THPT Mạc Đỉnh Chi, TP.HCM; MC Quỳnh Nguyễn, phóng viên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: THANH ĐẠM

Xem video buổi tọa đàm

Xem video về buổi tọa đàm do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Nội dung buổi tọa đàm

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Quỳnh Nguyễn, điểm lại đôi nét về lịch sử chiếc áo dài và hình ảnh thân thuộc của chiếc áo dài trong các trường trung học. Cô nói: "áo dài trắng đã gắn liền với rất nhiều thế hệ nữ sinh trung học Việt Nam với bao kỷ niệm buồn vui. Chiếc áo dài trắng cũng đã là nguồn cảm hứng gần như là vô tận cho các tác phẩm thi ca của nước nhà."

Tuy nhiên, nhà báo Quỳnh Nguyễn cũng dẫn ra thực tế là hiện nay, còn rất ít trường học chọn áo dài làm đồng phục dành cho nữ sinh.

Là khách mời đầu tiên chia sẻ ý kiến, bà Trần Thị Kim Thanh - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nói về thực tế sử dụng đồng phục học sinh tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn TP.HCM hiện nay. Bà cho biết:

Trước đây, đại đa số các trường THPT và cả một số trường THCS trên địa bàn TP.HCM chọn đồng phục nữ sinh là áo dài trắng.

Từ năm 2009, khi Bộ GD-ĐT có thông tư 26 về đồng phục, lễ phục đối với HS và SV, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản gửi các trường hướng dẫn về đồng phục. Một trong những tiêu chí của bộ trong thông tư 26 là đồng phục đạt thẩm mỹ và độ tuổi các em trong nhà trường.

Đồng thời, đồng phục phải phù hợp thời tiết, thuận lợi cho HS trong học tập. Một yếu tố nữa khi chọn đồng phục cho HS là đơn giản, tiết kiệm và sự đạt đồng thuận trong hội đồng sư phạm, phụ huynh. Chính vì vậy đồng phục hiện nay đa dạng hơn, ngoài áo dài trắng còn có nhiều trang phục được lựa chọn: váy - áo hoặc áo sơmi - quần tây, màu sắc cũng phong phú hơn.

* Sở GD-ĐT TP.HCM đã từng có quy định chung nào về đồng phục áp dụng cho các trường hay không? Nếu có, quy định đó như thế nào? Và nếu không, các trường thường lựa chọn đồng phục trên cơ sở nào?

- Bà Trần Thị Kim Thanh: Ngay trong thông tư của bộ có quy định là: nữ chọn đồng phục áo dài chỉ sử dụng đối với HS THPT, các trường trung cấp, CĐ và ĐH. Về phía sở, chúng tôi vẫn hướng dẫn và khuyến khích các trường chọn đồng phục áo dài nhưng đa số các trường hiện nay thường cho mặc áo dài trong ngày thứ hai hoặc ngày lễ.

Chúng tôi nghĩ bộ áo trắng rất thân thuộc, một màu thanh khiết trang nhã và dịu dàng. Cho nên áo dài trong trường học nếu chọn vẫn là màu trắng.

Nên giữ tà áo dài như lễ phục

Một câu hỏi được đặt ra dành cho bà Trần Thị Kim Thanh: Bộ và Sở GD-ĐT có quy định kiểu dáng áo dài (về cổ, tà, tay…) không?

Bà Trần Thị Kim Thanh cho biết quy định của ngành giáo dục nhằm tạo thuận lợi cho các em. Quy định của bộ nếu chọn áo dài cũng chỉ áp dụng ở bậc THPT, trung cấp, CĐ, ĐH, và không quy định kiểu dáng. Nhưng trước nay đồng phục áo dài trắng, các trường đều có khuyến khích là các em mặc áo lá bên trong.

Về phía học trò là vậy, còn giáo viên thì sao? Thực tế cho thấy học trò đi học rất háo hức chờ xem hôm nay cô giáo mình mặc áo dài nào, màu gì, hoa hay trơn... Các cô cũng rất ý thức cái đẹp khi mặc áo dài và chăm chút rất kỹ tà áo dài của mình.

Về điều này, cô Dương Thu Trang chia sẻ: thật ra HS mong muốn rất nhiều điều ở thầy cô, đặc biệt là cô giáo. Hình ảnh cô giáo cũng là một kênh định hướng thẩm mỹ các em.

Áo dài gắn liền với nghề giáo, như một thuộc tính nghề nghiệp, gắn bó với các cô. Ngoài ra tôi nghĩ giáo viên mặc áo dài cũng tạo sự công bằng giữa các đồng nghiệp, công bằng về điều kiện kinh tế, về gu thẩm mỹ.

Giả thiết có trường giáo viên được mặc đồ tự do sẽ xuất hiện những cô có điều kiện kinh tế, họ sẽ thể hiện đẳng cấp rất rõ; có những người gu thẩm mỹ hạn chế lại bộc lộ những điều không phù hợp với môi trường sư phạm. Yếu tố thanh lịch cũng sẽ hạn chế khi GV nữ mặc đồ tự do. Theo tôi, áo dài là một hình ảnh mẫu mực với cô giáo, tôi ủng hộ các cô giáo mặc áo dài.

Đồng quan điểm, bà Thanh tiếp lời: khi thầy cô giảng bài, HS không chỉ nghe mà còn quan sát trang phục. Nhiều khi thầy cô là hình mẫu cho HS về cách ăn mặc. Tôi nghĩ áo dài là trang phục hết sực phù hợp với các cô giáo khi đứng trên bục giảng. Nó là điều thanh khiết, trang nhã và dịu dàng, phù hợp với nghề của chúng tôi.

NTK Thuận Việt cũng cho biết anh rất ấn tượng về chiếc áo dài của cô giáo mình thời còn đi học, về màu sắc, hoa văn trên áo dài cô giáo. "Tôi cho rằng tiết học có thể trở nên hứng thú hơn với tà áo đẹp", anh nói. Anh cũng cho biết trải qua nhiều năm, áo dài là đề tài liên tục được bàn luận, còn rất nhiều góc cạnh để bàn về áo dài.

Chia sẻ cảm xúc về việc nhiều HS chưa ý thức được nét đẹp của áo dài, cũng như về sự ngày càng "vắng bóng" tà áo dài trên phố, cô Dương Thu Trang nói có rất nhiều HS, rất nhiều em chuyên văn, giàu cảm xúc, rất ý thức việc mặc áo dài, các em điệu đà hơn khi mặc áo dài. Có em thường đứng lan can ngắm nhìn các bạn mình mặc áo dài. Có em còn lưu giữ nhiều năm bộ áo dài đi học làm kỷ niệm, làm thơ về áo dài nhưng số này không nhiều. Phần đông HS cảm thấy bất tiện khi mặc áo dài. Nhiều em vẫn còn tinh nghịch, thích đá cầu. Khi thay đổi đồng phục khác, các em cảm thấy thoải mái như được đổi đời, số đông rất sung sướng.

NTK Thuận Việt nói thêm: tôi cũng là một người trẻ. Tôi thấy cứ cách nhau vài ba tuổi là suy nghĩ mỗi người đã khác. Ngày nay những thay đổi thời trang ngày càng sinh động hơn. Tôi nghĩ nên giữ áo dài như một lễ phục bởi vì áo dài góp phần tạo cho các bạn gái nét duyên dáng hơn, nhưng chúng ta nên tạo điều kiện để các bạn năng động hơn, dễ dàng làm những điều mình yêu thích.

Một câu hỏi dành cho Mỹ Linh: thời đi học Linh từng ám ảnh với áo dài nhưng sau này, mỗi lần Linh xuất hiện với áo dài đều rất đẹp. Cảm xúc của Linh khi đó như thế nào? Mỹ Linh chia sẻ: “Độ tuổi HS đôi lúc chưa ý thức được tà áo dài có ý nghĩa như thế nào. Đến khi vào nghề người mẫu, em cảm giác khác hoàn toàn, lúc đó mới cảm nhận được nét đẹp và sự tinh tế của áo dài. Càng về sau, càng thể hiện tốt hơn với áo dài để trân trọng áo dài hơn trong mỗi lần mặc trên người, đặc biệt trong những dịp giao lưu văn hóa với nước ngoài, mình tự hào về áo dài. Những người bạn nước ngoài nhìn một người mặc áo dài biết ngay đó là người Việt Nam, đó là bản sắc dân tộc mình".

* Một câu hỏi dành cho cô Dương Thu Trang: là một GV lâu năm, nhiều thế hệ học trò mặc áo dài đến trường, khi các trường thay đổi đồng phục khác cô có gì tiếc nuối không?

- Cô Dương Thu Trang: Việc quan sát các em nữ sinh trong tà áo dài đã trở nên thân thuộc với chúng tôi, nên khi có sự thay đổi trang phục khác, tôi cũng hơi sốc một chút. Tuy nhiên, nếu chúng ta theo dõi cũng thấy có nét thú vị, sinh động. Nếu ngày nào cũng mặc, sự trân trọng của các em với áo dài sẽ không đầy đủ. Nếu chỉ mặc ngày thứ hai để chào cờ hoặc ngày lễ, các em tỏ ra nhẹ nhàng, dịu dàng hơn. Trong khi mặc cả tuần, các em có thể mở cổ áo, xắn tay hoặc nhét tà áo lên lưng quần để chạy nhảy đùa nghịch cho thuận lợi.

Về phần mình, hoa hậu Dương Mỹ Linh chia sẻ cảm nhận về thời đi học mặc áo dài trắng. Cô nói thời đi học, em ở quê nên không có được cảm nhận như cảm thấy mềm mại dịu dàng hơn, trưởng thành khi mặc áo dài, mà thấy là “cực hình” bởi bọn em phải đi học 10 cây số, đi về 20 cây; đường lầy lội, nhiều hôm tới trường thì áo dài không còn là áo dài nữa. Ngoài ra ở tuổi đó em cũng có thể chưa hiểu hết về văn hóa áo dài.

Có lần em bị tai nạn với chiếc áo dài. Hôm đó trời mưa, áo dài quấn vào dây sên xe, kéo rẹt một phát... Lúc đó áo dài được đơm bằng nút chứ không như bây giờ được may dây kéo. Vụ tai nạn đó thật sự ám ảnh em tới giờ.

Vậy thiết kế áo dài như thế nào để thuận lợi cho nữ sinh? Nhà thiết kế Thuận Việt cho rằng nên chọn chất liệu co giãn, có độ hút ẩm tốt để phù hợp với điều kiện khí hậu VN. Kiểu dáng áo dài cũng nên phá cách một chút chứ không nhất thiết phải là ôm sát cơ thể. Có thể may tay ngắn một chút để các em dễ tiện lợi khi đi đứng, viết bài…

Có ý kiến cho rằng nên “dẹp” áo dài trong trường học. Ở góc độ quản lý, vấn đề này được định hướng như thế nào?

Bà Thanh cho rằng HS hiện nay rất năng động. Nhiệm vụ của ngành giáo dục hiện nay là tạo môi trường thân thiện để HS tích cực hơn. Những trang phục thoải mái giúp các em tự tin, sống động hơn sẽ tạo sức sống của tuổi trẻ. Có nuối tiếc không khi không còn tà áo dài trắng trong trường? Điều này tùy cảm nhận lứa tuổi.

"Chúng tôi đã quen mắt với việc cô giáo và nữ sinh mặc áo dài. Nhưng trong quản lý chung, chúng tôi chỉ khuyến khích các trường cho các em mặc áo dài ngày thứ hai và ngày lễ. Thực tế hiện nay rất nhiều trường ở TP.HCM các em nữ sinh mặc đồng phục áo dài suốt tuần, và vẫn còn nhiều trường giữ được tà áo dài đã thành nét đẹp truyền thống của nữ sinh", bà Thanh nói.

Bà cũng cho biết nhiều trường học ở miền núi bà có dịp đến vẫn giữ tà áo dài trắng ngày thứ hai, đây là hình ảnh rất cảm xúc. "Giữ được áo dài như vậy rất khuyến khích nhưng nên tạo sự thuận lợi cho HS, và phải có sự đồng thuận của phụ huynh", bà nói thêm.

Một bạn đọc gửi câu hỏi đến hoa hậu Dương Mỹ Linh: giờ Linh thích áo dài chưa?

Mỹ Linh chia sẻ: giờ không gọi là thích. Áo dài gắn với công việc của Linh, gắn liền hơn nữa khi mình mang tà áo dài đi quảng bá, giao lưu với thế giới. Tà áo dài không như thời đi học. Thỉnh thoảng, Linh vẫn mang tà áo dài trắng đến trường học, chụp ảnh lưu lại những hình ảnh đó dù đã qua tuổi học trò.

Một bạn đọc kể bạn sắp mặc áo dài đi học, theo NTK Thuận Việt, một tà áo dài lý tưởng cho học trò sẽ như thế nào?

NTK Thuận Việt trao đổi: thật ra áo dài theo truyền thống rất đẹp. HS may áo cổ cao 2 phân, tay lỡ cũng lịch sự và duyên dáng, dài áo cách gấu quần chừng 15 phân, rất tiện lợi khi di chuyển. Gấu quần có thể ngắn hơn và hẹp hơn một chút, chiều ngang gấu quần khoảng 25 cm là ổn. Chúng ta nên giữ phần đơn giản cho áo dài, trang trí quá nhiều sẽ mất đẹp.

Cùng với các khách mời, hàng trăm bạn đọc cũng đã gửi ý kiến đến buổi tọa đàm để bày tỏ quan điểm của mình về câu chuyện áo dài trong trường học.

* Áo hay quần mặc bình thường hay kể cả quốc phục phải phù hợp với thời tiết, khí hậu của địa phương, quốc gia. VD: người xứ lạnh mặc quần áo dày, kín; người xứ nóng mặc mỏng và thoáng. Tuy nhiên đều phải gọn gàng, thuận lợi cho sinh hoạt, công việc. Áo dài phù hợp với thời tiết nóng, mát, không phù hợp khi trời lạnh, không được gọn gàng khi tham gia hoạt động thể chất (học sinh không có tủ để đồ thay quần áo)...

Trần Mai, 30 tuổi, tranmai@...

* Việc bãi bỏ quy định nữ sinh mặc áo dài có ảnh hưởng tới nét đẹp phụ nữ VN trong quốc - lễ phục áo dài hay không? Tại sao một số ca sĩ hải ngoại mặc áo dài khi trình diễn như một cách về nguồn còn trong nước phụ nữ thích mặc đầm như chối bỏ cội nguồn dân tộc?

Huỳnh Trung Nghĩa, 55 tuổi, huynhtrungnghia142@...

* Dẫu biết áo dài trắng vốn dĩ rất đẹp và thích hợp với tuổi học trò. Song với điều kiện đi lại, sinh hoạt như ở VN hiện nay, mặc áo dài quả là bất tiện cho nữ sinh: kẹt xe, bụi bặm, mưa gió...và "trong những ngày ấy" sẽ rất cực cho học sinh. Bản thân tôi hơn 20 năm về trước đã từng mặc áo dài suốt tuần nên rất thấu hiểu và thông cảm. Nên chăng đề xuất ý kiến là chỉ mặc áo dài vào buổi chào cờ đầu tuần như để thể hiện tinh thần dân tộc và tôn vinh vẻ đẹp nữ sinh áo dài!

Nguyễn Thanh Tú, 40 tuổi, truongmantu@....

* Tại sao phải thay đổi chiếc áo dài truyền thống xưa nay bằng những bộ váy kiểu cách giống như những trường Tây hồi xưa? Đây là cách tân hay sao? Có đẹp hơn chiếc áo dài thướt tha, thuỳ mị mà đã có từ xưa dến nay hay không?

Volga, 58 tuổi, volga1956@...

* Nữ sinh mặc áo dài đến ngang đầu gối rất đẹp, thuận tiện và rất nữ tính. Nên mặc cả tuần, mặc áo dài sẽ làm tính cách thay đổi tốt hơn.

Kim Dan

* Chiếc áo dài không những mang bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là một loại áo đẹp có một không hai trên thế giới. Nên cho nữ sinh mặc áo dài trắng là rất đẹp và có nhiều ý nghĩa.

Vu Quoc Anh

* Theo quan điểm riêng tôi, nữ sinh mặc áo dài là đẹp và giữ được truyền thống người Việt Nam ta. Tuy nhiên một số vùng miền đất nước ta không phù hợp mặc áo dài do khí hậu, thời tiết. Vậy để giữ được nét văn hóa người Việt, theo tôi nên mặc đồng phục quần dài xanh (hoặc đen) áo trắng. Trang phục này vừa phù hợp với văn hóa Việt vừa phù hợp với mọi điều kiện thời tiết khí hậu. Không nên trang phục váy, áo màu. Khi trang phục theo kiểu hiện đại như vậy, nữ sinh có thể biến tấu rất nhiều kiểu váy (váy ngắn, áo ngắn,...) Điều này có thể gia tăng vấn đề tình dục giới tính trong học đường. Trên đây là ý kiến chủ quan của tôi, mong được sự góp ý.

Trần Văn Chu, 23 tuổi, tranchucanhquan@...

* Áo dài đẹp, bản sắc nhưng bất tiện cho lứa tuổi học sinh còn hiếu động. Vì đẹp nên mặc đi làm, đi học đều gây chú ý và tầm thường hóa áo dài. Chỉ nên mặc vào dịp lễ, hội thì có giá hơn. Thời đại công nghiệp nên mặc đồng phục vừa mát, cử động thoải mái hơn cho các em, nhất là đến kỳ kinh nguyệt thì áo dài thật bất tiện.

Vũ Xuân Quang

Áo dài rất đẹp! Ngày xưa tuy phải mặc áo dài suốt cả tuần, lắm lúc bực dọc vì nóng nực, chỉ ao ước trời mưa để mặc áo ngắn. Nhưng thật hãnh diện và vui sướng khi khoát lên mình bộ áo dài trắng tinh khôi. Theo tôi nên mặc áo dài. Nhưng các trường nên có phòng để đồ đạc khi học sinh học tập cả ngày ở trường và còn hoạt động thể chất nữa.

Nguyễn Thị Thi Thơ, 31 tuổi, mailamchuoi2013@....

* Hình ảnh các nữ sinh trung học trong trang phục áo dài là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, là hình ảnh khó quên trong mắt bạn bè trên khắp thế giới, vậy tại sao ta không tiếp tục giữ gìn truyền thống tốt đẹp đó? Tạo dựng nên giá trị truyền thống thì khó và trải qua thời gian rất dài nhưng phá bỏ nó thì chỉ trong chốc lát...

Lê Thị Ngọc Nhẫn, 40 tuổi, ngocnhanqlgd@...

* Tôi thấy học sinh phổ thông trung học, đặc biệt học sinh cấp 3, mặc áo dài trắng đồng phục rất đẹp; chúng ta nên qui định thống nhất cả nước.

Chung Hoàng Tùng, 50 tuổi, tungchung179@...

* Em hiện là học sinh lớp 9, theo em không nên mặc áo dài vì: mặc áo dài đến trường rất bất tiện khi tham gia giao thông; không phù hợp với hoạt động thể lực của học sinh vì thời gian ở trường rất dài; nhà em rất nghèo không đủ chi phí cho việc mua hai bộ áo dài (ít nhất phải có hai bộ); mặc áo dài vào mùa hè như hiện nay thi rất nóng bức, gây cảm giác khó chịu, mất tập trung vào việc học...

Nguyễn Hưng Hà, 14 tuổi, nguyen thi tram anh@gmail...

* Vì sao nhiều trường ở thành phố lại thay đổi trang phục váy thay cho áo dài, trong khi áo dài không hề có sự bất tiện nào cho những nữ sinh thành phố? Không phải học sinh nào mặc váy cũng đẹp, nhưng áo dài thì nữ sinh nào mặc cũng đẹp cả. Những chiếc váy đồng đồng phục khi phát cho học sinh thấy dài, nhưng chỉ vài ngày sau nó lại rất ngắn, các trường có quan tâm đến việc này không, và có biện pháp xử lí không?

Lê Nhật Quang, 21 tuổi, nhatquang0210@...

* Tôi thì thấy thật là kỳ cục khi các em nữ cấp 2 mặc váy quần hai ống rồi áo kiểu thắt cravat! Theo tôi phải mặc áo dài ngay từ lớp 6 để các em có ý thức về văn hóa của mình từ khi còn bé, tối thiểu 3 ngày trong tuần.

Vũ Minh, 55 tuổi, antov@...

* Liệu trong tương lai còn có thể nhìn thấy tà áo dài ngoài phố? Tôi nghe rất nhiều người bạn nữ cấp 3 than phiền về chiếc áo dài, và khi lên ĐH quả đúng không còn thấy bóng dáng chiếc áo dài, quả thật lưu luyến thời cấp 3.

Cao Nguyên, 21 tuổi, nvcnvn1@...

* Mỗi nước có một nét truyền thống, văn hóa riêng. Bỏ việc mặc áo dài trong nhà trường là đã làm mất đi nét văn hóa của dân tộc VN. Tôi còn nhớ những năm của thập niên 80 Bộ GD-ĐT qui định trở lại mặc áo dài đã làm nhiều người cả trong và ngoài nước, từ người già đến em bé, đều thích thú nhìn ngắm. Còn bây giờ thì sao? Mỗi lần HS tan trường thú thật tôi không còn muốn nhìn nữa. Nghẹn ngào với sự cải cách không đáng có...

Hoàng Tuấn, 30 tuổi, ngohero868@

--------------

Chia sẻ của bốn vị khách mời cùng bạn đọc đã nói lên tâm tư của giáo viên, học sinh và phụ huynh về tà áo dài. Vẫn còn rất nhiều tranh luận về việc giữ hay không bộ đồng phục áo dài. Nhưng với người Việt Nam, áo dài vẫn gợi nhiều cảm xúc. Nhiều người qua thời học trò vẫn giữ tà áo dài trắng.

Nhiều người đi xa, nhớ về Việt Nam vẫn nhớ về áo dài, nhớ kỷ niệm tà áo dài trắng học đường. Khách nước ngoài cũng mê tà áo dài Việt Nam. Nhưng mọi người vẫn nghĩ nên giữ áo dài, có thể mặc như lễ phục trong nhà trường bên cạnh những trang phục năng động khác.

Chúng ta vẫn hy vọng dù thời trang có nhiều kiểu dáng màu sắc mới, bộ áo dài trắng vẫn là hạnh phúc khi học trò mặc nó trên người.

Câu chuyện áo dài vẫn còn tiếp diễn...

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên