TTO - NSND Bạch Tuyết thuộc thế hệ nghệ sĩ vàng đã góp phần làm nên thời hoàng kim của sân khấu cải lương.

Và đến nay, khi sân khấu cải lương gặp khó khăn, bà vẫn có cái nhìn rất bình tĩnh: Lắng nghe được hơi thở thời đại thì sợ gì cải lương không hấp dẫn, không đi vào đời sống của người trẻ!

16 tuổi đã theo nghiệp hát. Sau vở Tuyệt tình ca nổi đình nổi đám của soạn giả Hoa Phượng - Ngọc Điệp công diễn vào những năm 1960, với vai Lê Thị Trường An, Bạch Tuyết đã được báo giới thời ấy tôn xưng là "Cải lương chi bảo".

Nhắc đến thế hệ vàng làm nên thời hoàng kim của sân khấu cải lương có lẽ không thể không nhắc đến bà với hàng loạt vở diễn Tần nương thất, Trăng thề vườn Thúy, Đoạn tuyệt, Mưa rừng, Nửa đời hương phấn, Đời cô Lựu, Thái hậu Dương Vân Nga, Lục Vân Tiên

NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Phi Nhung trong vở Đời cô Lựu - Video: GIA TIẾN

Đến nay, sau gần 60 năm ăn cơm tổ nghiệp, chứng kiến thời hoàng kim cho đến hiện tại khi sân khấu cải lương gặp khó khăn, Bạch Tuyết dường như chưa có giây phút nào rời bỏ cải lương. Bà vẫn tiếp tục giảng dạy, viết tuồng, bài ca cổ, đạo diễn, nghiên cứu chuyển thể cải lương và vẫn có sô diễn đều đặn.

Khi các chương trình truyền hình chuyên hoặc liên quan đến cải lương ra đời, bà liên tục được các nhà đài, nhà sản xuất tín nhiệm mời vào vị trí giám khảo, cố vấn chương trình như Chuông vàng vọng cổ, Đường đến Danh ca vọng cổ, Sao nối ngôi, Tài tử tranh tài

NSND Bạch Tuyết sợ gì cải lương không hấp dẫn! - Ảnh 2.

* Sân khấu cả hai miền Nam - Bắc đang có những hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương ra đời. Trong không khí đó không ít người lo lắng cho sự tồn tại của loại hình này khi tình hình hoạt động của sân khấu cải lương ngày càng khó khăn. Bà nghĩ gì về điều này?

NSND Bạch Tuyết sợ gì cải lương không hấp dẫn! - Ảnh 3.

- Có khá nhiều nguyên nhân khiến sân khấu cải lương đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh yếu tố kịch bản cải lương.

Âm nhạc cải lương hay lắm, nếu kịch nói dùng âm nhạc để nâng kịch tính thì ở lĩnh vực cải lương, cách đặt để, sử dụng bài bản của tác giả rất quan trọng.

Cùng là đối thoại, tùy theo tranh luận bình thường hay tranh luận gay gắt mà người ta có thể sử dụng bài Tây thi, Phú lục hay Xuân tình. Nhiều khi chỉ cần đổi bài ca là cảm xúc khác liền.

Tại sao bài Xuân tình mà NSND Út Trà Ôn hát trong Tuyệt tình ca và bài Phụng hoàng đặt để trong tuồng Nửa đời hương phấn cứ hát lên là khán giả vỗ tay từng chặp và ai cũng nhớ?

Ba Năm Châu (NSND Năm Châu) đã từng nói: "Cái gì mình viết mà đi vào lòng người ta, người ta nghe được sẽ ở lại!". Cải lương hay bởi vì rất chân thật và cực kỳ hiện đại.

Cái gì cũng có thể đưa vào nhưng muốn vào được thì người viết phải học bài bản, phải hiểu âm nhạc cải lương để đặt để bài bản cho trúng, tạo cho vở diễn chất trữ tình và kịch tính, khiến khán giả có thể khóc cười với nhân vật. Hiện nay thì soạn giả giỏi cho sân khấu cải lương lại không có nhiều.

NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Phi Nhung trong vở Đời cô Lựu - Video: GIA TIẾN

NSND Bạch Tuyết sợ gì cải lương không hấp dẫn! - Ảnh 5.
NSND Bạch Tuyết sợ gì cải lương không hấp dẫn! - Ảnh 6.

* Tháng 11-2017, bà gây bất ngờ khi vọng cổ hóa bài hit Em gái mưa của ca sĩ Hương Tràm. Bà vẫn tiếp tục "chơi" với các bạn trẻ chứ?

- Sau Em gái mưa, tôi đã cover khá nhiều bài hit khác như Người lạ ơi!, Sống xa anh chẳng dễ dàng, Lạc trôi… Tôi có công ty toàn các bạn trẻ là người điều hành.

Các bạn trẻ ngày nay rất giỏi, các bạn giúp tôi không bị lạc hậu, lạc thời với những thông tin rất đáng tin cậy. 

Chơi với người trẻ nhiều nên tôi nghĩ mình hiểu được những gì họ khát khao, lắng nghe được hơi thở thời đại nên những gì tôi viết, tôi làm họ có thể nghe, có thể cảm được.

Tôi biết có người thích, có người không thích việc tôi làm. Bài đăng trên YouTube 100 ngàn Like thì cũng có khoảng 40 dislike. 

Từ khi bắt đầu nghiệp hát đến giờ, sau mỗi đêm diễn vẫn có người quay lại để tôi biết những điều mình làm được và chưa được để hoàn thiện hơn.

NSND Bạch Tuyết trong trích đoạn ca cổ Bông hồng cho mẹ - Video: GIA TIẾN

NSND Bạch Tuyết sợ gì cải lương không hấp dẫn! - Ảnh 8.

* Từ hồi còn trẻ, người ta nói cứ đi hát một thời gian lại thấy bà nghỉ hát để đi học. Tới sau 40 tuổi, người ta vẫn thấy bà xách cặp đi học. Bà học từ Luật, tới Văn khoa, học đạo diễn ở nước ngoài cho tới học… thiên văn học, nghiên cứu sinh học. Có vẻ như thời ấy, bà là một nghệ sĩ… lập dị?

- Tôi thường ký hợp đồng với các đoàn hát chừng 2 năm. Cứ thấy có một khao khát muốn hiểu, muốn biết điều gì đó là tôi xách cặp đi học. Thời đó, không ít người nhìn tôi như con bé lang thang, không ổn định.

Khi học đạo diễn ở Bungari, tôi còn đăng ký học dự thính Opera, làm luận án tiến sĩ ở Anh tôi còn học thêm thiên văn học. Có những người lớn tuổi ở phương Tây khiến tôi rất phục, họ đi học không cần bằng cấp, họ học để chuyển đổi bản thân.

Có người nói sao học tùm lum vậy nhưng tôi thấy học cái gì cũng có ích cho nghề của mình. Mỗi ngày thức dậy bạn cần phải thanh xuân để cơ thể loại bỏ những tế bào xấu.

Nghề diễn cũng vậy, bạn không thể diễn vai bác sĩ thời hiện đại y chang như 30 năm trước. Có biết bao nhiêu cái mới bạn cần phải cập nhật. 

NSND Bạch Tuyết sợ gì cải lương không hấp dẫn! - Ảnh 9.
NSND Bạch Tuyết sợ gì cải lương không hấp dẫn! - Ảnh 10.
NSND Bạch Tuyết sợ gì cải lương không hấp dẫn! - Ảnh 11.

* Nói đến sự thanh xuân không ít người thán phục vì trước công chúng bà luôn có sắc diện rất tốt, rạng rỡ. Trong công việc, hoạt động từ thiện, bà lúc nào cũng nhanh nhẹn, năng động. Thế những lúc Bạch Tuyết buồn, giận sẽ như thế nào, thưa bà?

- Tôi rất, rất cám ơn thời trẻ vì… ham vui đã tập thiền, yoga theo trào lưu. Sau mấy chục năm kiên trì, hiện tại cám ơn cuộc đời vì sức khỏe tôi rất tốt. 

Không hề có những chứng bệnh tuổi già như đau nhức khớp, huyết áp, tim mạch, trí nhớ tôi bây giờ còn tốt hơn thời trẻ. Khi mình khỏe mạnh sẽ có nhiều hứng khởi, nhiều năng lượng và sáng tạo trong công việc.

Từ 8 tuổi tôi đã mất mẹ. Mấy đứa mồ côi nó sợ đói lắm. Buồn, giận không ra tiền nên buồn chi cho mệt. 

Sống không phải vì tiền nhưng có tiền mới sống được. Có tiền mới lo cho bản thân và giúp đỡ người khác. Những đứa mồ côi như tôi làm gì cũng phải chắc chắn mới làm.


NSND Bạch Tuyết sợ gì cải lương không hấp dẫn! - Ảnh 12.
NSND Bạch Tuyết sợ gì cải lương không hấp dẫn! - Ảnh 13.

* Trong công tác giảng dạy, trong việc dàn dựng vở diễn, bà cũng được xem là người có cách làm việc và truyền cảm hứng rất tốt đến người trẻ. Bà có bí quyết gì để làm được điều đó?

- Tôi nhớ có lần một trường nghệ thuật mời tôi về dạy. Thầy giáo vụ khoa dặn: "Cô phải đề nghị học trò tắt hết điện thoại để nghe cô giảng!" 

Tôi rất ngạc nhiên và không làm theo điều này. Nghệ thuật là loại hình đặc thù. Với công nghệ bây giờ, chỉ cần mở Google các bạn có thể biết nhiều chuyện từ A - Z. 

Vấn đề là bài giảng có đủ sức hấp dẫn, có đưa ra những điều các bạn cần và thu hút đến mức các bạn không còn thời gian để mở điện thoại ra xem.

Với thời đại bây giờ, phương pháp sư phạm thông thường đã phải thay đổi, nói gì đến phương pháp giảng dạy dành riêng cho loại hình nghệ thuật. Khi dựng vở với các bạn trẻ cũng vậy. 

Tôi cho rằng mình có sự tôn trọng nhất định với các bạn, đủ tử tế để có sự trao đổi và chia sẻ. Bạn chỉ gặp trở ngại khi bạn cho rằng mình hiểu biết hơn họ!


* Cám ơn bà, chúc bà nhiều sức khỏe để tiếp tục có những hoạt động mới mẻ, ý nghĩa cho nghệ thuật cải lương!

NSND Bạch Tuyết sợ gì cải lương không hấp dẫn! - Ảnh 14.

LINH ĐOAN
GIA TIẾN
THÙY TRANG
BẢO SUZU
12/04/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên