18/10/2012 05:12 GMT+7

Nơi bỏ hoang thành sân chơi của người dân

SĨ HUYÊN - TẤN PHÚC
SĨ HUYÊN - TẤN PHÚC

TT - Trung tâm TDTT quận Thủ Đức, TP.HCM ở phường Linh Chiểu đã trở thành mô hình thành công tiêu biểu của xã hội hóa thể thao: từ nơi bỏ hoang, tụ điểm tệ nạn xã hội trở thành nơi thư giãn, tập luyện thể thao của người dân địa phương.

Cyww6dDD.jpgPhóng to
Một gia đình cùng tập luyện vào buổi chiều ở trung tâm - Ảnh: S.H.

6g sáng 11-10, khuôn viên với diện tích 11.000m2 của trung tâm có vài trăm người tập luyện. Trên đường ximăng, nam nữ thanh niên chạy bộ trong khi nhiều người lớn tuổi rảo những bước chân thoải mái, vừa đi từng nhóm nhỏ vừa trò chuyện vui vẻ. Trên bãi cỏ, từng cá nhân đang chú tâm với bài tập dưỡng sinh, còn phòng tập gym đã rộn ràng tiếng nhạc để tạo hưng phấn cho người tập. 17g, sự đông đúc còn gấp nhiều lần buổi sáng do thời điểm này người lao động đã tan ca trong khi học sinh cũng kết thúc việc học ở trường. Đó là lúc các sân bóng rổ, bóng đá mini, quần vợt, hồ bơi... phải hoạt động hết công suất.

Trung tâm hiện có khoảng 30 môn thể thao khác nhau gồm các môn võ, phòng tập gym, thể hình, cầu lông, sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân bóng rổ và ba sân quần vợt nền cứng tổng hợp. Ông Hồ Việt (giám đốc Trung tâm TDTT quận Thủ Đức) ước tính trung bình mỗi ngày trung tâm phục vụ không dưới 2.000 lượt người.

Bà Nguyễn Thị Lành (67 tuổi, phường Linh Chiểu) cho biết: “Từ khi trung tâm được xây mới, sáng sớm tôi có chỗ tập dưỡng sinh. Buổi chiều cả gia đình thường ra đây hóng mát. Không gian thoáng đạt và không khí tập luyện thể dục của mọi người giúp các con tôi tham gia và giải tỏa được áp lực công việc”. Nụ cười hạnh phúc hiện rõ trên mặt từng thành viên những gia đình ba thế hệ quây quần hạnh phúc trên ghế đá ở khu trò chơi hay bên cạnh các máy tập thể dục. Lớp lớp thanh thiếu niên í ới gọi nhau trong lớp tập võ thuật, lúc đá bóng hay ném rổ tạo nên không khí tập luyện thể thao rất sôi nổi.

Sáu năm trước, Trung tâm TDTT quận Thủ Đức vẫn còn là bãi đất hoang và là mảnh đất “màu mỡ” của tệ nạn xã hội. Và người đã đổ nhiều mồ hôi để “thay máu” nơi đây là ông Hồ Việt (nguyên kiện tướng, HLV bơi lội, vốn là người của Sở Văn hóa - thể thao & du lịch TP.HCM biệt phái sang vào năm 2006 sau khi giám đốc trung tâm cũ chịu bó tay) và các cộng sự.

Ông Hồ Việt kể: “Lúc mới về, nhà thi đấu gần như bỏ hoang giữa bãi đất trống. Xe chạy tùy tiện, rác chất cao như núi... Vì vậy, cần khoản ngân sách 800 triệu đồng/năm mà tôi thấy nản vô cùng bởi danh mục chi quá nhiều như: trả lương cho 13 nhân viên, hơn 30 cộng tác viên các bộ môn, xây dựng lại trung tâm, sân bóng rổ, mua giàn đèn chiếu sáng...”.

Ông Việt nói: “Lúc ấy chúng tôi phối hợp với công an phường trấn áp số thanh niên phá phách, rồi bọn xin đểu... Vì việc này tôi phải nhận không biết bao nhiêu đơn thưa nặc danh, tin nhắn đe dọa. Sau nửa năm, nhờ sự chi viện đắc lực của công an phường và quận, trật tự dần được thiết lập lại và trung tâm được xây tường bao, đèn chiếu sáng để bắt đầu thu hút người dân đến tập, đi bộ”.

Do ngân sách không đủ cải tạo cơ sở vật chất nên trung tâm đã liên kết với tư nhân theo kiểu xã hội hóa qua việc hợp tác xây căngtin, bãi đậu xe, sân bóng đá mini... để đôi bên cùng khai thác. Điều này không chỉ mang đến sân chơi lành mạnh cho người dân mà còn giúp trung tâm khang trang hơn với nguồn thu gần 800 triệu đồng/năm, một con số trong mơ nếu biết rằng trước năm 2006 tổng thu hằng năm của lô đất rộng 11.000m2 này chỉ khoảng 35 triệu đồng/năm.

SĨ HUYÊN - TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên