25/12/2012 05:45 GMT+7

Nhút nhát, thiếu tự tin

NGỌC TRƯỜNG
NGỌC TRƯỜNG

TT - Cuộc hội thảo “Định hướng nghề nghiệp và giải đáp thắc mắc về du học - học bổng” vừa diễn ra tại TP.HCM chỉ có hơn 30 bạn trẻ tham dự dù được mời rộng rãi.

Có lẽ do buổi trao đổi chỉ toàn bằng tiếng Anh nên kén người. Không khí buổi trao đổi vẫn nghe nhiều hơn hỏi mặc dù các giáo sư Philip Zerillo - giám đốc chiến lược tại Trường kinh doanh Lee Kong Chian (Singapore) và ông Steven Burton - phó chủ nhiệm đào tạo các ngành sau đại học tại Trường đại học Quản trị kinh doanh Singapore, tỏ ra gần gũi và sẵn lòng giải đáp mọi điều.

Chị Đào Thị Hoàng Lan, một thành viên ban tổ chức, cho biết: “Trong suốt tám hội thảo mà chúng tôi đã thực hiện năm nay, chỉ một lần có không khí sôi nổi khi khách mời là những anh, chị đã có kinh nghiệm làm việc ít nhất 10 năm”. Giáo sư Philip Zerillo cũng chia sẻ sau buổi nói chuyện: “Giống như những người trẻ khác, các bạn cũng thường băn khoăn về nghề nghiệp, định hướng tương lai và năng lực bản thân. Nhiều bạn tại hội thảo khá thụ động, nếu các bạn mạnh dạn thì tốt hơn và tôi chắc sẽ giúp được nhiều hơn”.

Thiếu tính chủ động là một trong những hạn chế mà ông Philip Zerillo và ông Steven Burton đều nhận định về những bạn trẻ mà ông tiếp xúc. Và theo các ông, đó là tố chất cần thay đổi để hội nhập và nắm bắt những cơ hội quốc tế. “Nếu nghĩ đến những người trẻ năng động tại châu Á, người ta sẽ nghĩ đến người Trung Quốc, người Nhật chứ ít ai nghĩ đến người VN”, ông Steven Burton nói. Giáo sư Phillip Zerillo cũng chia sẻ: “Các bạn thường không dám vỗ ngực để nói rằng “tôi có thể”, mặc dù sinh viên Việt thật sự thông minh”.

Có gần 15 năm trong ngành giáo dục và quan tâm đến VN, giáo sư Phillip Zerillo cho biết hơn 10 năm trước các chương trình đào tạo MBA (học vị thạc sĩ quản trị kinh doanh) của Mỹ gần như vắng bóng học viên người Việt. Nhưng hiện nay tất cả chương trình đào tạo này đều có hai đến ba học viên người Việt. Mặc dù vậy so với một số nước lân cận, tỉ lệ này thấp hơn mười lần. Tuy nhiên, sự gia tăng hiếm hoi này được các ông Steven Burton đánh giá như kết quả tất yếu của sự tăng dân số VN chứ không phải tính quốc tế của người Việt được nâng cao.

“Các bạn nên nâng cao kỹ năng tiếng Anh. Hiện nay tại VN chỉ có Hà Nội và TP.HCM phát triển việc này, các vùng khác rất ít được quan tâm. Các bạn cũng nên tự chuẩn bị kinh nghiệm cho mình thông qua việc tham gia các công việc có liên quan ngành nghề ngay khi còn là sinh viên, mở rộng các mối liên hệ nghề nghiệp dựa vào Internet hay các mạng xã hội. Và cuối cùng các bạn nên mạnh dạn thể hiện những ưu điểm của người Việt với bạn bè quốc tế”, ông Steven Burton khuyên.

Chị Trần Hương Lê - người sáng lập nhóm Friends4Growt, nhóm tổ chức các buổi hội thảo này - mong muốn mang đến cho các bạn trẻ Việt những thông tin về cơ hội học tập và làm việc quốc tế khi đã đi qua chặng đường hội nhập nhiều khó khăn trước đó. Nhưng muốn thật sự chạm tay vào những cơ hội này, theo chị, các bạn trẻ cần phải thay đổi chính trong cách suy nghĩ và cách thể hiện bản thân mới có thể tự tin bước ra thế giới.

NGỌC TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên