18/04/2015 10:39 GMT+7

Những VĐV có lương 1,3 triệu đồng/tháng

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Thông tin tưởng như đùa này lại là sự thật đang diễn ra đối với những VĐV đến từ hai CLB bóng chuyền “nhà nghèo” đang thi đấu tại Giải bóng chuyền VĐQG 2015 là Long An và Bến Tre.

Đồng lương còm cõi không đủ nuôi thân khiến các VĐV thậm chí là thành viên đội tuyển quốc gia phải xin trợ cấp từ gia đình. Hoàn cảnh khó khăn này diễn ra chủ yếu với các CLB bóng chuyền mà 100% tài chính do ngành thể thao của các địa phương lo liệu.

Đang thi đấu tại bảng A Giải bóng chuyền VĐQG ở Phú Thọ, Bến Tre và Long An là hai trong số các CLB nghèo nhất làng bóng chuyền VN.

3 lần dự SEA Games vẫn phải xin gia đình trợ cấp

Đó là câu chuyện của đội trưởng CLB bóng chuyền Long An Lê Quang Khánh. Sinh năm 1988, Quang Khánh đi lên từ đội bóng chuyền năng khiếu Long An khi mới 16 tuổi, năm 20 tuổi anh lần đầu tiên có mặt trong đội bóng chuyền Long An dự Giải VĐQG 2008. Từ đó đến nay, Quang Khánh đã ba lần được triệu tập vào đội tuyển bóng chuyền nam tham dự ba kỳ SEA Games liên tiếp. Thế nhưng tuyển thủ quốc gia này mỗi tháng chỉ được nhận không quá 2,3 triệu đồng tiền lương từ CLB Long An.

Quang Khánh chia sẻ: “Là một trong những VĐV may mắn đã được biên chế nên lương tôi còn cao hơn một số đồng đội trong CLB. Mỗi tháng tôi được hưởng lương theo bậc quy định của Nhà nước, trung bình 2,2-2,3 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ tiền xăng xe, điện thoại chứ không đủ chi tiêu. Mang tiếng là VĐV dự ba kỳ SEA Games nhưng tôi vẫn phải xin tiền cha mẹ. Tôi mới lập gia đình nhưng thú thật lương thấp thế này đến sinh con cũng sợ vì tiền đâu mua sữa cho con”. Là VĐV chủ lực của Long An, Quang Khánh nhiều lần được các CLB mạnh như Maseco TP.HCM hỏi mua nhưng CLB không muốn cho anh ra đi vì sợ đội mất đi sức mạnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Chương - trưởng đoàn bóng chuyền Long An - cho biết hiện cả đội bóng chuyền Long An có 9-10 VĐV đã được biên chế như Khánh nhưng lương cũng chỉ bấy nhiêu. Hoàn cảnh CLB khó khăn, ông Chương nói chỉ biết động viên cầu thủ cố gắng thi đấu và hi vọng tỉnh sẽ sớm tìm được nhà tài trợ hỗ trợ đội bóng. Mỗi năm tiền chi cho cả đội bóng chuyền của tỉnh chỉ hơn 1 tỉ đồng.

Ông Chương cho biết thêm: “Có rất nhiều CLB mạnh muốn sở hữu những VĐV mạnh của Long An vì họ có thể trả lương cao. Lý do duy nhất để níu giữ những tay đánh chủ lực như Quang Khánh ở lại chính là việc các VĐV đều vào biên chế nhà nước. Hơn nữa, hầu hết họ là con em Long An nên họ cùng sát cánh vì cái tình”. Trong khi đó, HLV đội Long An Nguyễn Xuân Dung cho rằng do các VĐV thương ông mà ở lại gắn bó với đội bóng chứ chưa đi dù CLB quá nghèo.

Phó chủ tịch tỉnh tặng 10 triệu đồng cho đội bóng

Nghèo nhất làng bóng chuyền hiện nay có lẽ là CLB bóng chuyền Bến Tre. Không ai có thể tưởng tượng được rằng mỗi VĐV của đội Bến Tre mỗi ngày chỉ nhận được 50.000 đồng tiền lương và 150.000 đồng tiền ăn. Trừ các ngày nghỉ, hằng tháng mỗi VĐV chỉ nhận được lương 1,3 triệu đồng.

HLV Mai Văn Điều của đội cho biết: “Đội quá khó khăn nên mục tiêu của chúng tôi tại giải VĐQG cũng chỉ là trụ hạng. Tiền ít, VĐV không được đi thi đấu để cọ xát mà hầu như quanh năm suốt tháng chủ yếu tập với nhau là chính. Chúng tôi chỉ biết động viên các cầu thủ dù nghèo nhưng cố gắng thi đấu vì màu cờ sắc áo của tỉnh chứ biết làm sao bây giờ”.

Ngày 3-4, trong lễ xuất quân của đội bóng chuyền Bến Tre lần đầu tiên thăng hạng A toàn quốc 2014 lên thi đấu chuyên nghiệp ở Giải VĐQG 2015, ông Trần Ngọc Tam - phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - đã tặng CLB 10 triệu đồng như lời động viên của địa phương với các cầu thủ đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn để đi thi đấu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thiện Chí - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Bến Tre - cho biết kinh phí tỉnh cấp cho cả đội bóng chuyền gần 20 con người mỗi năm chỉ trên 1 tỉ đồng. “Tỉnh cũng cố lắm nhưng kêu gọi mãi mà không được tài trợ” - ông Chí chia sẻ.

Một HLV tham dự giải VĐQG chia sẻ: “Hiện nay ngoài một số CLB có tài chính mạnh do có nhà tài trợ tiềm lực thì hầu hết CLB bóng chuyền rất khó khăn về tài chính. Đặc biệt với những CLB chỉ sống bằng tiền ngân sách như Bến Tre, Long An... lại càng khó khăn. Do không có kinh phí nên VĐV mỗi năm chỉ dự một hai giải đấu, còn lại tập chay quanh năm. VĐV không được thi đấu thì không thể nâng cao trình độ của đội bóng và giải VĐQG lên được. Vì thiếu tiền, thiếu giải đấu cọ xát nên cứ đầu năm sau Tết âm lịch nhiều CLB bóng chuyền lại đưa quân về thi đấu ở các hội làng để phục vụ nhân dân và có thêm thu nhập cho VĐV”.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên