04/10/2015 05:11 GMT+7

Những sự cố qua 7 nhiệm kỳ của VFF

S.H.
S.H.

TT - Sóng gió đã trở thành “chuyện thường ngày” trong 7 nhiệm kỳ của VFF. Ngoài những sự cố xảy ra từ các giải đấu, sóng gió còn đến từ sự mất đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo VFF...

Nghi án tuyển VN (áo đỏ) hòa Lào 1-1 ở Tiger Cup 1996 - Ảnh: S.H.
Nghi án tuyển VN (áo đỏ) hòa Lào 1-1 ở Tiger Cup 1996 - Ảnh: S.H.

* VFF khóa 1 (9-1989 - 1993): Chủ tịch Trịnh Ngọc Chữ (1989 - 1991), ông Chữ là phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT.

Ông Dương Nghiệp Chí làm quyền chủ tịch từ năm 1991 đến hết nhiệm kỳ vào năm 1993, tổng thư ký là ông Lê Thế Thọ (bộ môn bóng đá Tổng cục TDTT).

- Năm 1991, trong quá trình chuẩn bị tham dự SEA Games, 11 tuyển thủ của đội tuyển VN ở các đội Quảng Nam Đà Nẵng (5 người), Hải Quan (5 người) và Cảng Sài Gòn (1 người) bỏ về từ nơi tập trung với nhiều lý do khác nhau.

* VFF khóa 2 (10-1993 - 1997): Chủ tịch Đoàn Văn Xê (1993 - 1997), tổng giám đốc Đường sắt VN, tổng thư ký Trần Bảy (bộ môn bóng đá Tổng cục TDTT).

- Năm 1995, sáu đội Quảng Nam Đà Nẵng, Bình Định, Long An, Sông Bé, Thể Công và Hải Quan phải đi dự vòng chung kết ngược ở miền Trung. 5/6 đội bóng nói trên (trừ Hải Quan) bắt tay nhau không thi đấu để phản ứng ban tổ chức giải. Theo lịch bốc thăm, Bình Định gặp Long An, Quảng Nam Đà Nẵng gặp Sông Bé phải đá trước nhưng cả bốn đội đều không ra sân thi đấu.

Hay tin, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã thay toàn bộ ban huấn luyện Thể Công và buộc cầu thủ phải ra sân thi đấu với Hải Quan. Sau cùng, hai đội này thi đấu và trụ hạng, bốn đội không thi đấu bị rớt hạng.

- Sau bốn cuộc thanh tra, kiểm toán về vấn đề tài chính của VFF và LĐBĐ TP.HCM (HFF) kéo dài nhiều tháng, gần cuối năm 1996 phó chủ tịch VFF và HFF - ông Nguyễn Tấn Minh - nộp đơn từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ một năm dù kết luận thanh tra, kiểm toán đều minh bạch. Ông Nguyễn Tấn Minh trở thành quan chức đầu tiên của VFF từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

- Tháng 8-1996, sau trận hòa 1-1 với Lào ở Tiger Cup 1996, HLV Weigang đã chỉ thẳng mặt một số tuyển thủ VN và hỏi: “Các anh “bán” trận này bao nhiêu tiền?”. Nghi án này rồi cũng đi vào quên lãng sau lúc tuyển VN về nước với chiếc HCĐ.

* VFF khóa 3 (10-1997 - 2001): Chủ tịch Mai Văn Muôn (1997 - 2001), phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, tổng thư ký Phạm Ngọc Viễn (Ủy ban TDTT).

- Ba cầu thủ Trương Văn Dưỡng, Trần Minh Trung và Nguyễn Phúc Nguyên Chương (Hải Quan) bị bắt tạm giam do hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc khi tham gia dàn xếp tỉ số ở Giải vô địch quốc gia 1997. Đây được xem là vụ dàn xếp tỉ số đầu tiên được phanh phui trong lịch sử bóng đá VN.

HLV Letard - Ảnh: S.H.
HLV Letard - Ảnh: S.H.

* VFF khóa 4 (8-2001 - 2005): Chủ tịch Hồ Đức Việt (từ năm 2001 đến tháng 1-2003) là bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. Ông Trần Duy Ly làm quyền chủ tịch từ tháng 1 đến tháng 8-2003. Ông Mai Liêm Trực làm chủ tịch từ tháng 8-2003 đến năm 2005.

- Bầu Đức đòi bán cả đội bóng, bầu Thắng tuyên bố sẽ kiện VFF ra tòa vì những quy định không rõ ràng trong việc chuyển nhượng cầu thủ. Cuối cùng, VFF buộc phải chỉnh sửa quy chế chuyển nhượng cho phù hợp.

Tháng 1-2005, tổng thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn từ chức. Ông Phan Anh Tú làm quyền tổng thư ký từ tháng 1 đến tháng 6-2005.

Ông Viễn từ chức sau khi có những sơ suất trong việc ký hợp đồng với HLV Letard (Pháp). Sai sót ấy khiến VFF phải đền bù cho ông Letard 200.300 USD do bị sa thải trước thời hạn vào tháng 8-2002.

- Sự cố lớn nhất là vụ một số tuyển thủ U-23 VN bán độ ở SEA Games 2005 diễn ra tại Philippines. Sau đó, sức ép dư luận khiến phó chủ tịch VFF và cũng là trưởng đoàn bóng đá ở SEA Games 2005 Lê Thế Thọ từ chức.

- Bảy trọng tài, một HLV cùng hai quan chức của CLB bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc bị đình chỉ công tác với các tội danh hối lộ - đưa hối lộ và môi giới hối lộ diễn ra ở V-League 2004 và Giải hạng nhất quốc gia.

* VFF khóa 5 (6-2005 - 2009): Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ (2005 - 2009), phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, tổng thư ký Trần Quốc Tuấn (Viện Khoa học TDTT).

- Năm 2006, HLV Nguyễn Hữu Thắng và trợ lý HLV Nguyễn Xuân Vinh cùng của SLNA đã bị bắt tạm giam do sử dụng 385 triệu đồng để dàn xếp kết quả một số trận đấu ở V-League 2001 giúp SLNA lên ngôi vô địch.

* VFF khóa 6 (10-2009 - 2013): Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ (từ tháng 10-2009 đến tháng 12-2013). Ông Lê Hùng Dũng làm quyền chủ tịch từ tháng 12-2003 đến hết nhiệm kỳ.

Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn từ tháng 10-2009 đến tháng 2-2012. Ông Ngô Lê Bằng làm tổng thư ký từ tháng 2-1012 đến hết nhiệm kỳ.

- Cuối năm 2011, tổng thư ký Trần Quốc Tuấn từ chức do thất bại của đội tuyển U-23 VN tại SEA Games ở Indonesia trong vai trò trưởng đoàn.

* VFF khóa 7 (3-2014 - 2018): Chủ tịch Lê Hùng Dũng (Eximbank) từ ngày 25-3-2014 đến nay, tổng thư ký Lê Hoài Anh (LĐBĐVN).

- Năm 2014, cầu thủ Vissai Ninh Bình (chín người) rồi Đồng Nai (sáu người) lần lượt bị khởi tố, bắt tạm giam vì tham gia cá độ, dàn xếp tỉ số ở AFC Cup và V-League 2014.

- Các quan chức VFF dự đại hội LĐBĐ châu Á (AFC) và phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn bị rớt thê thảm ở đại hội này. Thông tin này tuy được giấu kín nhưng cuối cùng cũng được tung ra theo kiểu rỉ tai để hạ uy tín ông Tuấn.

- Trong khi chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn công khai đứng về phía HLV Miura thì phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức lại đòi cách chức HLV Miura.

S.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên