24/03/2013 07:00 GMT+7

Những "ngôi sao" ở văn phòng

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Tự đôn mình lên hàng VIP ở nơi làm việc, nghĩ mình tài giỏi hơn người, nơi mình làm là “xịn”, luôn chứng tỏ mình khác người, không coi ai ra gì (với những người không cùng đẳng cấp).

nW7zMqwy.jpgPhóng to

Họ là những “ngôi sao” ở văn phòng, là đại diện cho một hiện tượng đang diễn ra ở một bộ phận bạn trẻ có năng lực, có vị trí nhất định trong xã hội hoặc xuất thân từ gia đình có quyền thế.

Giỏi + ghế cao = bệnh “ngôi sao”?

"Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nhân viên giỏi bỏ việc là do cách ứng xử “ngôi sao” của đồng nghiệp, cấp trên..."

Tiến sĩ NGUYỄN CHÍ HIẾU

Từ ngày được nhận vào một tập đoàn nước ngoài lớn chuyên về ôtô với mức lương nghìn đô, H.Trang (Q.3, TP.HCM) không ngừng khiến bạn bè cũ “choáng” mỗi lần gặp lại. “Lần nào cả nhóm tụ tập, cô ấy cũng đề xuất gặp ở những địa điểm rất xa xỉ, nếu mọi người đổi địa điểm là chắc chắn cô ấy sẽ không tới. Mở miệng ra là tiếng Anh át tiếng Việt, còn tranh luận thì lúc nào cũng để cái tôi của mình lên trên hết” - Quang Anh, một người bạn của H.Trang, lắc đầu kể.

Còn Sơn Phúc (27 tuổi, Q.5) sau tám năm du học tại Mỹ và quyết định về quê hương làm việc thì tỏ rõ sự thất vọng khi nhớ về những lần đầu tiếp xúc một số “sao” trẻ làm ở các doanh nghiệp Việt, bởi: “Dù ngồi chung bàn nhưng họ chỉ trò chuyện, trao đổi danh thiếp với những người có vị trí ngang tầm trở lên. Trò chuyện với tôi, họ tỏ rõ thái độ miễn cưỡng”. Sơn Phúc cho biết những cuộc hẹn cà phê để bàn bạc công việc với những “sao” trên, họ luôn đến trễ và về sớm.

Đang là giảng viên đại học, anh T.Nguyên (29 tuổi, Q.3) cũng không giấu được bức xúc: “Đi dạy văn bằng hai tôi không sợ cực mà chỉ sợ nhận lớp có nhiều học viên “sao”, bởi họ thường ít tham gia hoạt động trong lớp cùng mọi người, đã vậy họ cũng hiếm khi tuân thủ quy định của khóa học”. Anh T.Nguyên cho biết những học viên “sao” này hoặc thuộc tốp học giỏi, hoặc giữ vị trí cao trong các công ty lớn, thuộc nhóm COCC (con ông cháu cha) nên tự kiêu, ỷ lại... “Dù họ thuộc nhóm nào thì rõ ràng cách họ ứng xử đã ảnh hưởng tới nhiều người” - anh T.Nguyên nói.

Mất nhiều hơn được

Kinh tế suy thoái, H.Trang nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của công ty. “Bạn bè cũ không mấy thiện cảm với bệnh “ngôi sao” ngày trước của H.Trang nên chẳng mấy ai chịu giúp H.Trang kiếm việc. Nghe đâu cô ấy giờ cũng rất khó khăn để hòa nhập môi trường làm việc mới với vị trí bình thường như bao người” - Quang Anh kể.

Dưới góc nhìn chuyên môn, ThS xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng mỗi cá nhân trong suốt quá trình xã hội hóa luôn không ngừng củng cố và phát triển “cái tôi” của bản thân. “Điều “cái tôi” sợ nhất là bị người khác xem thường nên luôn cố gắng để được xem trọng, và cách nhanh nhất là tự xếp mình vào một đẳng cấp nào đó” - bà giải thích.

Tuy nhiên, ThS Ngọc Nhờ khẳng định việc tự gồng và khoác lên mình chiếc áo “ngôi sao” sẽ khiến cá nhân đó mất nhiều điều: mất những mối quan hệ thân thiết, chân thành cũng như mất chính mình. “Cá nhân đó sẽ luôn nơm nớp lo sợ vì không biết điều gì sẽ xảy ra khi chiếc áo trên không còn. Liệu người khác còn tôn trọng mình nếu bản thân quay về tính cách, con người cũ?” - ThS Nhờ nói.

Từng làm việc ở nhiều môi trường quốc tế khác nhau, tiến sĩ ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu (giám đốc nhân sự Học viện Yola) nhìn nhận những cá nhân sớm xếp mình vào vị trí “ngôi sao” trước tiên sẽ khiến năng lực và sức bật bản thân bị ảnh hưởng. “Ở mỗi người, dù địa vị cao, thấp thế nào đều có những điều hay để người khác học hỏi. Trong khi đó tâm lý “ngôi sao” khi xuất hiện sẽ là một rào cản vô hình, khiến chúng ta nghĩ mình không cần học thêm để hoàn thiện bản thân vì đã quá giỏi”.

Bên cạnh đó, theo ông, tâm lý “ngôi sao” của những cá nhân trên sẽ tác động đến những nhân viên khác và công ty. Ông cho biết có nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nhân viên giỏi bỏ việc là do cách ứng xử “ngôi sao” của đồng nghiệp, cấp trên... chứ không phải mức thu nhập. “Vậy là vô tình chỉ vì bệnh “ngôi sao” của vài cá nhân mà công ty của bạn đã “tặng không biếu không” những ứng viên tiềm năng cho các công ty khác” - ông nói.

ThS tâm lý Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM) cho rằng việc xây dựng thương hiệu hay còn gọi là xây dựng hình ảnh bản thân là điều cần thiết cho bất kỳ ai: “Bởi đó là căn cứ giúp mỗi cá nhân thể hiện mình trước các mối quan hệ xã hội. Đây là điều giúp họ có cơ hội tạo dựng và duy trì những mối quan hệ, phát triển sự nghiệp hơn nữa...”. Ngược lại, nếu để việc xây dựng hình ảnh bản thân biến tướng thành bệnh “ngôi sao” sẽ khiến chúng ta mất đi sự gần gũi, tin yêu từ người khác, mất đi sự tự nhiên, cân bằng của bản thân, ThS Hữu Long nói thêm.

“Trong vấn đề tuyển dụng, phương châm của tôi cũng như các công ty có cái nhìn “dài hơi”, hướng tới văn hóa mở và bằng phẳng (open and flat culture) là hạn chế tuyển ứng viên có triệu chứng “ngôi sao”. Bởi một ứng viên bình thường có thể năng lực chỉ bằng 70-80% so với “ngôi sao” nhưng họ sẽ phát triển rất nhanh nếu được đào tạo, quản lý tốt bởi tinh thần cầu thị, khiêm tốn (điều rất khó xuất hiện ở “ngôi sao”)” - tiến sĩ Hiếu đúc kết.

Ranh giới giữa tự hào và tự kiêu quá mong manh!

Chia sẻ với người thân, H.Trang thừa nhận khoảng cách giữa tự hào và tự kiêu quá mong manh đến nỗi nhiều lúc cô không phân biệt được. “Với lại, khoảng thời gian đó do nông nổi, thích thể hiện bản thân và muốn tưởng thưởng cho những nỗ lực của mình nên tôi cùng một số đồng nghiệp cấp cao cho bản thân quyền chọn bạn theo kiểu “trăng sao phải gặp... mặt trời”! Mình chỉ muốn thử một thời gian ngắn xem cảm giác được mọi người kính nể ra sao, nhưng rồi sau đó chẳng biết lối sống trịch thượng, bề trên ăn vào mình từ lúc nào...”, cô nói. Nếu được quay trở lại, cô cho biết sẽ chẳng bao giờ chọn cách thể hiện như ngày xưa.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên