20/01/2021 11:00 GMT+7

Những ngày cuối cùng cha quý hơn ngàn trang sách…

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Luôn tràn đầy năng lượng, hiện là giáo viên tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu) với điểm IELTS 8,5/9 và là gương mặt dạy tiếng Anh có tiếng, Nguyễn Đình Bửu Tài (25 tuổi) đã trải qua một hành trình đầy sóng gió.

Những ngày cuối cùng cha quý hơn ngàn trang sách… - Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Đình Bửu Tài - Ảnh: T.NGUYỄN

Những "bước ngoặt" khó quên

Tốt nghiệp ngành tiếng Anh tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Bửu Tài lại là dân chuyên lý suốt thời phổ thông, từng tham gia nhiều kỳ thi cấp tỉnh và quốc gia. "Là dân lớp lý nhưng tôi khao khát được học tiếng Anh, môn học mà tôi đã không thể theo đuổi vì từng nghĩ rằng chỉ dành cho con nhà giàu. Việc thi rớt giải quốc gia môn lý giúp tôi nhận ra rõ hơn tình yêu cho ngoại ngữ".

Bửu Tài thi và đậu cùng lúc hai trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Ngoại thương TP.HCM. Tự nhận "thời tuổi trẻ nông nổi", Bửu Tài chọn học cùng lúc cả ngôi trường, dẫu biết mọi thứ sẽ rất áp lực.

Sau đó, Tài quyết định rời ngôi trường Ngoại thương với sự tư vấn của gia đình. Quyết định này khiến nhiều người sửng sốt, nhưng anh coi đó là áp lực cần thiết để học thật tốt, để chứng minh sự trưởng thành của bản thân.

Sau khi tốt nghiệp năm 2017, Bửu Tài quay về thành phố biển, vừa giảng dạy tại Trường THPT Vũng Tàu, vừa theo học cao học giảng dạy tiếng Anh. Lúc tốt nghiệp cao học, anh cũng đồng thời đạt được điểm IELTS 8,5/9.

Bửu Tài vượt qua kỳ thi tuyển để trở thành giáo viên tiếng Anh tại ngôi trường cũ là THPT chuyên Lê Quý Đôn, điều mà anh cho rằng "một giấc mơ đẹp đã trở thành hiện thực".

Những ngày cuối cùng cha quý hơn ngàn trang sách… - Ảnh 2.

Nguyễn Đình Bửu Tài (áo nâu) chụp hình lưu niệm cùng học sinh - Ảnh: T.NGUYỄN

Hành trình "chiến đấu" cùng cha

Tháng 9-2019, cha của Tài có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe. "Đến lúc khám, bác sĩ cho biết tình trạng của cha tôi rất xấu, thời gian sống chỉ còn tính bằng tháng", Bửu Tài nhớ lại.

Và sau đó là hành trình anh "chiến đấu" với tử thần cùng cha. Tài thay mẹ chăm cho cha từ những điều nhỏ nhất từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, "ăn và ngủ" cùng ông từ Việt Nam đến Singapore. Mẹ của Tài - một nhà giáo có tiếng của tỉnh và có ảnh hưởng lớn đến tính cách của anh - lo bươn chải để chữa bệnh cho chồng

Đó là khoảng thời gian tăm tối nhất, vì với Bửu Tài không có gì kinh khủng bằng việc phải đối mặt với sự thật là mình đang chứng kiến cha khó nhọc với từng hơi thở, đang bất lực dần rời xa người bạn, đồng thời là người thân nhất của mình.

"Lúc đó tôi chợt vỡ ra một điều: cha mẹ sẽ không luôn ở đó với mình. Trước đó tôi cứ nghĩ mặc nhiên ông sẽ ở bên cạnh tôi ít nhất 10-20 năm nữa. Tôi buồn và suy sụp, may mà tôi tìm nghe được nhiều bài nói chuyện ý nghĩa trên podcast, và tôi cũng tìm cách tập thể dục trên sàn trong hoặc trước cửa phòng bệnh để tâm trạng được vực dậy. Không có sự hỗ trợ từ mẹ, sách và thể dục, tôi có thể đã phát điên", Bửu Tài chia sẻ.

Cha của Tài rời xa mọi người vào một buổi chiều tháng 2-2020.

Trang sách quý nhất

Điều khiến Bửu Tài ngạc nhiên nhất là cha anh luôn điềm tĩnh từ lúc nhận được thông báo của bác sĩ đến những phút cuối cùng.

"Trước khi sức khỏe yếu hẳn, ông vẫn kịp dạy tôi chạy xe, chuẩn bị hết giấy tờ cần thiết cho gia đình, dặn tôi phải thay ông chăm sóc mẹ thật tốt, thường xuyên ăn cơm cùng mẹ, và nhất là tôi phải luôn khiêm tốn và không ngừng cố gắng để tốt hơn mỗi ngày. Làm sao ông có thể bình thản như vậy khi biết mình sắp chết?", Bửu Tài tự hỏi.

Những ngày cuối cùng cha quý hơn ngàn trang sách… - Ảnh 3.

Bửu Tài trong một tiết dạy - Ảnh: T.NGUYỄN

Ngồi lần giở rất nhiều trang sách đã đọc, đã nghe trên podcast, Bửu Tài vẫn cho rằng những tháng ngày cuối cùng bên cạnh cha giúp anh "vỡ" ra và học được hơn hết thảy.

Thời tuổi trẻ, chúng ta thường dành thời gian cho công việc, bạn bè và đam mê cá nhân, ít để ý là những người thân nhất có thể ra đi bất cứ lúc nào. Giờ tôi nhận ra, hãy luôn dành cho nhau những bữa cơm gia đình, những lời tử tế và sự quan tâm để sau này ký ức không trở thành nuối tiếc.

BỬU TÀI

Với Bửu Tài, bài học lớn nhất anh học được từ người cha đáng kính là con người ai rồi cũng sẽ chết. "Cha không sợ cái chết mà sợ nhất là một cuộc đời vô nghĩa, kế đến là khi mất mà không có ai bên cạnh", những lời thủ thỉ cuối cùng từ người cha từng được đi nhiều, và được nhiều đồng nghiệp, gia đình kính trọng chưa bao giờ thôi văng vẳng bên tai người thầy 9X, trở thành "kim chỉ nam" của anh.

Con mê sưu tầm, cha tặng chiêng gia truyền dặn con giữ như báu vật Con mê sưu tầm, cha tặng chiêng gia truyền dặn con giữ như báu vật

TTO - Với mong muốn giữ gìn những hiện vật truyền thống của người Ca Dong để không bị thất truyền, chàng trai Đinh Văn Siêng (32 tuổi, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) đã miệt mài sưu tầm những 'biểu tượng' tinh thần của dân tộc mình.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên