28/04/2021 12:34 GMT+7

Những hạt sạn trên sân bóng đá phong trào - Bài 3: Loạn như giải bóng đá phủi

H.ĐĂNG - T.PHÚC - H.TÙNG
H.ĐĂNG - T.PHÚC - H.TÙNG

TTO - Không ít lần khi tác nghiệp hoặc tham gia cùng sân chơi phủi, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng các ông bầu xúi cầu thủ đá bậy, hay thậm chí lao thẳng vào sân kích động bạo lực.

Những hạt sạn trên sân bóng đá phong trào - Bài 3: Loạn như giải bóng đá phủi - Ảnh 1.

Các giải bóng đá phủi luôn bị đe dọa bởi bầu không khí bạo lực - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Bầu không khí bạo lực từ các cầu thủ, khán giả tồn tại một cách nghiễm nhiên là vì có sự "bảo kê" không nhỏ của các ông bầu.

Đi với ma, đành mặc áo giấy!

Ông H. - người có thâm niên tổ chức nhiều giải bóng đá phong trào ở TP.HCM - nói: "Cầu thủ dám chơi xấu, dám triệt hạ là do có chống lưng. 

Đi đá "hổ báo" vì đụng chuyện là có anh này, anh kia ra sân can thiệp. Những cầu thủ này gây ảnh hưởng cho những em trẻ khác. Vì đi đá banh toàn bị các anh lớn chơi xấu, cũng phải tìm cách chống lại, riết thành quen luôn".

Thật vậy, một sân chơi phong trào ban đầu tạo dựng được là hoàn toàn nhờ vào các ông bầu. Người bỏ tiền, người bỏ công, rồi chi phí quần áo, banh bóng, tiền thưởng cho các cầu thủ cũng từ tiền túi của các ông bầu. 

Nếu ở V-League một thời cũng sa vào vấn nạn những ông bầu làm mưa làm gió, thì ở một sân chơi phong trào, thực trạng này lại càng bạo phát.

Bóng đá luôn là môn thể thao tạo ra nhiều tranh cãi. Nhiều giải đấu bị hoen ố khi các ông bầu bất mãn với trọng tài, với đối thủ rồi "quyết ăn thua đủ" với nhau. 

Bầu không khí ở các giải đấu phủi vì vậy luôn rất bạo lực, rất dễ bị kích động. Đến mức ông bầu Lê của Quốc An Quốc Michel - đội bóng có tiếng trong giới phủi - than: "Đa phần các giải phủi chỉ mong được kết thúc êm đẹp, chứ ít ai nghĩ tới chuyện nâng cao chất lượng chuyên môn cho giải".

Thêm vào đó, các cầu thủ "mạnh dạn" chơi xấu nhau trên sân bóng vì chẳng có luật lệ nào làm khó được họ. Ở sân chơi chuyên nghiệp, chỉ cần một pha vào bóng thô bạo quá mức cũng đủ khiến cầu thủ lãnh án treo giò nhiều trận, đôi lúc sự nghiệp tiêu tan. 

Còn ở các giải phủi, đá xấu, lãnh thẻ đỏ chỉ để... cho vui. Vài ngày sau anh này lại ra sân ở một giải phủi khác như chưa hề có chuyện gì. Đó là chuyện dễ hiểu bởi các giải phủi không có sự hệ thống.

"Tôi nghĩ các ông bầu phải làm sao để thống nhất được với nhau, một cầu thủ đã bị đuổi khỏi giải này vì đạo đức kém thì đừng thuê anh ta ở giải tiếp theo hay cho vào đội khác nữa. Khổ nỗi đây lại quy về vấn đề ý thức của các ông bầu, họ chỉ cốt sao có được cầu thủ giỏi", ông Quốc An nói.

Chơi cho vui mà cũng có tiêu cực

Nói đi cũng phải nói lại, một số ông bầu, cầu thủ bị ức chế cực độ cũng vì chuyện tiêu cực tồn tại hiển nhiên trong giới đá phủi. 

Ông bầu Đào Quang Tới của đội Lê Bảo Minh cho biết có không dưới hai lần ở một giải đấu, ông bầu đội khác đặt vấn đề với mình, gọi mình ra cà phê tâm sự "thôi cho đội mình đi".

"Mình ngạc nhiên, thấy quái lạ, giải phong trào cho anh em chơi xả láng, thoải mái đi, hơi đâu nghĩ ngợi nhiều quá làm gì. Đó là ngay từ ông bầu đã có áp lực phải có thành tích vậy rồi thì hỏi sao cầu thủ không phát sinh những thứ khác từ áp lực đó.

Có nhiều giải đấu, bên phía truyền thông và ban tổ chức tham, thích những vòng đấu cuối có các đội hút khán giả. Khi họ đã nghĩ rồi nói luôn ra vậy thì rất tự nhiên, những điều tiêu cực như sắp xếp cuộc chơi sẽ xảy ra", ông Tới kể.

Ông H. cũng kể một trường hợp tiêu cực khác: "Một trận chung kết giữa hai đội bóng phong trào mạnh nhất Sài Gòn thời điểm đó, cả hai đội đều chưa vô địch được chiếc cúp này, chúng tôi xác định xong tổ trọng tài chính rồi cử bảo vệ đi theo canh chừng luôn.

Nhưng rồi ngay trước trận, trọng tài vào toilet, đợi trong đó rồi ra giá luôn. Chỉ là phong trào thôi mà đã phức tạp vậy rồi. Năm trước đó còn căng nữa, cũng trận chung kết trọng tài thổi phạt bất lợi cho một đội, ông bầu chạy vô đòi xử trọng tài".

Bóng đá phong trào ở VN phát triển đến mức nhiều giải đấu phủi thu hút hàng ngàn CĐV đến sân, nhiều lúc còn đông hơn cả các trận đấu ở V-League. 

Máu lửa nhiều, kịch tính nhiều mà lại chẳng có gì ràng buộc, tất cả biến sân bóng phủi trở thành sân đấu chứa đựng bạo lực. Nhiều ông bầu bảo lắm lúc tham gia giải đấu mà chỉ mong sao được yên bình rời khỏi giải là vui rồi.

Trách nhiệm thuộc về ban tổ chức, chủ sân bóng

Đó là chia sẻ của ông Mai Bá Hùng - phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM - với Tuổi Trẻ trước thực trạng hành vi bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều ở sân chơi phong trào đang phát triển rộng khắp.

Ông Hùng cho biết "Theo quy định, những giải phong trào khi tổ chức phải có báo cáo bằng văn bản đến Tổng cục TDTT (nếu ở cấp độ trung ương, toàn quốc) hay Sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh (nếu ở cấp độ địa phương).

Tổng cục TDTT và Sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh là những cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và giám sát".

Vậy nếu xảy ra sự cố ở những giải đấu này, ai là người chịu trách nhiệm? Ông Hùng nói: "Trách nhiệm đầu tiên là thuộc về ban tổ chức. Tùy theo mức độ sự cố, nếu tính chất nghiêm trọng thì chính quyền, lực lượng công an địa phương nơi giải diễn ra sẽ vào cuộc".

Ông Hùng nói thêm: "Thông thường khi xảy ra sự cố trong thể thao tự phát, những người liên quan sẽ tự thương lượng, thỏa hiệp nên chúng ta dễ lầm tưởng sự cố trên sân thể thao chỉ là "tai nạn thể thao". Thật ra, nếu những người liên quan không thỏa hiệp được hoàn toàn có thể mời công an vào cuộc, khởi kiện ra tòa. Nếu lỡ như trong lúc đá bóng có hành động gây chấn thương hay tử vong cho người khác hoàn toàn có thể bị xử lý theo luật hình sự".

Những hạt sạn trên sân bóng đá phong trào - Bài 2: Khổ như trọng tài bóng đá phủi Những hạt sạn trên sân bóng đá phong trào - Bài 2: Khổ như trọng tài bóng đá phủi

TTO - Trước khi đi làm phải... xin phép vợ. Chuyện trớ trêu đó thường đến với những trọng tài hành nghề ở các giải bóng đá phủi, vì phải đối mặt với nguy cơ bị hành hung.

H.ĐĂNG - T.PHÚC - H.TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên