29/05/2016 11:00 GMT+7

Những giấc mơ đá bóng tan vỡ

SĨ HUYÊN (sihuyenho@tuoitre.com.vn)
SĨ HUYÊN (sihuyenho@tuoitre.com.vn)

TT - Tháng 6-2007, lần đầu tiên Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG tổ chức tuyển sinh rầm rộ trên phạm vi cả nước. Xấp xỉ 12.000 cậu bé với niềm đam mê bóng đá cháy bỏng đã ghi danh dự tuyển.

Phạm Thành Nam (trái), Lê Văn Vũ và Nguyễn Văn Đại (phải) cẩn thận dùng thước dây đo đạc theo cự ly để xếp vật dụng tập luyện đúng giáo án mà HLV Guillaume Graechen soạn sẵnẢnh: SĨ HUYÊNPhạm Thành Nam (trái), Lê Văn Vũ và Nguyễn Văn Đại (phải) cẩn thận dùng thước dây đo đạc theo cự ly để xếp vật dụng tập luyện đúng giáo án mà HLV Guillaume Graechen soạn sẵn - Ảnh: Sĩ Huyên
Phạm Thành Nam (trái), Lê Văn Vũ và Nguyễn Văn Đại (phải) cẩn thận dùng thước dây đo đạc theo cự ly để xếp vật dụng tập luyện đúng giáo án mà HLV Guillaume Graechen soạn sẵnẢnh: SĨ HUYÊNPhạm Thành Nam (trái), Lê Văn Vũ và Nguyễn Văn Đại (phải) cẩn thận dùng thước dây đo đạc theo cự ly để xếp vật dụng tập luyện đúng giáo án mà HLV Guillaume Graechen soạn sẵn - Ảnh: Sĩ Huyên

Một cuộc sàng lọc gắt gao diễn ra trong nhiều tháng liền để rồi chỉ có 16 em trúng tuyển, được ký hợp đồng đào tạo dài hạn để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Trong số này có những tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường được ký hợp đồng sang thi đấu ở giải chuyên nghiệp tại Nhật, Hàn Quốc. Bên cạnh đó là những số phận kém may mắn, phải từ bỏ khát vọng chơi bóng đá.

Xem qua tivi, nhìn các bạn thi đấu tưng bừng trên sân cỏ Malaysia, Myanmar, Indonesia, Brunei hay ở sân Mỹ Đình, Thống Nhất, tụi em thật tự hào khi các bạn tiến bộ qua từng giải đấu, được người hâm mộ tán thưởng nhiệt tình. Nhưng những lúc ấy tụi em đã rơi nước mắt

LÊ VĂN VŨ

 

Khởi đầu như mơ

Gần chín năm trôi qua, chuyện cũ vẫn in hằn trong tâm trí những người tuyển sinh của HAGL và chuyên gia của Học viện Arsenal JMG toàn cầu khi chú bé Lê Văn Vũ đến từ Phú Yên luôn dẫn đầu trong các bài tập kiểm tra. Vũ luôn chiếm ngôi đầu bảng từ vòng sơ loại đến chung kết với điểm số tuyệt đối qua bài thi tốc độ cự ly ngắn, chạy sức bền, kỹ thuật tâng bóng... cùng tư duy chiến thuật sắc sảo vốn là điều hiếm thấy ở trẻ em 12, 13 tuổi.

Nói chung, không có ai trong số gần 12.000 thí sinh dự tuyển chín năm trước đủ sức là đối trọng của Vũ, dù đó là Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn hay Đông Triều... Một tương lai xán lạn đang chờ đón cậu bé người Phú Yên và gia đình. Với những người tuyển trạch thì Vũ được xem như một “viên ngọc quý”, hứa hẹn sẽ tỏa sáng sau bảy năm được dày công mài giũa.

Nhưng bi kịch lại ập đến với tài năng đầy triển vọng này ở năm thứ 6 em có mặt tại học viện.

Giã từ giấc mơ vì đầu gối “khác người”

Nhiều buổi tập, HLV Guillaume Graechen thấy Vũ đột nhiên sững người lại rồi quỵ xuống sau lúc thực hiện động tác xoay người đột ngột, sút bóng từ xa hay chuyền bóng. Vũ nói với thầy là đầu gối em nhói đau nên không thể hoàn tất bài tập.

Vũ được bác sĩ đưa đi kiểm tra ở các bệnh viện lớn trong cả nước. Kết quả cho thấy em bị dị tật bẩm sinh ở cả hai đầu gối. Chuyên gia y tế của học viện - bác sĩ Đồng Xuân Lâm cho biết: “Sụn chêm của mọi người là hình vầng trăng khuyết như chữ C, riêng của Vũ là hình đĩa bẩm sinh tương tự như hình chữ O. Do vậy lồi cầu không nằm gọn trong khớp gối nên không có độ bền vững như người thường, thường xuyên bị trật ra ngoài mỗi khi thực hiện các động tác vặn người, không thể xoay trở sút bóng vì mất lực. Trớ trêu ở chỗ cả hai đầu gối của em đều bị dị tật như vậy. Nếu Vũ vẫn tiếp tục tập luyện thì dẫn tới việc rách sụn chêm và đứt dây chằng chéo...”.

Sau đó với sự giúp đỡ của “bầu” Đức, Vũ đã được các chuyên gia đầu ngành về khớp gối trong và ngoài nước phẫu thuật đến bốn lần với chi phí không ít hơn 1 tỉ đồng. Nhưng y học thể thao dẫu có tiến bộ đến mấy cũng không đủ sức giúp Lê Văn Vũ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Thương cho một tài năng kém may mắn, HLV Graechen đã đề xuất với Học viện Arsenal JMG toàn cầu và “bầu” Đức tiếp tục lưu dụng Vũ với vai trò mới: trợ lý HLV. Từ cuối năm 2014, sau lúc rời phòng mổ, Vũ buộc phải giã từ giấc mơ bóng đá để sang làm một công việc khác mà anh không hề nghĩ tới trước khi dự thi vào học viện.

Lê Văn Vũ ghi chép diễn biến một buổi tập luyện để báo cáo lại cho HLV Guillaume Graechen - Ảnh: Sĩ Huyên
Lê Văn Vũ ghi chép diễn biến một buổi tập luyện để báo cáo lại cho HLV Guillaume Graechen - Ảnh: Sĩ Huyên

 

Dừng bước vì chuyên môn

Bảy năm sau khi trúng tuyển khóa 1 của học viện, dù sức khỏe bình thường nhưng Phạm Thành Nam (Phú Yên) và Nguyễn Văn Đại (Lâm Đồng) buộc phải dừng cuộc chơi sau nhiều lần được các chuyên gia Arsenal JMG kiểm tra và đi đến kết luận hồi tháng 10-2015 rằng họ không có khả năng phát triển trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Thật đáng buồn vì hai cầu thủ này kết thúc giấc mơ chơi bóng khi đang đi đến giai đoạn cuối cùng của chu kỳ huấn luyện dài bảy năm.

Khi nhận được tin không vui liên quan đến Nam và Đại, “bầu” Đức đã hỏi HLV Graechen: “Liệu có thể giữ Nam và Đại ở lại làm trợ giảng được không?”. Ông thầy người Pháp vừa nghe đã hớn hở ra mặt, gật đầu ngay bởi ông đã gắn bó và yêu thương bọn trẻ như những người thân trong nhà.

Bây giờ, công việc hằng ngày của Nam và Đại là giúp việc cho HLV trưởng Graechen. Những bài tập mà họ thuộc nằm lòng trong nhiều năm qua, giờ là lúc mang ra hướng dẫn lại cho 26 đàn em thuộc khóa 3 và 4 của học viện. Mỗi lúc HLV trưởng đi công tác xa hay về Pháp thăm gia đình, những ông thầy trẻ này đều thực hiện đúng răm rắp giáo án mà thầy soạn sẵn. Cuối mỗi tuần, họ chụm đầu cùng nhau bàn bạc và gửi báo cáo sang Pháp cho thầy.

Phạm Thành Nam bộc bạch: “Tiếng là thầy cho oai chứ tụi em với đám nhỏ chỉ cách nhau vài ba tuổi nên họ thường gọi là anh cho thân mật. Có thể ngoài đời luôn chọc ghẹo nhau, nhưng vào sân thì thầy trò luôn có khoảng cách rạch ròi để giữ nghiêm kỷ luật tập luyện. Hiện tụi em chỉ truyền lại bằng kinh nghiệm và giáo án soạn sẵn là chính. Vài năm tới, sau khi học xong đại học thì tụi em sẽ xin LĐBĐ VN cho đi học các lớp HLV chính quy để vững vàng hơn với vai trò HLV...”.

Kém may mắn thì học lại văn hóa hoặc tìm nghề khác

Chủ tịch CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An (SLNA) Nguyễn Hồng Thanh cho biết số lượng học viên của 5 lớp bóng đá trẻ lò SLNA được duy trì 180-200 em. Mỗi năm lò này chứng kiến khoảng 20 học viên chia tay do không phát triển về chuyên môn, về chiều cao, bị bệnh hay chấn thương. Theo ông Thanh, nhiều cầu thủ bị loại ở lò SLNA thường chuyển sang chơi cho các đội dự Giải hạng nhì quốc gia, bởi đa số các đội này đều chuộng cầu thủ xứ Nghệ do được đào tạo căn bản về kỹ thuật cá nhân, có tinh thần thi đấu “máu lửa”. Em nào không may mắn nữa thì tiếp tục học văn hóa để mưu sinh bằng nghề khác hoặc chơi đá bóng phong trào trong các cơ quan, xí nghiệp hay ban ngành trong tỉnh. Nhờ vậy mà bóng đá phong trào ở xứ Nghệ luôn thu hút người chơi lẫn người xem.

Trong khi đó, lò Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN (PVF) cũng chứng kiến trung bình hằng năm khoảng 20 học viên phải khăn gói trở về với gia đình (điều này đã được quy định trong hợp đồng). Mới đây, chỉ riêng lớp cầu thủ sinh năm 2000 có đến 11 em phải giã từ giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, trong đó có những em theo học ở PVF đến 5 năm.

SĨ HUYÊN (sihuyenho@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên