14/12/2019 14:00 GMT+7

Những cô gái kiên cường

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Những cô gái đã hi sinh hết sức mình, không bỏ cuộc khi thi đấu cho màu cờ sắc áo VN. Giấc mơ là có thật đối với những cô gái tuyệt vời này.

Những cô gái kiên cường - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Huyền sau khi cán đích - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN

Đó là câu chuyện về hai vận động viên (VĐV) điền kinh Phạm Thị Hồng Lệ, Nguyễn Thị Thanh Phúc đã phải vào phòng cấp cứu sau khi về đích. Là câu chuyện xúc động của VĐV Phạm Thị Thu Trang ngày đi tập, đêm lái xe ôm kiếm sống vẫn giành HCV SEA Games. Hay câu chuyện của nữ VĐV Phạm Thị Huệ gác lại thiên chức làm mẹ để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Không bỏ cuộc

SEA Games 30 vừa diễn ra, người hâm mộ thể thao tiếp tục chứng kiến nữ VĐV áp đảo đấng mày râu, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Quyết về đích dù có phải nằm trên cáng cứu thương, các nữ VĐV đã góp phần quan trọng vào vị trí top 2 của đoàn thể thao Việt Nam tại đại hội.

Ngày 6-12, người hâm mộ thể thao trong nước vô cùng xúc động trước hình ảnh nữ VĐV Phạm Thị Hồng Lệ (marathon - 42km) nằm thở ôxy, khóc trong phòng cấp cứu sau khi cán đích và giành HCĐ SEA Games 30. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, đường dốc, thiếu nước uống... Hồng Lệ cho biết cô đã kiệt sức khi cố gắng bám đuổi các đối thủ để về đích.

Sau khi cán đích với vị trí thứ 3, Hồng Lệ đi được vài bước rồi đổ gục, cô đã được đưa ngay vào phòng y tế để thở ôxy, chườm đá. Toàn thân bị chuột rút, co cứng do nỗ lực quá sức, cạn kiệt năng lượng, Hồng Lệ chỉ có thể khóc vì đau đớn. Thế nhưng, cả trong thời khắc cô nghĩ mình sẽ chết, Hồng Lệ nói: "Tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc".

Những cô gái kiên cường - Ảnh 2.

Phạm Thị Hồng Lệ - Ảnh: MINH MINH

Chỉ 2 ngày sau khi sự cố diễn ra, người ta lại thấy Hồng Lệ phăm phăm trên đường chạy 10km và tiếp tục giành HCB. Chưa hoàn toàn hồi phục sau khi thi đấu 42km, thế nhưng cô gái bé nhỏ quê Bình Định vẫn cán đích lần thứ 2, bên cạnh đó còn hỗ trợ đồng đội Phạm Thị Huệ giành HCV nội dung này. Ý chí, nghị lực phi thường của Hồng Lệ đáng nể phục.

Không giống với Hồng Lệ, Nguyễn Thị Thanh Phúc năm nay đã 29 tuổi, từng 3 lần vô địch SEA Games. Thanh Phúc cũng đã có gia đình và một con gái nhỏ hơn 2 tuổi. Để đến được với SEA Games 30, bà mẹ Thanh Phúc đã tập luyện nỗ lực để giảm 32kg sau sinh con. 

Thế nhưng dù trải qua bao khó khăn, những ngày dài ép cân mồ hôi chan nước mắt, trên đường đua 10km đi bộ nữ SEA Games 30, Thanh Phúc đã không thể giành huy chương. 

Nỗ lực cán đích nhưng sau đó Thanh Phúc phải rời sân bằng cáng cứu thương vì chấn thương tái phát và quá tải do gắng sức thi đấu. 

Bà mẹ một con cho biết cô không bao giờ dừng nỗ lực. Mục tiêu của Thanh Phúc là giành huy chương tại giải đi bộ vô địch châu Á tháng 3-2020 ở Nhật Bản, phấn đấu có vé đến Olympic Tokyo 2020.

Những cô gái kiên cường - Ảnh 3.

Toàn thân bị chuột rút, co cứng do nỗ lực quá sức, cạn kiệt năng lượng, Hồng Lệ chỉ có thể khóc vì đau đớn. Thế nhưng, cả trong thời khắc cô nghĩ mình sẽ chết, Hồng Lệ nói: “Tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc”.

Mơ ước được làm mẹ sau khi giành HCV

Đó là trường hợp của VĐV Phạm Thị Huệ - nhà vô địch SEA Games 30 nội dung chạy 10km. Trên đường chạy Huệ rắn rỏi, nghị lực bao nhiêu thì ở ngoài cô lại là người phụ nữ dịu dàng, nhẹ nhàng bấy nhiêu.

Năm nay mới tròn 23 tuổi nhưng Phạm Thị Huệ đã có 3 kỳ tham dự SEA Games, hai lần trước cô giành HCB và đây là lần đầu tiên cô giành HCV. Cảm xúc thật đặc biệt sau khi cán đích, Huệ cho biết mơ ước lớn nhất của cô lúc này là được làm mẹ như bao người phụ nữ khác.

Những cô gái kiên cường - Ảnh 4.

VĐV Phạm Thị Huệ - Ảnh: MINH MINH

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Huệ chia sẻ: "Tôi và chồng yêu nhau được 1 tháng thì anh ấy đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Sau khi hết thời hạn, anh về nước thì chúng tôi làm đám cưới tháng 3-2019. Tôi quê Quảng Ninh còn chồng ở tận Phú Thọ, tôi ở đội tuyển tập huấn quanh năm nên cưới xong cũng không được ở cùng chồng. Trước SEA Games 30 đội tuyển đi tập huấn Trung Quốc, sau đó về nước rồi sang Philippines luôn nên gần 2 tháng rồi tôi chưa được gặp chồng.

Tôi lập gia đình và cũng như mọi phụ nữ khác, tôi mơ ước được làm mẹ. Thế nhưng vì sự nghiệp, vì mơ ước giành HCV SEA Games, mang vinh quang về cho Tổ quốc nên tôi chưa dám sinh con. Tôi ước, sau khi có HCV SEA Games này tôi sẽ được làm mẹ. Biết đâu sau khi sinh con tôi sẽ tiếp tục trở lại đường chạy và còn chạy tốt hơn hiện nay".

Những cô gái kiên cường - Ảnh 5.

Nguyễn Thị Huyền - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN

Mồ hôi rơi lã chã hòa quyện với nước mắt khi cán đích, bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền cho biết chưa bao giờ cô hạnh phúc như ngày cô giành HCV 400m tại SEA Games 30. Bởi huy chương đó là mồ hôi, nước mắt mặn đắng của cô và con gái. Để có thể đi thi đấu, khi con được 6 tháng tuổi, Huyền đã phải cai sữa cho con. 

Hai tấm HCV SEA Games 30 ở cự ly 400m, 400m rào là món quà cô gửi tặng con gái - cô bé đã chịu thiệt thòi để mẹ được trở lại với đường chạy, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Giấc mơ có thật của Phạm Thị Thu Trang

Trong số 16 HCV của điền kinh VN tại SEA Games 30, bất ngờ nhất chính là tấm HCV đi bộ 10km nữ của VĐV Phạm Thị Thu Trang (Hà Nội). Cô gái có khuôn mặt khắc khổ đó đã phải đi chạy xe ôm mỗi ngày 2 tiếng sau giờ tập để có thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ.

Những tưởng cô đã giải nghệ về quê làm công nhân nhưng cơ duyên trời định đã làm thay đổi cuộc đời Thu Trang.

pham thi thu trang 3

Phạm Thị Thu Trang - Ảnh: MINH MINH

Tâm sự với Tuổi Trẻ sau nhiều giờ giành HCV, bàn tay nhỏ bé của Trang vẫn run lên. Nước mắt cô không ngừng rơi trong suốt buổi phỏng vấn vì nghĩ đến những khó khăn, cực nhọc cô phải trải qua để có ngày hôm nay.

Thu Trang nói: "Cách đây vài năm bố tôi đi làm thợ xây trên Hà Nội thấy người ta tuyển VĐV thể thao nên về đưa tôi lên Trung tâm huấn luyện thể thao Hà Nội để thi. Chẳng biết thế nào tôi lại trúng tuyển và đi tập điền kinh, ban đầu là cự ly 5km, 10km, 42km.

Hai năm gần đây tôi mới chuyển sang nội dung đi bộ do HLV yêu cầu. Nhiều lần trong quãng thời gian đó bố mẹ nói tôi về quê làm công nhân vì không nhìn thấy tương lai của thể thao nhưng tôi cứ nấn ná.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình được đi SEA Games rồi lại có thể giành HCV, mọi thứ như một giấc mơ đối với tôi".

Gia cảnh khó khăn, mẹ Trang quanh năm suốt tháng lam lũ với nghề nông, ngày nhàn rỗi bà đi phụ hồ cho các công trình xây dựng. Thương cha mẹ, ngoài giờ tập Trang tranh thủ chạy xe ôm để có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình. Tấm HCV SEA Games 30 là điều tuyệt vời nhất đến với cô gái 21 tuổi này.

HLV Mai Đức Chung: HLV Mai Đức Chung: 'Bị chuột rút và đau đớn, cầu thủ nữ VN vẫn nghiến răng đá'

TTO - Phát biểu sau trận thắng kình địch Thái Lan 1-0 ở hiệp phụ trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 2019 tối 8-12 trên sân Rizal Memorial, HLV Mai Đức Chung cho biết ông không khỏi cảm động sau chiến thắng đầy vất vả này.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên