21/05/2019 22:10 GMT+7

Những chiếc cầu phá thế 'qua sông lụy phà' vùng sông nước miền Tây

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Cách đây 19 năm, ngày 21-5-2000, cầu Mỹ Thuận được khánh thành, nối Tiền Giang - Vĩnh Long. Đây là cầu đầu tiên bắc qua sông Tiền và cũng là cầu có quy mô lớn nhất ở miền Tây. Sau đó, lần lượt nhiều cây cầu khác...

Những chiếc cầu phá thế qua sông lụy phà vùng sông nước miền Tây - Ảnh 1.

Cầu Mỹ Thuận là cầu dây văng đầu tiên bắc qua sông Tiền và cũng là cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam (khánh thành 21-5-2000) nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Tổng chiều dài là 1.535m - Ảnh: CHÍ QUỐC

Cầu Mỹ Thuận là chiếc cầu dây văng đầu tiên của vùng sông nước miền Tây. Những dây văng từ đỉnh trụ cầu tỏa xuống sông tiền như hình ảnh của ngư dân đang thả lưới đánh trên vùng sông nước bắt cá, tôm. 

Có cầu Mỹ Thuận, cuộc sống của người dân miền Tây thay đổi hẳn vì thời gian đi lại được rút ngắn. Từ đó, người dân dễ dàng đi lại làm ăn buôn bán, học hành, chữa bệnh tại TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả khu vực phía Nam.

Cầu có độ tĩnh không cao 37,5m tạo thuận lợi cho tàu bè có tải trọng đến 10.000 tấn đến TP PhnômPênh (Campuchia).

Cầu Mỹ Thuận có tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Cầu Rạch Miễu (nối Tiền Giang - Bến Tre) là chiếc cầu dây văng đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công, chứng tỏ năng lực xây dựng của đội ngũ kỹ sư Việt Nam trong việc tiếp thu công nghệ từ công trình xây dựng cầu Mỹ Thuận.

Chiếc cầu Rạch Miễu cũng là chiếc cầu phá thế "ốc đảo" của vùng đất Bến Tre với các tỉnh miền Tây và rút ngắn thời gian đi lại với TP.HCM, so với đi phà Rạch Miễu.

Cầu Rạch Miễu lại là cầu dây văng đầu tiên 100% “made in Việt Nam” nối xứ dừa Bến Tre với tỉnh Tiền Giang - Ảnh: T.T.D - MẬU TRƯỜNG

Cầu Hàm Luông (Bến Tre) hoàn thành xây dựng năm 2010 nhằm xóa bỏ sự ngăn cách của bến phà Hàm Luông trên dòng sông Hàm Luông nối TP Bến Tre và huyện Mỏ Cày. 

Công trình xây cầu Hàm Luông được xây dựng đã tính toán sau này sẽ là tuyến cầu, đường kết nối với cầu Cổ Chiên (Bến Tre - Trà Vinh) sẽ được xây dựng sau này.

Cầu/phà Hàm Luông bắc qua sông Hàm Luông nối liền thành phố Bến Tre với huyện Mỏ Cày Bắc trên Quốc lộ 60. - Ảnh :T.T.D. - NGUYỄN CÔNG THÀNH

Cầu Cần Thơ là chiếc cầu dây văng đầu tiên xây dựng qua dòng sông Hậu. Đây là chiếc cầu có quy mô lớn nhất ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Á vì có khoang thông thuyền rộng 550 m. 

Cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng năm 2010 đã tạo động lực cho các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ nhất. 

Việc thông xe cầu Cần Thơ là kết nối toàn bộ tuyến đường quốc lộ 1 từ TP.HCM về đến Cà Mau không còn phải qua sông lụy phà.

Cầu Cần Thơ là cầu đầu tiên bắc qua sông Hậu, nằm trên quốc lộ 1, nối tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ ( khởi công 25-9-2004, khánh thành 24-4-2010) - Ảnh: T.T.D. - CHÍ QUỐC

Cầu Cổ Chiên (Bến Tre - Trà Vinh) thông xe năm 2015. Chiếc cầu này đã thực sự phá thế ốc đảo cho tỉnh Bến Tre vì kết nối với tỉnh Trà Vinh đi các tỉnh miền Tây.

Cầu giúp rút ngắn thời gian cho người dân từ Trà Vinh đi theo quốc lộ 60 từ cầu Cổ Chiên, Hàm Luông, Rạch Miễu về đến TP.HCM khoảng 2 giờ và rút ngắn khoảng 70 km so với đi quốc lộ 1.

Cầu (trước đây là phà) Cổ Chiên bắc qua sông Cổ Chiên nối liền hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh trên quốc lộ 60.- Ảnh :T.T.D. - NGUYỄN CÔNG THÀNH

Cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) là cầu lớn thứ 2 bắc qua sông Tiền, sau cầu Mỹ Thuận. Cầu này nối TP Cao lãnh và huyện Lấp Vò.

Cầu Cao Lãnh là cầu thứ 3 bắc qua sông Tiền, có chiều dài hơn 2km nằm nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) - Ảnh: N.C.T. - CHÍ QUỐC

Cầu Vàm Cống (Đồng Tháp-Cần Thơ) là chiếc cầu lớn thứ 2 bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ. Có cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh chia sẻ áp lực cho cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ. 

Cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh được xây dựng cho 6 làn xe lưu thông, trong đó đã tính toán trong tương lai hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, so với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP.HCM đi Trung Lương, Mỹ Thuận, Cần Thơ.

Cầu Vàm Cống( khởi công 10-9-2013, khánh thành 19 - 5 - 2019) là cầu thứ 2 bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH - T.T.D.

Cầu Cái Lớn ( trước kia là phà Tắc Cậu Xẻo Rô) nằm trên quốc lộ 63 nối TX An Biên với huyện Châu Thành (Kiên Giang) - Ảnh: T.T.D. - NGUYỄN CÔNG THÀNH

Cầu Năm Căn dài trên 800m, rộng 12m với tổng mức đầu tư gần 650 tỉ đồng, khánh thành ngày 7-2-2015. Cầu Năm Căn thuộc dự án đoạn Năm Căn - Đất Mũi là công trình trọng điểm giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển và toàn tỉnh Cà Mau - Ảnh: T.T.D. - NGUYỄN CÔNG THÀNH

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên