09/01/2020 15:03 GMT+7

Những 'cánh bồ câu' không mỏi - Kỳ cuối: 'Chiếc thìa ma thuật'

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Áp dụng thuật toán 'Machine-learning' có thể học hỏi như con người, ý tưởng 'chiếc thìa ma thuật' của hai sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa chiến thắng cuộc thi khoa học công nghệ thường niên tại Malaysia.

Những cánh bồ câu không mỏi - Kỳ cuối: Chiếc thìa ma thuật - Ảnh 1.

Đặng Hải Ninh và Nguyễn Đức Kiên thuyết trình về công dụng “chiếc thìa ma thuật” - Ảnh: NVCC

Chiếc thìa đặc biệt này có thể giúp ích cho người bị run tay, người bị bệnh Parkinson tự xúc đồ ăn.

Từ... lạc đề cho đến giải nhất

Vượt qua 9 nhóm dự thi đến từ các nước trong khu vực, hai sinh viên Đặng Hải Ninh (21 tuổi) và Nguyễn Đức Kiên (20 tuổi) đến từ Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội chiến thắng cuộc thi khoa học công nghệ thường niên IEEE SEACAS Hackathon vừa được tổ chức tại Malaysia dành cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh các nước Đông Nam Á. 

Hai bạn mang đến ý tưởng sản phẩm công nghệ chiếc thìa ma thuật (Magic Spoon) dùng cho người bị run tay và người bị bệnh Parkinson.

"Ban đầu, chúng tôi đến Malaysia với ý tưởng làm thiết bị đo nhịp tim, theo dõi sức khỏe cho người già. Qua một ngày thi, ban giám khảo đi khảo sát đánh giá chúng tôi... lạc đề, trong khi đề bài là hướng đến giúp đỡ người già trong sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, vệ sinh cá nhân, đi lại", Kiên nhớ lại khó khăn đầu tiên cặp đôi phải vượt qua. Ngày đầu tiên, cả hai thức đến 2h sáng, thậm chí phải gọi điện xin tư vấn từ thầy hướng dẫn về ý tưởng cần thực hiện.

Cuối cùng, sinh viên Đặng Hải Ninh đề xuất ý tưởng làm ra "chiếc thìa ma thuật" giúp người bị bệnh run tay, bị bệnh Parkinson dễ dàng cầm nắm, ăn uống. Ý tưởng này nhanh chóng được cặp đôi bắt tay thực hiện ngay. Ninh cho biết trên thị trường đã xuất hiện chiếc thìa này nhưng áp dụng thuật toán truyền thống PID, còn ý tưởng của nhóm là sử dụng thuật toán "Machine-learning", ứng dụng kỹ thuật điều khiển, IoT, phân tích dữ liệu.

Cặp đôi cho biết "chiếc thìa ma thuật" nhận dạng độ rung dựa vào cảm biến đa chiều. Thay vì các kỹ thuật điều khiển thông thường, hai sinh viên Trường ĐH Công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để đáp ứng và xây dựng app trên điện thoại để theo dõi tình trạng người bệnh. 

"Điều đặc biệt là độ run tay được lưu lại, đẩy lên hệ thống database và hiển thị trên điện thoại. Nhờ đó, bác sĩ và người nhà có thể theo dõi độ rung này và đưa ra biện pháp phù hợp. Những người bị run tay, bị bệnh Parkinson gần như không tự xúc được thức ăn, nếu có chiếc thìa này sẽ tự ăn được mà không cần người giúp đỡ", Hải Ninh chia sẻ.

Đến buổi chấm chung khảo, cả hai có phần thuyết trình về công nghệ được ứng dụng trong sản phẩm của mình. Kiên kể với các đội thi khác, ban giám khảo dừng lại hỏi rất lâu, chừng 15-20 phút, nhưng với đội Việt Nam chỉ 10 phút. 

"Lúc đó, tôi rất lo lắng, thường thì ban giám khảo hỏi rất nhiều, nhưng đến đội chúng tôi thì hầu như không đặt thêm câu hỏi nào ngoài nghe tôi giải thích thuật toán, công dụng của chiếc thìa. Chừng 10 phút giải thích thì vị trưởng ban giám khảo người Pháp gật đầu và chấm điểm luôn", Kiên nhớ lại.

Trải qua các phần thi gồm xây dựng ý tưởng, thuyết minh, chạy demo, cuối cùng ý tưởng sản phẩm "chiếc thìa ma thuật" của hai bạn sinh viên Việt Nam đoạt giải cao nhất cuộc thi "IEEE SEACAS Hackathon". Các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao ý tưởng này bởi tính sáng tạo và tin tưởng vào thuật toán "Machine-learning" được áp dụng trong "chiếc thìa ma thuật" có thể học hỏi như con người.

Những cánh bồ câu không mỏi - Kỳ cuối: Chiếc thìa ma thuật - Ảnh 2.

Đặng Hải Ninh và Nguyễn Đức Kiên đến từ Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội chiến thắng cuộc thi khoa học công nghệ thường niên “IEEE SEACAS Hackathon” - Ảnh: NVCC

Người trẻ hướng đến tương lai

Với sinh viên năm thứ ba Nguyễn Đức Kiên, đây là lần đầu bạn được tranh tài ở một cuộc thi khu vực, là dấu ấn đầu tiên trong cuộc đời chàng trai trẻ. Yêu thích lập trình, phần mềm nên ngay từ năm hai đại học, Kiên đến "gõ cửa" xin thực tập tại doanh nghiệp. Điểm mạnh của bạn là khả năng tự tin thuyết trình trước đám đông, làm slide thuyết trình trực quan, sinh động. Do đó, tại cuộc thi "IEEE SEACAS Hackathon", Kiên đảm nhiệm phần thuyết trình trước ban giám khảo.

Kiên giỏi phần mềm, Ninh giỏi phần cứng, cặp đôi tỏ ra ăn ý kết hợp với nhau giải những "bài toán" khó nhằn. Tuy nhiên để tham gia đấu trường quốc tế, Kiên nói khó nhất với những sinh viên Việt Nam là thuyết trình ý tưởng bằng tiếng Anh. Để thuyết phục ban giám khảo, cặp đôi phải tập dượt ứng phó kỹ trước các câu hỏi có thể đề ra. Kiên giãi bày: "Phải nhớ các từ như độ rung, giải pháp ra sao để giải thích cho ban giám khảo hiểu được. Song nếu ban giám khảo hỏi chuyên sâu về thuật toán thì chúng tôi phải tự ứng biến".

Còn sinh viên Đặng Hải Ninh thường xuyên tôi luyện để chinh phục các đấu trường công nghệ khu vực và quốc tế. Cậu bạn cho rằng ở khu vực Đông Nam Á, sinh viên Việt Nam chẳng hề thua kém các nước bạn. Còn ở tầm châu lục, về chuyên môn không thua kém, nhưng sinh viên Việt cần rèn luyện nhiều hơn về kỹ năng, cách trình bày.

Với cuộc thi tại Malaysia, Ninh khiêm tốn nói cả hai may mắn vì các đội khác không quá mạnh. "Chúng tôi may mắn làm kịp thời gian, mất một ngày đầu tiên vì lạc đề, nhưng chúng tôi hoàn thành sản phẩm chỉ với hai ngày sau đó", chàng trai trẻ chia sẻ.

Sau cuộc thi, Đặng Hải Ninh và Nguyễn Đức Kiên nhận được lời mời tham gia cuộc thi dành cho sinh viên trên toàn thế giới (IEEE CAS student design competition) sẽ được tổ chức tại Seville, Tây Ban Nha vào tháng 5-2020.

"Tại cuộc thi, ý tưởng của chúng tôi được nhiều người đánh giá cao bởi hướng đến tương lai. Hiện chúng tôi đang phát triển, hoàn thiện chiếc thìa để đi thi quốc tế theo hướng chẩn đoán. Chiếc thìa sẽ đóng vai trò như bác sĩ chẩn đoán tình trạng của người bệnh ở độ run tay thế nào, từ đó đưa ra lời khuyên", Kiên chia sẻ về hướng phát triển sắp tới.

Hướng dẫn chuyên sâu từ đầu

sinh vien nguyen duc kien

Hai sinh viên Nguyễn Đức Kiên (trái) cùng Đặng Hải Ninh đam mê nghiên cứu khoa học, chế tạo - Ảnh: NVCC

Đam mê công nghệ, lập trình, điều mà những sinh viên như Đặng Hải Ninh, Nguyễn Đức Kiên mong muốn là được hướng dẫn chuyên sâu ngay từ lúc bước vào ghế giảng đường để không phải "bơ vơ".

Kiên chia sẻ năm thứ nhất cậu mải chơi nên học không tốt, đến năm thứ hai nhìn ra con đường bản thân hướng đến nên chọn cách vừa đi học vừa đi làm. "Học được 6 tháng, công ty cho tôi tham gia vào các dự án lớn, từ đó nhìn ra thực tế công nghệ được áp dụng ra sao tại môi trường doanh nghiệp. Quay về trường học tập, tôi nắm bắt rất nhanh các môn học lập trình, ghép nối máy tính", Kiên giãi bày.

Với Đặng Hải Ninh, đây là năm cuối cùng học tập tại trường, cậu cho biết có ý định học lên cao theo hướng tập trung nghiên cứu. Do đó, ngay từ lúc vào trường Ninh đến "gõ cửa" phòng thí nghiệm trọng điểm hệ thống tích hợp thông minh của trường để theo chân các thầy, các anh chị đi trước.

Chỉ loanh quanh 61km2 với một con phố cổ "đi dăm phút đã về chốn cũ" nhưng với người nước ngoài, Hội An thật sự là một thiên đường. Nhiều người trong họ đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai để tái lập nghiệp, tận hưởng niềm vui cuộc sống...

MỜI ĐÓN ĐỌC HỒ SƠ: Những "ông Tây" chọn Hội An làm quê hương

Những Những 'cánh bồ câu' không mỏi - Kỳ 1: Đôi bạn 'trí tuệ nhân tạo'

TTO - Nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) lúc này không còn quá xa lạ với sinh viên Việt Nam. Thế giới ấy mở ra bao điều bất ngờ không chỉ vì "sự thông minh" của máy móc mà ở những "bộ óc tư duy" của những người trẻ đam mê khoa học.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên