30/04/2024 14:52 GMT+7

Những ca khúc gắn với ngày 30-4 lịch sử ra đời như thế nào?

Nhân lễ 30-4, Tuổi Trẻ Online điểm lại những ca khúc đi cùng năm tháng, gắn liền với bao thế hệ Việt Nam.

Tên tuổi nghệ sĩ Tạ Minh Tâm gắn liền với ca khúc Đất nước trọn niềm vui - Ảnh: Facebook nhân vật

Tên tuổi nghệ sĩ Tạ Minh Tâm gắn liền với ca khúc Đất nước trọn niềm vui - Ảnh: Facebook nhân vật

Đó những ca khúc bất hủ, đi cùng năm tháng như: Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Như có Bác trong ngày đại thắng, Đất nước trọn niềm vui...

Những ca khúc đi cùng năm tháng

Giải phóng miền Nam là một trong những ca khúc được khán giả nhắc đến và nghe nhiều nhất dịp lễ 30-4 hằng năm. Nhiều chương trình nghệ thuật diễn ra dịp kỷ niệm này cũng chọn Giải phóng miền Nam dàn dựng vào chương trình.

Ca khúc Giải phóng miền Nam được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (bút danh Huỳnh Minh Siêng lúc bấy giờ) phổ nhạc dựa trên thơ của Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và của chính nhạc sĩ.

Chia sẻ trong chương trình Một thời hoa lửa của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến cho biết nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác ca khúc này năm 1961 nhân dịp thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

“Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định chọn ca khúc Giải phóng miền Nam làm bài Quốc ca của Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1976). Bài hát như là một lời hiệu triệu, là hơi thở của Tổ quốc ta ở phía Nam” - nhạc sĩ Trần Xuân Tiến chia sẻ.

Ca khúc sau đó nhanh chóng được phổ biến rộng rãi qua sóng phát thanh của Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam và các đoàn văn công quân Giải phóng.

Những ca sĩ thể hiện thành công ca khúc này là Trung Kiên, Tạ Minh Tâm, Trọng Tấn, Thanh Lam... và nhiều nhóm ca.

Ca khúc Giải phóng miền Nam qua tiếng hát nhóm Lạc Việt, được giới thiệu trong chương trình Một thời hoa lửa - Nguồn: Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM

Ca khúc Tiến về Sài Gòn cũng là sáng tác của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, sáng tác vào năm 1966. Ca khúc có giai điệu hào hùng, là một trong những sáng tác cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta cho cuộc tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968.

Đến ngày 30-4-1975, đúng chín năm sau, ca khúc này đã được mở trên đài phát thanh chỉ vài phút sau lời đầu hàng của tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh.

Nhiều ca sĩ thể hiện thành công ca khúc này, trong đó nổi bật là nghệ sĩ Quang Hưng. Anh sở hữu giọng ca đầy nội lực, truyền tải trọn vẹn tinh thần ca khúc.

Người bạn đời của ca sĩ Quang Hưng từng chia sẻ với báo chí khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ra Hà Nội đã yêu cầu Quang Hưng thu âm bằng cả giọng Nam và giọng Bắc, tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngoài ra ca sĩ Trọng Tấn, Bùi Lan Hương... cũng để lại ấn tượng khi hát ca khúc này.

Tiếng hát của nghệ sĩ Quang Hưng qua ca khúc Tiến về Sài Gòn - Nguồn: Tư liệu

Những ca khúc ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt

Ca khúc Tiếng hát thành phố mang tên Người (nhạc: Cao Việt Bách, lời: Đăng Trung). Vào tháng 3-1975, nhà báo Đăng Trung - lúc đó đang là phóng viên của báo Tiền Phong - nhận nhiệm vụ viết một bài báo đặc biệt về Sài Gòn đón chào hòa bình.

Nhà báo Đăng Trung thức trắng đêm viết bài báo "Từ thành phố này, Người đã ra đi". Sau đó, nhạc sĩ Cao Việt Bách có duyên phổ nhạc thành ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên Người.

Ca khúc này được vinh danh trong đêm trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2017.

Tiếng hát từ thành phố mang tên Người được nhiều khán giả biết đến qua giọng hát của ca sĩ Kiều Hưng, người đầu tiên hát bài hát này.

Nhiều ca sĩ chuyển tải tinh thần của ca khúc này như Tạ Minh Tâm, Trọng Tấn, Thanh Hoa , Quang Hưng...

Tạ Minh Tâm hát Tiếng hát thành phố mang tên Người - Nguồn: Đài truyền hình Hà Nội

Ca khúc Đất nước trọn niềm vui do nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác đúng một đêm 26-4-1975, tại Hà Nội. Điều thú vị là nhạc sĩ viết ca khúc lịch sử này khi ông chưa đặt chân đến Sài Gòn.

Đất nước trọn niềm vui được ca sĩ Trung Kiên, Tạ Minh Tâm, Quang Hưng, Trọng Tấn... thể hiện. Trong đó Tạ Minh Tâm để lại ấn tượng với giọng hát tenor cao vút, nội lực, thể hiện tinh thần của ca khúc.

Tạ Minh Tâm từng chia sẻ ca khúc Đất nước trọn niềm vui mang lại cho anh nhiều thứ, nhất là sự yêu mến, đón nhận của khán giả nhiều thế hệ.

Đất nước trọn niềm vui qua tiếng hát Tạ Minh Tâm - Nguồn: HTV Music

Ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong chưa tới hai tiếng đồng hồ vào đêm 28-4-1975.

Trước đó, ông Trần Lâm - tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ - giao nhiệm vụ cho nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác một bài hát chào mừng ngày chiến thắng sắp đến.

Ca khúc này được chọn phát trong chương trình thời sự đặc biệt lúc 17h ngày 30-4-1975.

“Chưa có buổi thu thanh bài hát nào ở Đài Tiếng nói Việt Nam mà từ người kéo đàn đến nhạc trưởng cũng như ca sĩ đều rưng rưng nước mắt như thế. Khi ca khúc được thu âm xong thì chính tôi và anh Trần Lâm cũng khóc” - nhạc sĩ Phạm Tuyên từng chia sẻ với báo chí.

Ca khúc ngợi ca chiến thắng vĩ đại của dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Tạ Quang Thắng hát Như có Bác trong ngày đại thắng - Nguồn: VTV

Chương trình Bản hùng ca vang mãi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ mừng ngày thống nhất non sôngChương trình Bản hùng ca vang mãi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ mừng ngày thống nhất non sông

Hơn 30 văn nghệ sĩ như Đan Trường, Hiền Thục, Quốc Đại, Võ Hạ Trâm, Hồ Trung Dũng... góp giọng trong chương trình nghệ thuật 'Bản hùng ca vang mãi', được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ dịp lễ 30-4, 1-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên