20/11/2016 10:35 GMT+7

Như hoa thiên tuế

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Từ một khu đầm lầy, Trường mẫu giáo dân lập Hoa Thiên Tuế (xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM) dần dần ra đời, bao thế hệ học sinh được dạy dỗ lớn lên. 20 năm nhìn lại, một hành trình đã đi thật cam go.

Cô Đoài vui cùng các bé Trường Hoa Thiên Tuế - Ảnh: Tự Trung
Cô Đoài vui cùng các bé Trường Hoa Thiên Tuế - Ảnh: Tự Trung

Tôi đến trường gặp cô Minh Trâm - chủ Trường Hoa Thiên Tuế - khi cô đang nói chuyện với một cô giáo mới đến xin việc, và nghe cô dặn: “Em đã có bằng sư phạm mầm non, có kinh nghiệm dạy nơi khác, vậy là đủ những điều kiện cần. Điều kiện đủ ở trường chúng tôi là tình yêu thương với trẻ.

Các cô giáo phải dạy trẻ với tình yêu thương và chỉ tình yêu thương thôi, để gieo mầm cho những người tử tế mai này. Ngoài ra, quy định của trường là không được nhận quà của phụ huynh để môi trường sư phạm không vẩn đục. Em đồng ý thì chúng ta ký hợp đồng”.

Từ một đầm lầy

Quay sang tôi, cô chia sẻ: “Đây là trường vùng ven, các em phần lớn là con em công nhân, nông dân nghèo và Trường Hoa Thiên Tuế chúng tôi chủ trương phải tạo cho các em một môi trường và điều kiện không thua kém các em nhỏ ở thành phố. Chúng tôi tin mình làm được”.

Từng là giáo viên văn của một trường THPT, nay cô xăm xăm vào bếp ăn theo dõi việc chuẩn bị bữa trưa, bữa xế, lên thực đơn cho các em; cô săm soi từng món đồ chơi trong sân, từng khóm cây trong vườn thực vật, cười tươi với từng đứa trẻ xúm quanh gọi lao xao “Bà Trâm! Bà Trâm!...”.

Cô tự hào giới thiệu cô giáo dạy tiếng Anh có đặc điểm “rất yêu trẻ” mà cô tuyển được ở Phú Nhuận, tuần hai buổi thuê xe ôm rước cô giáo lên trường để những đứa trẻ tận miệt quê này cũng được làm quen với ngoại ngữ.

Cô Trương Thị Minh Đoài, nguyên hiệu phó một trường THPT, có mái tóc bạc và nụ cười hiền, đúng y dáng một bà ngoại của hàng trăm em nhỏ Trường Hoa Thiên Tuế. Giữa vòng vây đám trẻ, ánh mắt của cô cũng bừng sáng, tay cũng múa và miệng cũng hát những bài hát của trẻ lên 3. Hỏi về Trường Hoa Thiên Tuế, cô rưng rưng đọc: Chiếc nhà sàn nho nhỏ/Mái lá bím tóc dừa/Thân gỗ tre đan mượt/Soi dáng làng ao xanh....

Ngôi nhà sàn mái lá hôm nay được dựng lại trên ao sen xanh làm nơi tiếp khách của Hoa Thiên Tuế, 25 năm trước là túp nhà đầu tiên mọc lên bên con kênh Bà Lát cạnh rìa đất trũng, giữa những mô gò đất sét, sỏi cát khô cằn, um tùm lau sậy.

Người đàn ông đã vác balô đến vùng đất hoang nằm ngoài khu sản xuất của Nông trường Lê Minh Xuân, dựng lên túp nhà ấy làm chỗ xây dựng ước mơ là ông Lê Quang Đệ, chồng cô Đoài, năm ấy vừa nhận quyết định nghỉ hưu trên cương vị phó giám đốc Sở Nông nghiệp TP.HCM.

Ông nhận khoán đất của nông trường, một mình đổ mồ hôi khai hoang lập vườn, vét kênh nuôi cá, xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng, trở thành một điển hình sản xuất những năm sau đó.

Xây trường giữa vườn

Năm 1997, đến lượt cô Đoài, sau những năm giảng dạy, quản lý giáo dục, nghỉ hưu. Hai người sum họp trong căn nhà gỗ giữa khu vườn, bên ao cá, nhớ đứa cháu ngoại vừa đến tuổi vào nhà trẻ. Họ chợt nhận ra khu vực mình ở chưa có nhà trẻ, trường mẫu giáo.

Cô Đoài đi tìm hiểu mới biết chỉ mới có vài lớp mẫu giáo lẻ trong ngõ xóm, bữa cơm trưa phải nhờ phụ huynh nấu giúp. Nghiệp sư phạm và cái tình với học trò nổi lên, cô và chồng quyết định dốc hết số tiền dành dụm, xin phép địa phương để xây trường mẫu giáo bán trú ngay giữa khu vườn đã xanh mát của mình.

Lớp mầm, lớp chồi rồi tới lớp lá... Năm 1999, Trường Hoa Thiên Tuế có đủ bốn nhóm lớp với những phòng học thoáng mát, nhiều màu sắc, đầy đủ trang thiết bị, bếp ăn một chiều, phòng chức năng, phòng y tế. Sân chơi rộng lại có thêm khu vườn cổ tích, vườn lá ngọc, chỗ chơi cát, chơi nước...

Những đứa trẻ ở các xã Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Tân Nhựt, Khu công nghiệp Tân Tạo, Vĩnh Lộc đã có nơi để học, để chơi, tháng tháng còn được các bác sĩ ở trung tâm dinh dưỡng, nhi đồng đến khám sức khỏe, tư vấn cho gia đình.

Ông Đệ, bà Đoài được trở thành ông bà ngoại, ông bà nội của hàng trăm đứa trẻ.

Hạnh phúc ấy kéo dài được sáu năm cho đến khi ông Đệ bỗng mất đột ngột sau một cơn bệnh. Cô Đoài như suy sụp nhưng vẫn gắng sức để Trường Hoa Thiên Tuế tiếp tục hoạt động. Tới khi cô kiệt sức, gần như muốn buông bỏ thì cô Minh Trâm tới đỡ tay.

20 năm một tình yêu

Ngày kỷ niệm 20 năm thành lập trường vừa qua, có nhiều sinh viên đến dự. Họ là những cô cậu bé ngày xưa đã từng được cha mẹ đưa rước vượt qua những con đường sình lầy, những mảnh ruộng cằn để được đến Trường Hoa Thiên Tuế sống trọn tuổi thơ.

Đi vòng quanh trường, Yến Nhi thầm thì: “Trường hôm nay khang trang hơn xưa, phòng ngủ có thêm cả máy lạnh. Nhưng mười mấy năm trước, em cũng đã được học trong ngôi trường xanh mát nhất vùng rồi”.

Ôm vào trường một giỏ hoa chúc mừng, anh Nguyễn Văn Hùng kể: “Con trai tôi xưa học ở đây, nay đang đi thi hành nghĩa vụ quân sự, giờ mấy đứa cháu gọi bằng bác cũng đang học hát trong lớp kia. Nhớ hồi đó mùa mưa, đường đất đỏ vào trường như vũng lầy, mấy cô giáo đi kéo xà bần về lấp. Tôi thấy vậy cũng tiếp tay, mua hai xe đá bi tới đổ, kêu thêm mấy đứa em tay xẻng tay cuốc tới làm với cô giáo đến tận tối. Hôm sau con đường khô ráo, đưa con đi học sướng cái bụng...”.

Ông Nguyễn Văn Nguyện - phó trưởng Phòng giáo dục H.Bình Chánh, cũng là một cựu phụ huynh của trường - kể: “Hồi đó Hoa Thiên Tuế lần đầu tiên mở ra lớp bán trú mẫu giáo ở khu này, tôi mừng vô kể. Có chỗ gửi con an tâm mới có thể đi làm, đi học được. Trước đó không có lớp, con nhỏ hai vợ chồng phải thay nhau nghỉ ở nhà giữ, không thì lại chạy quanh gửi bà ngoại, bà nội, cả hàng xóm, cực chi mà cực... Tôi cũng như bà con khu vực này rất mang ơn cô Đoài...”.

Ông Nguyện đọc vài câu thơ viết vội: Nơi đây là cả tấm lòng/Và sự nhiệt huyết tận tâm với nghề/Nhớ ơn cô lắm người Thầy/Người Bà tận tụy một đời yêu thương... Cô Minh Đoài, cô Minh Trâm, cô Việt Hoa ánh mắt đều rưng lệ. Bởi lần kỷ niệm 20 năm này, Trường Hoa Thiên Tuế lại đang phải đối mặt với một khó khăn lớn: hợp đồng khoán đất đã hết và địa phương đang có quy hoạch mới cho khu vực.

Cô Đoài run run viết vào đơn xin được gia hạn hợp đồng thuê đất: “20 năm qua trường hoạt động rất tốt và mang lại lợi ích lớn cho khu vực. Xin hãy gia hạn hợp đồng để trường được tiếp tục hoạt động, tôi được nuôi dưỡng tâm nguyện giáo dục của mình”.

Cô Minh Trâm thì quả quyết: “Trường Hoa Thiên Tuế 20 năm còn chúng tôi thì đã làm giáo dục cả đời. Tình yêu trẻ này không buông bỏ được, lời hứa với những đứa trẻ vùng ven này không chấm dứt được, dù thế nào cũng phải tiếp tục thôi...”.

20-11 này, Hoa Thiên Tuế vẫn ríu rít tiếng trẻ thơ và sâu đằm những bài học giáo dục từ lòng yêu thương...

Bằng cả tấm lòng

Bà Lê Minh Ngọc, phó chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM, nói như tâm sự: “Ngày ấy tôi phụ trách khối mầm non ở Sở Giáo dục, biết vùng này gần như “trắng” về giáo dục mầm non, con em người dân vùng ven đã nghèo khó lại thêm thiệt thòi mà chưa có giải pháp. May mà có chị Đoài, anh Đệ đứng ra làm bằng cả tấm lòng.

Tiếng là trường dân lập chứ họ có thu được đồng lời nào đâu...”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên