21/07/2019 10:29 GMT+7

Nhiều thí sinh 'nghiên cứu' điểm chuẩn như chuyên gia

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - DƯƠNG LIỄU
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - DƯƠNG LIỄU

TTO - Tại Ngày hội tư vấn xét tuyển 2019 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 21-7, nhiều phụ huynh, thí sinh thể hiện việc nghiên cứu rất kỹ về điểm thi, điểm chuẩn.

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 1.

Các chuyên gia đang tư vấn cho thí sinh và phụ huynh - Ảnh: NAM TRẦN

Nhập khẩu than, có nên học mỏ?

"Em nghe thông tin sắp tới Việt Nam sẽ phải nhập than từ nước ngoài. Em mong muốn học ngành khai thác mỏ, nhưng rất lo lắng về cơ hội việc làm" - nam thí sinh đặt vấn đề.

Đáp lại băn khoăn này, TS Lê Xuân Thành - trưởng phòng công tác sinh viên, Trường ĐH Mỏ - địa chất - cho biết nhiều người nhắc đến ĐH Mỏ - địa chất là chỉ nghĩ đến than, nhưng thực tế trường còn đào tạo nhiều ngành khác như các ngành về kinh tế, tài chính, ngân hàng....

"Trở lại câu hỏi của em, nếu thí sinh vào đại học và chỉ nghĩ sau này ra trường sẽ làm việc tại Việt Nam thì tầm nhìn chưa thực sự rộng mở và phù hợp với xu hướng mới. Tính đến năm 2020, Việt Nam thiếu và cần cung cấp cho các nước ASEAN 6 triệu việc làm. Các em nên nhìn xa, xác định phải học và làm công dân thế giới" - ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cũng cho biết khai thác khoáng sản bao gồm các loại khoáng sản rất đa dạng, chứ không chỉ thuần tuý làm về than. Trong khi đó, trữ lượng khai thác khoáng sản trong những năm tới của Việt Nam vẫn tương đối dồi dào.

Một thí sinh dự thi theo tổ hợp xét tuyển khoa học xã hội, nhưng mong muốn theo học ngành kỹ thuật băn khoăn: "Em được 20 điểm tổ hợp C01 nhưng muốn học ngành kỹ thuật. Mong thầy cô tư vấn để em có định hướng phù hợp với tổ hợp xét tuyển và mức điểm đã đạt được?".

Trước thắc mắc này của thí sinh, PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo - phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - nhắn nhủ trước mắt thí sinh phải xác định rõ động cơ, mong muốn theo học ngành nào, bởi lẽ gọi là khối ngành kỹ thuật nhưng ngành học rất đa dạng, như: ngành khoa học cơ bản, tự nhiên, công nghệ.... Từ đó, thí sinh mới tìm thông tin để xem trường nào xét tuyển ngành đó theo tổ hợp C01 và trực tiếp liên hệ với nhà trường để có những tư vấn chuyên sâu.

TS Nguyễn Đào Tùng (trưởng ban quản lý đào tạo, Học viện Tài chính) tư vấn những thí sinh đang phúc khảo điểm vẫn có thể an tâm thay đổi nguyện vọng - Video: Nguyễn Hiền - Dương Liễu

Đang làm thủ tục phúc khảo điểm thi thì có thể thay đổi nguyện vọng không?

Một thí sinh đặt câu hỏi: "Khi em đang làm thủ tục phúc khảo điểm thi thì có thể thay đổi nguyện vọng không? Thủ tục thực hiện như thế nào?".

Trả lời câu hỏi của thí sinh, TS Nguyễn Đào Tùng (trưởng ban quản lý đào tạo, Học viện Tài chính) tư vấn: những thí sinh đang phúc khảo điểm vẫn có thể an tâm thay đổi nguyện vọng. Sau khi có kết quả phúc khảo sẽ được chuyển trực tiếp đến các trường mà các em có nguyện vọng chuyển để xem xét.

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 3.

Phụ huynh và học sinh chăm chú nghe các chuyên gia tư vấn tại khu vực nhóm ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật, y dược, nông lâm - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều thí sinh "nghiên cứu" điểm chuẩn như chuyên gia

Tại khu vực tư vấn khoa học xã hội - kinh tế - quản lý kinh doanh - ngoại ngữ - báo chí truyền thông - các trường quân đội, nhiều phụ huynh, thí sinh thể hiện việc nghiên cứu rất kỹ về điểm thi, điểm chuẩn.

Một thí sinh cho biết điểm thi của em xếp thứ 58 trong số thí sinh cả nước nhưng em vẫn lo vì em đăng ký nguyện vọng 1 vào khối trường an ninh, nguyện vọng 2 vào trường ngoại thương.

Một số thí sinh hỏi các thầy trong ban tư vấn nhưng đã có trong tay bảng phân tích riêng về mức lên, xuống của điểm chuẩn một số ngành trong các năm. Thế nhưng các em vẫn băn khoăn vì ngành mơ ước vào vẫn "bấp bênh" so với ngành "ít thích hơn".

TS Hoàng Gia Thư, trưởng khoa quản trị kinh doanh và du lịch, Trường ĐH Hà Nội, chia sẻ: Để xác định ngành phù hợp với mình là quan trọng nhất. Nếu chúng ta không thích ngành chúng ta học, không thấy phù hợp thì cũng không thể học tốt, ra nghề không thể thành công được. Vì thế trước hết phải tìm hiểu về ngành, nghề mình định đăng ký học như thế nào, chứ đừng chỉ quan tâm đến điểm thi của mình có đỗ hay không.

Các thầy cô trong ban tư vấn chia sẻ kinh nghiệm về việc chọn ngành: những ngành kép, ngành "phổ rộng" sau này có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực, vị trí việc làm khác nhau cho các em những cơ hội việc làm nhiều hơn. Nhưng các thầy cô đều lưu ý các bạn thí sinh cần cân nhắc đến "tính phù hợp", vì "nghiên cứu" kỹ quá cũng khiến thí sinh bị rối, hoang mang.

Một phụ huynh ở Ba Vì (Hà Nội) thú nhận đã nghiên cứu rất nhiều thông tin, nhưng vẫn bị rối và chưa hiểu rõ khi cho con đăng ký vào một trường quân đội.

Theo đại tá Vũ Xuân Tiến, trưởng ban thư ký tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng, các trường khối quân đội không cho phép thay đổi nguyện vọng nữa. Nhưng vẫn có khá nhiều điều thí sinh và các bậc phụ huynh thấy bị rối, không nắm chắc nên Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng vẫn tham gia ngày hội để giải đáp.

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 4.

Hội trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đông nghẹt thí sinh đến tìm hiểu thông tin xét tuyển 2019 - Ảnh: Hà Bình

Ai hơn ai?

Một thí sinh hỏi "Em nên học trường Ngoại thương hay Kinh tế quốc dân, trường nào hơn?". Những câu hỏi như thế này khá nhiều ở khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế.

"Thật khó có thể trả lời "Ai hơn ai?" vì chắc chắn cô xinh gái hơn thầy Triệu ở Trường Kinh tế quốc dân, còn thầy Triệu sẽ đẹp trai hơn cô. Có nghĩa mỗi trường sẽ có "vẻ đẹp" riêng. Điều quan trọng là các em thích "vẻ đẹp" nào" - TS Phạm Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ.

Về điều này, PGS-TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cũng cho rằng cơ hội rất rộng mở đối với thế hệ thí sinh hiện nay, chỉ cần các em có nền tảng kiến thức, kỹ năng tốt, có thể bổ sung vốn ngoại ngữ tốt, sẽ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 5.

Hàng trăm học sinh có mặt tại hội trường Trường ĐH Bách khoa HN để nghe tư vấn - Ảnh: NAM TRẦN

Muốn học ngành "tiếp xúc với nhiều người", làm biên tập viên truyền hình

"Hiện nay con người ít tiếp xúc với môi trường xung quanh, em muốn học kỹ năng sống thì học ở đâu?" - Đây là câu hỏi được TS Nguyễn Đào Tùng, trưởng ban quản lý đào tạo, Học viện Tài chính, trưởng nhóm tư vấn khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, cho rằng "rất thú vị".

"Một trong những môi trường để "tăng cường tiếp xúc với môi trường xung quanh" có thể học ngành báo chí, hoặc tâm lý học - TS Hoàng Gia Thư, Trường ĐH Hà Nội, chia sẻ. 

Theo TS Thư thì đây là những ngành sẽ tạo cơ hội cho các bạn trẻ tiếp xúc, chia sẻ với nhiều người. Ngành truyền thông có cơ hội trải nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau.

Trả lời câu hỏi "Muốn làm biên tập viên truyền hình nhưng không biết học ngành nào?", TS Hoàng Gia Thư tư vấn: "Các biên tập viên truyền hình có thể học ngành truyền thông nhưng cũng nên học thêm về quản trị kinh doanh để có kiến thức nền tảng rộng hơn".

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 6.

Học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: NAM TRẦN

Cao 1m76, thích thể thao học ngành nào?

"Cao 1m76, thích thể thao, thích kinh tế thì học ngành nào?", câu hỏi thú vị này làm các thầy, cô trong ban tư vấn bật cười.

TS Nguyễn Đào Tùng hóm hỉnh nói "Cao 1m76, lại thích thể thao thì nhiều trường muốn nhận em, nhưng em đang ở đâu trong khu tư vấn mời em mạnh dạn đứng lên trao đổi với các thầy, cô?". 

Sau lời thầy Tùng, phụ huynh của em học sinh này đứng lên nói: " Đó là con tôi, cháu được 25,5 điểm nhưng hơi nhút nhát nên bố đứng lên thay, muốn thầy cô tư vấn kỹ".

"Với mức điểm đó, lại nhút nhát thì tốt nhất em nên đăng ký vào Trường ĐH Ngoại thương vì đây là môi trường học giúp sinh viên trở nên tự tin, mạnh dạn, phát huy năng lực cá nhân rất tốt", TS Phạm Thu Hương, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ.

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 7.

Các thầy cô tổ tư vấn trực tiếp tư vấn cho phụ huynh và học sinh tại ngày hội - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 8.

Các thầy cô tổ tư vấn trực tiếp tư vấn cho phụ huynh và học sinh tại ngày hội - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 9.

Các thầy cô tổ tư vấn trực tiếp tư vấn cho phụ huynh và học sinh tại ngày hội - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 10.

Các thầy cô tổ tư vấn trực tiếp tư vấn cho phụ huynh và học sinh tại ngày hội - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 11.

Thí sinh đọc thông tin xét tuyển tại Ngày hội tư vấn xét tuyển 2019 ở Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh: Chí Tuệ

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 12.

Phụ huynh và học sinh chăm chú nghe các chuyên gia tư vấn tại khu vực nhóm ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật, y dược, nông lâm - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 13.

Thí sinh và phụ huynh dự ngày hội chật kín sân Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: CHÍ TUỆ

Ngày hội do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Nhiều thí sinh nghiên cứu điểm chuẩn như chuyên gia - Ảnh 15.
Khai mạc Ngày hội tư vấn xét tuyển 2019: Nhiều con đường khác nhau để lập nghiệp Khai mạc Ngày hội tư vấn xét tuyển 2019: Nhiều con đường khác nhau để lập nghiệp

TTO - Sáng nay 21-7, Ngày hội tư vấn xét tuyển 2019 đã khai mạc tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Sự kiện này cũng đồng diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên