15/04/2015 10:34 GMT+7

Nhà thi đấu bóng chuyền vắng lặng

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Nhà thi đấu Phú Thọ với sức chứa 2.500 chỗ ngồi nhưng trung bình mỗi trận đấu chỉ có 50-100 khán giả mua vé vào xem. Nhà thi đấu Thái Bình mở cửa tự do nhưng cũng chẳng có bao nhiêu khán giả...

Đó là những hình ảnh đáng buồn đang diễn ra tại vòng 1 Giải bóng chuyền VĐQG ở hai nhà thi đấu Phú Thọ và Thái Bình. Điều nghịch lý là những giải bóng chuyền như VTV Cup, VTV Bình Điền hay Cúp Hùng Vương... CĐV thường đến nhà thi đấu rất đông nhưng ở giải đấu quan trọng nhất của bóng chuyền VN là giải VĐQG lại thường xuyên rơi vào cảnh vắng bóng khán giả.

Phát loa kêu gọi, khán giả cũng không đến sân

Có mặt tại nhà thi đấu Phú Thọ chiều và tối 14-4, ngày có bốn trận đấu của bảng A diễn ra gồm Giấy Bãi Bằng - Thông Tin LienVietPostBank (nữ), Bến Tre - Long An (nam), Vĩnh Phúc - Rudico Hải Dương (nữ) và Maseco TP.HCM - Đức Long Gia Lai (nam) mới thấy không khí ảm đạm của giải đấu. Bên ngoài nhà thi đấu, người qua lại vắng lặng trong khi quầy bán vé của ban tổ chức cả giờ đồng hồ mà không có người đến mua vé. Bên trong nhà thi đấu lúc 14g khi trận đấu giữa chủ nhà Giấy Bãi Bằng và Thông Tin LienVietPostBank diễn ra, khán giả có mặt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khu vực khán đài C, D không có người, trong khi khán đài B chỉ có vài khán giả và khán đài A cũng chỉ có chưa đầy 50 CĐV ngồi xem.Chị Thúy - nhân viên bán vé của nhà thi đấu Phú Thọ - cho biết trung bình mỗi ngày có chưa đầy 100 vé được bán ra tại quầy vé duy nhất của ban tổ chức. Vé vào sân có hai mệnh giá 40.000 đồng và 50.000 đồng, mỗi vé xem được hai trận.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Lợi - phó giám đốc nhà thi đấu Phú Thọ - cho biết trước giải đấu nhân viên của Sở VH-TT&DL Phú Thọ đã cho xe đi phát loa khắp các huyện lân cận TP Việt Trì để thông tin về giải đấu nhưng người dân vẫn không đến xem. Ông Lợi cho rằng có thể người dân đã quá “no” với các giải bóng chuyền uy tín diễn ra trong năm nên không còn muốn đến xem vòng bảng của giải VĐQG. Ngay cả chủ nhà Giấy Bãi Bằng Phú Thọ khi thi đấu trong ngày khai mạc giải tối 12-4 cũng chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 200 CĐV đến xem!

Người dân Phú Thọ, Thái Bình không quan tâm đến giải đấu dù nó diễn ra ngay trên địa bàn tỉnh mình. Thông tin về giải đấu trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng gần như không có vì không ai quan tâm.

Vì vắng khán giả nên ban tổ chức đã phải bù lỗ chi phí tổ chức. Ông Vũ Trường Thành - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ - cho biết để được đăng cai giải VĐQG, theo quy định của Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV) thì Phú Thọ phải đóng cho VFV một khoản tiền vài trăm triệu đồng. Ngoài ra chủ nhà đăng cai còn phải lo toàn bộ tiền vận hành nhà thi đấu gồm tiền điện nước, an ninh, xe đưa đón các CLB... khá tốn kém.

Chất lượng chuyên môn là nguyên nhân chính

HLV một CLB tham dự giải đấu cho biết đã ba ngày nay tại Phú Thọ lúc nào khán đài cũng trống trơn nên VĐV đấu “không sung”. Không chỉ ở Phú Thọ, theo HLV này thì vài năm trở lại đây tại vòng bảng giải VĐQG dù tổ chức ở đâu cũng ít người đến xem! VĐV Lê Minh Tân của CLB Long An cho biết: “Ít người đến xem lắm, không có khán giả nên VĐV đấu cũng thiếu động lực”.

Một trong những nguyên nhân là do trình độ chuyên môn giữa nhóm các CLB dẫn đầu như Thông Tin LienVietPostBank, Thể Công, Sanest Khánh Hòa, Ngân Hàng Công Thương, VTV Bình Điền Long An, Maseco TP.HCM... với các đội nhóm cuối cách biệt quá xa. Thế nên khi thi đấu vòng bảng các trận đấu thường diễn ra tẻ nhạt, tính chuyên môn không cao.Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, tổng thư ký VFV - cho biết: “Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vắng khán giả là do trình độ chuyên môn không đồng đều giữa các CLB dự giải. Hiện nay giải VĐQG có đến 12 đội nam, 12 đội nữ nhưng chất lượng thì không tương xứng với số lượng, trình độ các đội nhóm trên và nhóm dưới quá xa nhau. Từ năm 2011 đến nay trong nhiều cuộc họp tôi đã có ý kiến nên rút số lượng CLB dự giải xuống còn tám đội để tăng chất lượng chuyên môn của giải đấu lên. Thế nhưng ý tưởng này chưa thể thực hiện vì ban chấp hành liên đoàn chưa đồng ý”.

Ông Nguyễn Bá Nghị - phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFV - lý giải thêm: “Ngoài vấn đề chuyên môn, có thể nói bóng chuyền đã trở nên bão hòa. Năm hay bảy năm trước các địa phương Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... có nhà thi đấu tốt, đưa giải bóng chuyền về đấu thì rất đông khán giả nhưng giờ giải đấu nhiều, người dân cũng có nhiều kênh giải trí khác nên bóng chuyền không còn là sự lựa chọn duy nhất”.

[box]Vô địch quốc gia được thưởng 100 triệu đồng

Giải bóng chuyền VĐQG 2015 gồm hai vòng. Vòng 1 từ ngày 12 đến 19-4 tại hai địa phương Phú Thọ (bảng A nam, nữ) và Thái Bình (bảng B nam, nữ). Vòng 2 diễn ra tại TP.HCM và Khánh Hòa từ ngày 14 đến 28-11. Tham dự giải đấu có 12 đội nam, 12 đội nữ được chia làm hai bảng A, B thi đấu vòng tròn hai lượt tính điểm để xếp hạng. Kết thúc vòng 1, các đội nhất, nhì của cả nam, nữ hai bảng A, B sẽ thi đấu tranh Cúp Hùng Vương tại nhà thi đấu Phú Thọ từ ngày 24 đến 27-4. 

Tổng tiền thưởng của giải đấu là 432 triệu đồng. Trong đó phần thưởng cho nhà vô địch là 100 triệu đồng (nam, nữ), 70 triệu đồng cho đội đứng thứ hai, 30 triệu đồng cho mỗi đội đứng thứ ba.[/box]

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên