27/09/2020 17:50 GMT+7

Nguyễn Á đam mê nhiếp ảnh đến cùng

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - Cuộc trò chuyện của Tuổi Trẻ với Nguyễn Á nhân dịp anh ra mắt bộ sách ảnh mới: Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Nguyễn Á đam mê nhiếp ảnh đến cùng - Ảnh 1.

Nguyễn Á và đồng bào Mường Khương (Lào Cai) trong quá trình chụp bộ ảnh Độc đáo Mường Khương

Hơn 10 năm qua, 13 cuốn sách ảnh của Nguyễn Á đều đặn ra đời, đầy ắp nhân vật, phủ rộng khắp các chủ đề: Thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh, Họ đã sống như thế, Nick Vujicic và những ngày ở Việt Nam, Hoàng Sa - Trường Sa biển đảo Việt Nam, 2018 - Dấu ấn lịch sử bóng đá Việt Nam, Lý Sơn - hôm nay…

Không mấy ai làm được như vậy, nhất là khi Nguyễn Á là một nghệ sĩ nhiếp ảnh độc lập. Cuộc trò chuyện của Tuổi Trẻ với Nguyễn Á nhân dịp anh ra mắt bộ sách ảnh mới: Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

"Bí quyết" của tôi

* Anh có thể chia sẻ với độc giả cách duy trì đam mê và động lực của mình, vì sao sau bao năm làm nghề vẫn hừng hực đến vậy?

- Đã 32 năm trôi qua kể từ ngày tôi cầm máy ảnh và chọn đó là nghề, đến giờ thấy đó là nghiệp của mình rồi. Cầm máy là đi tìm cái đẹp, và qua những năm đầu tiên chụp ảnh người mẫu, người đẹp, cảnh đẹp, tôi nhận ra cái đẹp không phải ở son phấn, cảnh vật hoàn mỹ.

Từ giọt mồ hôi của mình mà tôi nhìn được cái đẹp trong lao động, trong cuộc sống đời thường; từ những người mình tiếp xúc mà tôi nhận ra cái đẹp trong những khiếm khuyết, trong sự nỗ lực, vươn lên của họ.

Những bộ ảnh đầu tiên đã ra đời như vậy, và các câu chuyện, sự kiện cứ tự gọi nhau xuất hiện, cuốn tôi đi. Càng đi càng thấy thiếu, phải đi nữa, làm nữa. Càng chụp càng say, càng mê, càng thấy những khoảnh khắc đẹp quá, hơi thở cuộc sống giá trị quá, nhất thiết phải được ghi lại.

Nguyễn Á đam mê nhiếp ảnh đến cùng - Ảnh 2.

Khu cách ly trường quân sự tỉnh Lào Cai - Ảnh: NGUYỄN Á

* Để ra đời những cuốn sách ảnh đồ sộ, anh đã đi rất nhiều nơi, gắn bó và trải nghiệm hàng tháng trời với những nơi đó.

- Một "bí quyết" cá nhân mà tôi muốn chia sẻ: phải giữ sức khỏe. Mỗi sáng sớm, tôi lên xe đạp đạp đi mấy mươi cây số trong thành phố, rồi về tập gym. Sau đó là một ngày cầm máy bắt đầu.

Sức khỏe cho phép tôi dấn thân vào những dự án có lịch di chuyển liên tục, căng thẳng, đòi hỏi tập trung cao độ như chụp ảnh về Covid-19; đòi hỏi sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ trên những hải trình khốc liệt thật sự như trên tàu bảo vệ Hoàng Sa - Trường Sa; đòi hỏi sự gian khổ, vắt kiệt sức như khi đầm mình suốt mấy tháng ở mỏ than Hà Lầm sâu mấy trăm mét dưới mặt đất...

Có sức khỏe mới chạy theo được đam mê đó.

Nguyễn Á đam mê nhiếp ảnh đến cùng - Ảnh 3.

Đường về - Ảnh: NGUYỄN Á

* Một đặc điểm trong các bộ ảnh của anh là bám rất sát các sự kiện thời sự, ra mắt rất kịp thời trong những sự kiện lớn, việc mà ở các tòa soạn báo phải nhiều phóng viên ảnh mới có thể tập hợp lại tương đối đầy đủ. Anh đã làm thế nào để hoàn thành được như vậy?

- Đó là mong mỏi sự hoàn thiện và nỗ lực thực hiện. Tôi không làm báo chuyên nghiệp, nhưng chất báo chí đã thấm vào tôi từ ngày còn nhỏ. 16-17 tuổi tôi đã đi giao báo Tuổi Trẻ mỗi sáng. Từ đó đến nay, sáng nào tôi cũng đọc báo in như một món ăn không thể thiếu.

Tin - bài - ảnh, tôi đều xem hết. Đề tài chụp ảnh nảy ra trên báo, tìm nhân vật trên báo, thu thập sự kiện trên báo. Sau khi chọn sự kiện, địa điểm, nhân vật cần chụp rồi thì tôi tự tìm cách liên hệ, tự túc di chuyển và đến nơi thì tự giới thiệu, tự làm quen bằng sự chân thành, nối trái tim mình vào nhân vật, đề tài mà chụp.

Và vì mỗi đề tài là một câu chuyện lớn, mỗi nhân vật lại có những câu chuyện rất riêng và rất chung, tôi lại mong muốn người xem ảnh mình được đọc câu chuyện nữa. Thế nên với mỗi bộ ảnh tôi lại tìm một hay nhiều người viết thuyết minh, thường là các nhà báo đã theo dõi mảng đề tài ấy.

Riêng với bộ ảnh về Covid-19, tôi nhận được sự cộng tác rất nhiệt tình từ những người trong cuộc. Các bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân, người F1, F2 đã sẵn lòng viết cho tôi câu chuyện của họ, tâm sự của họ trong những ngày đặc biệt này.

Có được điều đó, có lẽ vì mọi người hiểu được ý nghĩa bộ ảnh tôi thực hiện: tôn vinh cái đẹp trong cuộc sống, và cũng có lẽ việc cùng nhau vượt qua đại dịch này là không thể quên trong đời.

Nguyễn Á đam mê nhiếp ảnh đến cùng - Ảnh 4.

Biển đảo Lý Sơn - Ảnh: NGUYỄN Á

Nguyễn Á đam mê nhiếp ảnh đến cùng - Ảnh 5.

Cuộc đua bắt đầu - Ảnh: NGUYỄN Á

Chụp cái đẹp thì trái tim phải lành

* Có một điều có vẻ "hậu trường" mà rất nhiều người muốn hỏi: Nguyễn Á lấy đâu kinh phí để một mình một con đường và mười mấy triển lãm, sách ảnh như vậy?

- Bạn cũng đã chứng kiến rồi đấy, tôi là người đã đam mê thì không ngại lên tàu ra Trường Sa giữa cao điểm xung đột căng thẳng, không ngại vào bệnh viện, vào khu cách ly giữa đại dịch... Nếu nghĩ đến chi phí ngay từ đầu thì chắc chắn không bao giờ làm rồi.

Tôi thường chỉ nghĩ đến chi phí khi đã... quá muộn, lúc bộ ảnh đã gần hoàn tất, thời điểm cần triển lãm đã đến, bản thảo phải đưa đến nhà in. Chi phí những lúc ấy là rất lớn, và dĩ nhiên vẫn là tiền túi, từ tiền chụp dịch vụ mà tôi vẫn phải làm và từ cả tiền bán nhà nữa vì đã rất nhiều hợp đồng dịch vụ phải từ chối để theo đuổi các bộ ảnh.

Nhưng cứ nỗ lực thì cơ hội sẽ đến, sẽ được bù đắp. Trong 13 bộ ảnh đã thực hiện, có 3 bộ là tôi thực hiện từ hợp đồng đặt hàng, nhưng tôi vẫn thực hiện với tất cả sức lực và trái tim là Khi ta đang còn trẻ, Độc đáo Mường Khương, Mỏ than Hà Lầm hướng tới tương lai.

3 hợp đồng này mang lại cho tôi nguồn thu tạm gọi là đủ để trả khoản tiền in các tập sách. Và bật mí: tôi còn hai hợp đồng nữa đang chờ.

Vậy đó, nói như một câu mà các bạn trẻ đang thịnh hành: đam mê thì bất chấp (cười). Nhưng tôi cứ luôn nghĩ là yên tâm đi, cứ hết mình đi rồi sẽ có cơ hội. Và thế là tôi lại lao vào những cái mới hơn, thử thách hơn.

Nguyễn Á đam mê nhiếp ảnh đến cùng - Ảnh 6.

Nguyễn Á và đồng bào Mường Khương (Lào Cai) trong quá trình chụp bộ ảnh Độc đáo Mường Khương

* Hầu hết những người xem ảnh của anh đều nhận xét rằng những bức ảnh mang đến cho họ nguồn năng lượng tích cực, thấy đời đáng yêu, đáng sống hơn, chưa kể đến giá trị tư liệu. Những người làm báo nhìn vào thấy tâm sức của người chụp, còn bản thân anh nhìn lại thì thấy gì?

- Mỗi lần xem lại ảnh, tôi như gặp lại các nhân vật của mình, như sống lại những khoảnh khắc ấy, cảm xúc ấy và trong tôi lại tràn trề năng lượng.

Tôi học và được động viên rất nhiều từ những nhân vật của mình: sự nỗ lực của những người khuyết tật, sự năng động, sáng tạo từ các bạn trẻ, sự miệt mài với tri thức từ các nhà khoa học, chuẩn bị cho những phút thăng hoa của các nghệ sĩ, quyết tâm bảo vệ cuộc sống, bảo vệ đất nước của những người lính... Chính họ mới là nguồn động lực vô tận của tôi.

Càng đi càng thấy đất nước đẹp quá, cuộc đời đáng sống quá, mỗi khoảnh khắc đều đã được đổi lấy bằng xương máu, mồ hôi, chất xám của nhiều người. Tôi mong những tấm ảnh của mình lưu giữ được những khoảnh khắc ấy, nói lên được điều đó cho người xem, nhất là những ai còn thiếu lòng tin yêu cuộc đời.

Nguyễn Á đam mê nhiếp ảnh đến cùng - Ảnh 7.

Nguyễn Á tổ chức triển lãm ảnh ở Mường Khương (Lào Cai) và mời bà con từng là nhân vật trong các tấm ảnh đến dự triển lãm

* Có cảm giác như quá trình làm nghề nhiếp ảnh và những bộ ảnh đã thay đổi bản thân anh?

- Càng đi nhiều, gặp nhiều, càng hiểu đời, hiểu người nhiều hơn, và càng chụp, tôi càng thấy mình lành hơn.

Vì rằng mình dùng ống kính để chụp cái đẹp, kể những câu chuyện đẹp thì trái tim mình phải lành, không dám làm điều gì xấu, chuyện gì bậy. Trái tim mà không ấm, không lành thì tấm ảnh chụp ra cũng sẽ không lành, không đẹp được.

Khoảnh khắc là sức mạnh

Xây dựng được lòng tin với các nhân vật, các đơn vị tác nghiệp, thông qua những người thật - việc thật giàu sức sống, hành trình của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Á góp phần khẳng định một chân lý: sức mạnh tuyệt đối của nhiếp ảnh vẫn luôn ở "khoảnh khắc bấm máy không thể tái hiện", đồng thời tài nguyên phong phú nhất để ống kính máy ảnh suốt đời đi theo khai thác vẫn chính là đồng hành với hiện thực cuộc sống của nhân dân.

Lê Xuân Thăng (phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam)

Lời khuyên với bạn trẻ mê nhiếp ảnh

* Có rất nhiều bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh, anh có lời khuyên nào với họ?

- Ngoài những điều vừa nói, có thể thêm một kinh nghiệm riêng: một tấm ảnh thành công không phụ thuộc vào phương tiện hay kỹ năng, dù kỹ năng là phải thành thạo và phương tiện thì phải có. Một tấm ảnh đẹp là truyền được cảm xúc đến cho người xem, cảm xúc ấy trước tiên phải nằm ở trong trái tim người chụp.

Giữ cho mình trái tim thật ấm, chuẩn bị một mục đích lành để đến với tấm ảnh, bạn sẽ nhận được sự đồng cảm của nhân vật, sẽ khiến người ta chấp nhận mình, ống kính của mình để mà tiếp tục cuộc sống của họ, công việc của họ. Khi ấy bạn cần kiên nhẫn, thật kiên nhẫn để chờ đợi khoảnh khắc đẹp nhất diễn ra, và bấm máy. Tấm ảnh khi ấy sẽ thật và sẽ đẹp.

Hành trình COVID-19 qua ống kính Nguyễn Á Hành trình COVID-19 qua ống kính Nguyễn Á

TTO - Một hành trình vượt qua đại dịch COVID-19 của cả nước cùng cả thế giới suốt gần một năm qua hẳn nhiên là sẽ rất đáng nhớ, đáng ghi nhận lại. Tất cả được Nguyễn Á ghi lại...

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên