09/01/2016 10:18 GMT+7

Người xem hài dễ chấp nhận những thứ nhí nhố?

C.K. ghi
C.K. ghi

TT - Cuộc sống càng nhiều nỗi lo toan, nhiều khó khăn, bế tắc thì người ta càng muốn đến với hài, với game show để giải tỏa, để quên...

.

Sau bài “Hài “ngập lụt” màn ảnh nhỏ” (Tuổi Trẻ ngày 8-1), dưới góc nhìn của một chuyên gia truyền thông, ông Lê Quốc Vinh - chủ tịch Le Group - chia sẻ quan điểm của mình về hiện trạng này.

Thật ra, hài và các chương trình truyền hình dí dỏm, nhẹ nhàng, vui vui là xu hướng phổ biến trên khắp thế giới. Truyền hình là một phương tiện giải trí và người xem nói chung kỳ vọng nhận được một cảm xúc nhẹ nhàng, vui vẻ, dễ chịu khi xem.

Gần 30 chương trình hài đang chiếm lĩnh sóng truyền hình với danh hài xuất hiện dầy đặc như Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang, Chí Tài…

Xem các chương trình truyền hình ở phương Tây, đặc biệt là ở Anh, Mỹ, ta sẽ thấy văn hóa hài hước được đan xen vào hầu hết các chương trình, kể cả những chương trình talkshow chính luận, nghiêm túc, các bộ phim truyền hình hay phim điện ảnh đưa lên truyền hình.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là cái dí dỏm, hài hước được coi như là nét văn hóa và được đưa vào tự nhiên trong cuộc sống thường ngày. Sự dí dỏm, hái hước được coi như là minh chứng cho sự thông minh của người nói, và trên hết tạo thiện cảm đối với người xem truyền hình hơn là câu tiếng cười như trong các chương trình chuyên hài.

Hầu hết các bộ phim truyền hình đều có tính hài hước, nhưng sự hài hước được đặt trong bối cảnh hội thoại, tình tiết câu chuyện và phù hợp với tính cách nhân vật. Họ cũng có những chương trình tấu hài nhưng không nhiều, không chiếm tỉ lệ dễ nhận thấy như ở Việt Nam.

Và nói thật, hài dễ làm hơn bi, vì dễ thu hút khán giả hơn. Cuộc sống càng nhiều nỗi lo toan, nhiều khó khăn, bế tắc thì người ta càng muốn đến với hài, với game show để giải tỏa, để quên.

Chương trình Cười xuyên Việt

Khi các chương trình hài và giải trí thuần túy nổi trội hơn những chương trình chính luận là lúc mà xã hội gia tăng các mối quan ngại khác. Ngược lại, những người có cuộc sống đơn giản, dễ chịu, sung túc lại hay tìm đến những sản phẩm giải trí đẫm nước mắt.

Hài có giá trị giải tỏa stress, xoa dịu bức xúc và trăn trở. Ngay cả những câu chuyện hài lấy các vấn đề xã hội để phê phán, như kiểu Gặp nhau cuối năm của VTV, thực chất là tạo ra một chất an thần, gây hưng phấn cho người xem, để rồi thỏa mãn và yên tâm (!).

Thế nên, khi màn ảnh tràn ngập hài cũng không phải là điều hay, nó làm cho người ta sao nhãng với những chuyện quan trọng hơn của cuộc sống. Bằng chứng là mạng xã hội tràn ngập các thảo luận, chia sẻ về chuyện hài, chuyện game show, chương trình truyền hình thực tế...

Tôi cho rằng đây là vấn đề nên quan ngại, bởi người ta đang chán phải đau đầu suy nghĩ, mà dễ chấp nhận những thứ nhí nhố hơn. Người ta không đến với hài để nâng cao dân trí và trải nghiệm xã hội, mà chỉ đơn giản để không phải làm gì cả.

Nếu nói rằng đây là biểu hiện của mặt bằng xã hội suy thoái thì có thể nhiều người giãy nảy lên đấy, nhưng ít nhất cũng có thể dùng từ “tầm thường hóa” được.

Chương trình hài đang "phủ sóng" các đài truyền hình.

Chỉ đáp ứng thị hiếu giản đơn

Các công ty sản xuất đương nhiên sẽ tìm đến các sản phẩm có thể giúp họ tối đa hóa doanh thu, phù hợp với thị hiếu ngày càng giản đơn của khán giả, đánh đúng nhu cầu quảng bá của các thương hiệu tài trợ.

Vậy là nhiều người được lợi, còn món ăn tinh thần của một bộ phận khán giả vẫn kỳ vọng mong muốn các chương trình nghiêm ngắn, có giá trị cao về kiến thức và trách nhiệm xã hội thì ít dần đi.

Nhu cầu trước mắt được đáp ứng, nhưng nhu cầu lâu dài và bền vững của xã hội sẽ tổn thương.

*Bạn có ý kiến gì về các chương trình hài đang "chiếm lĩnh" màn ảnh truyền hình, xin viết ở phần Bình luận bên dưới.

C.K. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên