18/09/2015 08:05 GMT+7

​Tính giá điện theo cách mới, dùng ít buồn, dùng nhiều vui

QUANG KHẢI thực hiện
QUANG KHẢI thực hiện

TT - Phóng viên Tuổi Trẻ đã gặp nhiều người dân để cùng tính toán mức chi tiền điện theo các phương án mới và lắng nghe tâm tư của họ.

Số tiền điện tháng 6-2015 của gia đình chị Nguyễn Thị Khánh Trang (địa chỉ 161/1/6A đường Bình Đông, P.14, Q.8, TP.HCM) là 291.669 đồng (luôn thuế 10%), nếu áp dụng giá điện sinh hoạt đồng giá 1.747 đồng/kWh thì gia đình chị phải trả thêm khoảng 23.000 đồng - Ảnh: Quang Định
Số tiền điện tháng 6-2015 của gia đình chị Nguyễn Thị Khánh Trang (địa chỉ 161/1/6A đường Bình Đông, P.14, Q.8, TP.HCM) là 291.669 đồng (luôn thuế 10%), nếu áp dụng giá điện sinh hoạt đồng giá 1.747 đồng/kWh thì gia đình chị phải trả thêm khoảng 23.000 đồng - Ảnh: Quang Định

* Bà Đặng Thị Hà (thuê nhà tại hẻm 1274 đường Lê Đức Thọ, P.13, Q.Gò Vấp, TP.HCM) nói ngay: “Là dân lao động, không rành về cách tính toán của ngành điện, chúng tôi chỉ mong sao giá điện đừng tăng nữa là được”. Khi ngồi cùng tính toán với chúng tôi về các phương án, bà Hà kết luận:

Với lượng điện sử dụng bình quân của gia đình bà gần 200 kWh/tháng, nếu áp dụng một giá điện như đề xuất của EVN thì số tiền phải trả thêm gần 20.000 đồng.

Trường hợp áp dụng theo kịch bản 2 của phương án 3 thì số tiền điện gia đình bà Hà cũng tăng 11.300 đồng so với biểu giá hiện hành.

Theo bà Hà, điều này là nghịch lý so với cách áp dụng giá điện từ trước tới nay là xài nhiều phải trả tiền nhiều, đằng này xài điện nhiều lại trả tiền ít hơn so với cách tính giá hiện tại.

“Như vậy phương án giá điện mới không xem xét tới yếu tố người khó khăn, thuê trọ và chưa thật sự khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Nếu áp dụng phương án mới, chỉ riêng nhà tôi đã phải trả thêm ngần ấy tiền, vậy hàng triệu người lao động khác như thế nào, trong khi giá cả bây giờ đều đắt đỏ” - bà Hà chia sẻ.

Bà Hà hiện đã ngoài 70 tuổi, chỉ ở nhà giữ cháu. Con gái và con rể của bà làm công nhân thu nhập ba cọc ba đồng.

“Mỗi tháng chỉ riêng tiền nhà trọ đã tầm 3 triệu đồng, rồi tiền học hành của mấy đứa nhỏ, chưa kể các chi tiêu khác trong gia đình. Cuộc sống còn khó khăn nên các chi phí hằng tháng giảm được đồng nào hay đồng đó” - bà Hà tâm sự.

* Ông Nguyễn Thành Nhân (ở địa chỉ 663 Nguyễn Bình, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho biết do nhà ông đông người, dùng nhiều thiết bị điện nên trung bình mỗi tháng sử dụng khoảng 1.400 kWh, trả hơn 3,4 triệu đồng. Nhẩm tính theo phương án điện một giá, ông Nhân cho biết tiền điện còn khoảng 2,4 triệu đồng (giảm gần 1 triệu đồng).

“Với mức giảm trên chắc ai cũng thấy vui chứ không riêng gì tôi vì trước nay hễ xài càng nhiều càng bị phạt nặng. Tuy nhiên, với phương án này tôi lại cảm thấy hơi khó với những hộ khó khăn, thu nhập thấp.

Đồng ý với phương án điện một giá nhưng tôi nghĩ Nhà nước cần tính toán có cơ chế nào khác hỗ trợ người khó khăn vì vấn đề an sinh xã hội”.

* Ông Lê Minh Châu (một người dân ở P.13, Q.Gò Vấp, TP.HCM) tính toán với mức tiêu thụ trung bình hằng tháng là 250 kWh, với biểu giá hiện tại, gia đình ông phải trả hơn 441.000 đồng (50 kWh x 1.484 đồng + 50 kWh x 1.533 đồng + 100 kWh x 1.786 đồng + 50 kWh x 2.242 đồng, chưa tính thuế VAT).

Nếu phương án giá điện chỉ còn một giá như đề xuất là 1.747 đồng/kWh (1.747 x 250 kWh) thì số tiền gia đình ông Châu phải trả là 436.750 đồng, giảm 4.800 đồng so với biểu giá hiện hành.

Trường hợp tiếp tục áp dụng theo kịch bản 2 trong phương án 3, giá điện chỉ còn 3 bậc thang, tiền điện ông Châu phải trả là 468.650 đồng (100 kWh x 1.501 đồng + 100 kWh x 1.907 đồng + 50 kWh x 2.557 đồng), tăng thêm hơn 27.000 đồng so với biểu giá hiện hành.

Ở góc độ một hộ dân sinh hoạt, ông Châu tán đồng việc giá điện chi trả hằng tháng giảm, tức sẽ chọn phương án đồng giá.

QUANG KHẢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên