10/08/2020 10:41 GMT+7

Người đàn ông và những tham vọng cho người nghèo

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Câu chuyện được chia sẻ ngay tại công trường ngổn ngang - nơi Tony Hữu đang xây một quán cà phê gần ngã ba Nguyễn Thị Chạy - ĐT 743A, khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Người đàn ông và những tham vọng cho người nghèo - Ảnh 1.

Anh Tony Hữu (bìa phải) trao đổi việc xây dựng quán cà phê, lấy lợi nhuận làm thiện nguyện - Ảnh: MY LĂNG

Bạn bè tới giờ vẫn nói tôi làm việc tào lao. Nhưng tôi đã va vấp nhiều, hiểu được cái nào mình cần làm, nên làm. Thiện nguyện đã trở thành đam mê của tôi. Tôi nghĩ rằng gieo một quả tốt thì sẽ nhận được quả ngọt.

Anh TONY HỮU

Bên cạnh là cửa hàng Bách Hóa Sạch sắp được khai trương. Tony Hữu cho hay vợ chồng anh mở cửa hàng Bách Hóa Sạch này ngoài việc bán nông sản sạch cho bà con còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho những phụ nữ bị bạo hành gia đình. 

Lợi nhuận từ quán cà phê và cửa hàng Bách Hóa Sạch này ngoài phần đảm bảo cuộc sống cho gia đình, anh sẽ dành hết cho việc thiện nguyện.

Đỡ đầu cho 33 sinh viên y khoa

Anh cho biết sắp tới sẽ tặng một xe cứu thương cho nhóm thiện nguyện ở Kiên Giang (trị giá 820 triệu đồng). Hiện Tony Hữu đang lo chi phí ăn học, tiền thuê nhà... cho 33 sinh viên y khoa từ năm 1 đến năm 5 ở Cần Thơ và TP.HCM (trong đó có hai anh em ruột). 

Nói về lý do nhận nuôi ăn học 33 bạn sinh viên này, Tony Hữu giải thích: "Ba mẹ tụi nhỏ làm ăn bể nợ, không thể lo cho các em tiếp tục ăn học. Giờ mình không giúp thì uổng cả tương lai tụi nhỏ, tương lai cho người nghèo".

Một mình không thể cáng đáng hết được, anh cầu cứu bạn bè bên Mỹ giúp. Tony Hữu thiệt tình bảo: "Giờ tới ngày chuyển tiền cho tụi nhỏ mà tôi đang kẹt, chưa chuyển được. Nói ra không ai tin, cũng có lúc mình kẹt, phải vay thẻ tín dụng gửi tiền cho tụi nhỏ rồi xoay xở tiếp".

Rồi anh hào hứng nhẩm tính, năm tới sẽ có sáu bác sĩ ra trường. Bạn nào có năng lực và thích đi du học, anh sẽ đưa đi để sau này về làm việc trong bệnh viện dành cho người nghèo mà anh mở. Anh nói mình có nhiều tham vọng cho người nghèo. 

Tony Hữu cho biết làm xong quán cà phê này anh sẽ mở phòng khám Đông y ở Dĩ An, còn phòng khám Tây y làm ở quận Thủ Đức (TP.HCM). Anh hào hứng nói về chuyện đang đặt một công ty sản xuất thuốc để lấy giá gốc cho bệnh nhân nghèo. Rồi chuyện làm sao nông dân xuất khẩu nông sản ra nhiều nước, không phụ thuộc Trung Quốc nữa.

Tony Hữu khẳng định việc mở cửa hàng bách hóa, bệnh viện, chỗ ở cho người nghèo... chỉ mới giải quyết phần ngọn. 

"Người nghèo phải thoát được cái nghèo thì mới giải quyết được cái gốc. Muốn vậy, mình phải chỉ họ cách sản xuất, kinh doanh; con cái họ phải được học hành. Nếu mình không giúp họ thoát nghèo thì thế hệ con cái họ vẫn nghèo, mình lại tiếp tục vất vả" - Tony Hữu nói.

Cho người nghèo tá túc miễn phí

Tony Hữu tên thật là Lưu Văn Hữu, một người đàn ông 44 tuổi, lưu lạc nhiều năm ở nước ngoài, lăn lộn mưu sinh bằng đủ thứ nghề và hiện tại đang sở hữu một số cửa hàng nail, spa ở một số nước. Anh cùng gia đình về Việt Nam từ tháng 9-2017.

Tháng 3-2019, sau lần vào bệnh viện thăm người bạn bị ung thư, thấy bệnh nhân và người nhà nằm la liệt ở hành lang, cầu thang, Tony Hữu bàn với vợ: mời người bệnh về ở. 

Vợ anh đồng ý. Căn biệt thự của gia đình anh từ đó trở thành "nhà trọ" miễn phí cho bệnh nhân và người nhà ở tỉnh xa lên Sài Gòn. Có lúc đông bệnh nhân quá, cả trăm người một ngày, vợ chồng anh để họ ngủ cùng phòng với mình.

Nghe bệnh nhân kể nhiều người khó khăn đến nỗi chết không có xe đưa xác về, không có quan tài, người đàn ông có vẻ ngoài khá gai góc cứ ước sẽ có chiếc xe chở bệnh nhân nghèo, người bị tai nạn, người chết về quê miễn phí, hoặc đón bệnh nhân nghèo từ quê lên TP.HCM khám bệnh.

Khi anh đưa ý nguyện đó lên Facebook, một gia đình ở Đồng Nai tặng chiếc xe cứu thương cũ. Mỗi tháng Tony Hữu bỏ ra hơn 100 triệu đồng lo xăng xe, thuê tài xế, chi phí bảo trì bảo dưỡng và mua áo quan cho những trường hợp nghèo khó. 

Chuyến đi xa nhất là Hà Tĩnh, Thanh Hóa, thậm chí chở cả người Campuchia sang Việt Nam chữa bệnh nhưng nghèo quá không có tiền về; gần nhất là ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau, Sóc Trăng... Lúc nào không có tài xế, Tony Hữu chạy luôn, kể cả 2-3h sáng.

Học người nghèo cách sống

Tony Hữu cho biết anh học được cách quan tâm, chia sẻ và thương người từ ba mẹ. 

"Nhà tôi trước ở Ayun Pa (Gia Lai). Cha mẹ làm nông, không giàu có gì nhưng kể cả khi trong nhà còn một lon gạo vẫn sẵn sàng chia cho người khác một nửa. Đi chợ về thấy hàng xóm hay người dân tộc tới xin, mẹ tôi liền vui vẻ giúp đỡ họ. Ba mẹ chỉ làm, không nói con cái phải làm thế này thế kia. Chúng tôi thấy những việc ba mẹ làm, thành một điều rất tự nhiên, mong muốn làm theo" - Tony Hữu chia sẻ.

Anh bảo, tiếp xúc với người nghèo, anh học được cách sống, đức tính rất hay của họ. "Nhiều người nghèo mà không tham - Tony Hữu nói - Họ sẵn sàng san sẻ cho người khác. Tôi cho họ 2 triệu tiền xe, tiền ăn uống về nhà nhưng thấy người vô sau khổ quá, họ nhín ra cho 1 triệu. Có người tôi quyên góp được 70 triệu, nhưng con họ chết, họ chỉ lấy đúng tiền trả viện phí, còn lại 50 triệu nhờ tôi trao cho người khác cần hơn".

Tony Hữu khẳng định vợ chồng anh không có ý định để lại tài sản cho các con. "Tôi làm ăn thất bại nhiều lần, ba mẹ không cứu, để các con tự bơi, tự sinh tồn. Giờ vợ chồng tôi nuôi con cũng vậy, chỉ lo cho tụi nhỏ ăn học, ra trường phải tự bươn chải. Của cải mình vất vả mới kiếm được nhưng chết rồi không còn ý nghĩa gì nữa. Tuy nhiên nếu mình giúp người khó khăn thì số tiền đó ý nghĩa vô vàn" - Tony Hữu chia sẻ.

Chị Mai Phương, tình nguyện viên CLB Cuộc chiến ung thư, nói: "Tôi làm việc với anh Tony Hữu từ năm 2018. Làm được cái gì cho xã hội, cộng đồng, ảnh đều làm hết. Ảnh rất gần gũi và thân thiện, giúp bệnh nhân ung thư, người nghèo với sự nhiệt tình, thật lòng".

Còn chị Thu Trang, nhóm thiện nguyện Nhân Ái (tỉnh Đắk Lắk), chia sẻ: "Chúng tôi đã có hai trường hợp được anh Tony giúp dù chỉ liên lạc qua Facebook. Một bé bị u vòm miệng, một bé bị liệt tủy. Ảnh giúp tiền sữa, kinh phí chữa trị, chi phí đi lại. Mỗi lần bé và người nhà tới Sài Gòn, ảnh đón từ bến xe Miền Đông về nhà ảnh ở miễn phí suốt thời gian chữa bệnh".

Anh Tony Hữu nói: "Cứu được một người thoát cơn hiểm nghèo, vui lắm. Mình đi ra đường cũng thấy bình yên. Tối ngủ ngon, ăn rau luộc cũng ngon, thấy thoải mái, vui vẻ. Càng cho đi càng nhận được rất nhiều. Đó là giá trị rất lớn mà tôi nhận được".

'Mái ấm yêu thương' đến với người nghèo Bình Thuận

Tháng 6-2020, Chương trình “Mái ấm yêu thương” do Đài PT-TH Bình Thuận phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận cùng Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân (Tổng Công ty Phát điện 3) kỷ niệm 1 năm hoạt động.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên