29/03/2020 09:26 GMT+7

Ngừng việc, mất việc do COVID-19: Cách nào đỡ thiệt thòi?

T.AN - T.LONG - V.THỦY ghi
T.AN - T.LONG - V.THỦY ghi

TTO - Mất việc, ngừng việc do COVID-19, làm cách nào đỡ thiệt thòi? Rác thải từ các khu cách ly đang được xử lý ra sao để ngừa nguy cơ lây nhiễm? Cơ quan nào có thẩm quyền phạt người không đeo khẩu trang?

Ngừng việc, mất việc do COVID-19: Cách nào đỡ thiệt thòi? - Ảnh 1.

Xe gom rác thải ở khu cách ly ký túc xá ĐHQG TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

* Chúng tôi đang làm việc ở một khách sạn 5 sao tại Q.3, TP.HCM. Ngày 28-3, phòng nhân sự gọi nhân viên lên và đưa ra 3 chọn lựa: nghỉ không lương, công ty sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nhân viên tự nộp đơn nghỉ việc. Tôi xin hỏi: nhân viên có quyền không nộp đơn nghỉ việc không (chúng tôi chỉ tạm nghỉ qua mùa dịch)? Nếu nộp đơn nghỉ không lương mà công ty cho nghỉ luôn có đúng luật không? Nếu công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ, theo luật, chúng tôi sẽ được hỗ trợ gì? (tuyennguyen200021@...)

- Luật sư Trần Quốc Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM):

Theo quy định hiện hành, nếu người lao động (NLĐ) tạm nghỉ, chờ qua dịch đi làm lại sẽ thuộc trường hợp tạm nghỉ việc và hưởng mức lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Đôi bên cũng có thể thỏa thuận áp dụng trường hợp "tạm hoãn thực hiện HĐLĐ". Khi hết thời gian tạm hoãn, hai bên tiếp tục thực hiện các nội dung trong hợp đồng đã ký. Thỏa thuận này được thực hiện bằng văn bản sẽ giúp NLĐ yên tâm hơn về công việc của mình sau khi hết dịch.

Dịch bệnh COVID-19 là một yếu tố khách quan ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. Pháp luật có quy định cho phép doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Nhưng người sử dụng lao động phải báo trước cho NLĐ ít nhất 45 ngày với HĐLĐ không xác định thời hạn, 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn và ít nhất 3 ngày đối với HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. 

Trường hợp doanh nghiệp muốn cho NLĐ nghỉ việc ngay lập tức (tại thời điểm thông báo) thì có thể phải thanh toán một khoản tiền lương tương ứng với thời gian báo trước. Nếu NLĐ tự nguyện làm đơn xin nghỉ việc (NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ) thì doanh nghiệp không phải thanh toán khoản này. Trong trường hợp này NLĐ có thể bị thiệt thòi.

Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, NLĐ có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm. Mức hưởng trợ cấp tương đương 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm của 6 tháng liền kề, thời gian hưởng sẽ từ 3-12 tháng tương ứng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 3 - 12 năm.

* Rác thải hằng ngày từ các khu cách ly đang được thu gom và xử lý như thế nào để bảo đảm an toàn phòng dịch? (Trần Ngọc Thanh, TP.HCM)

- Ông Nguyễn Thanh Sơn (phó giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, nơi chịu trách nhiệm thu gom, xử lý rác thải các khu vực này):

TP.HCM hiện có hơn 45 điểm cách ly (gồm cả các bệnh viện dã chiến). Rác thải tại các điểm gồm 2 loại bao gồm: rác thải y tế (như khẩu trang, quần áo phòng hộ, găng tay…) và rác thải sinh hoạt thải ra từ nguồn của những người tham gia cách ly như hộp cơm, thức ăn thừa… Để phòng lây nhiễm từ rác thải, chúng tôi thống nhất với ngành y tế tất cả các loại rác tại đây đều cho vào thùng chuyên dụng dung tích 240 lít xử lý như rác y tế.

Về quy trình thu gom, nhân viên, điều dưỡng, lực lượng dân phòng, thanh niên xung phong… sẽ chuyển rác từ các phòng cách ly xuống thùng rác chuyên dụng. Các thùng rác sẽ được niêm phong cẩn thận. Nhân viên thu gom sẽ đến gom thùng rác theo quy trình an toàn chở đi đốt. Những người chuyển và thu gom rác đều đã được tập huấn phòng chống dịch và trang bị đầy đủ trang phục phòng hộ.

Công ty có 7 xe chuyên dùng thu gom rác thải tại các điểm cách ly. Có những xe chạy đi gần 100km chỉ để gom rác thải ngay trong ngày. Rác được đưa về 2 địa điểm ở Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) và Đông Thạnh (H.Hóc Môn) và sẽ ưu tiên đốt ngay, không cho phép dừng lại tại nơi chờ để bảo đảm an toàn và nhằm "giải phóng" ngay xe chở rác để tiếp tục quay vòng đi gom rác.

* Cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng? (Thanh Tâm, Q.3, TP.HCM)

- Bà Phạm Thị Thúy Hằng (chánh văn phòng UBND quận 3):

Từ ngày 27-3, các phường đã bố trí lực lượng tuần tra trên các tuyến đường để nhắc nhở, lập biên bản xử phạt những người ra đường không đeo khẩu trang. Theo Luật xử lý vi phạm hành chính, mức phạt 100.000 - 300.000 đồng thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND phường. Do vậy trong các tổ tuần tra phải có thành viên của phường. Ban đầu các phường xã chủ yếu nhắc nhở nhưng sắp tới sẽ xử lý nghiêm.

Người không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt 100.000 - 300.000 đồng theo điểm A, khoản 1, điều 11 nghị định số 176/2013 quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực y tế.

Tạm ngưng tư vấn pháp luật từ ngày 29-3

Do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và chủ trương tránh tụ tập đông người của Chính phủ, báo Tuổi Trẻ xin thông báo đến quý bạn đọc: tạm ngưng tư vấn pháp luật miễn phí tại tòa soạn từ 29-3 cho đến khi có chỉ đạo mới về phòng chống dịch.

Xin chân thành cảm ơn và Tuổi Trẻ mong sớm gặp lại quý bạn đọc trong những buổi tư vấn pháp luật miễn phí thời gian tới.

Ban Công tác Bạn đọc

Có hỗ trợ gì cho người mất việc do dịch bệnh? Có hỗ trợ gì cho người mất việc do dịch bệnh?

TTO - Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do dịch bệnh là quyền của người sử dụng lao động, nhưng phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật để tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

T.AN - T.LONG - V.THỦY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên