11/01/2012 02:50 GMT+7

"Người thương có nghĩa" Thierry Henry

GIÁNG UYÊN (London)
GIÁNG UYÊN (London)

TT - Sự kiện tiền đạo người Pháp Thierry Henry trở lại CLB cũ Arsenal hai tháng theo hợp đồng mượn từ New York Red Bulls và ghi bàn duy nhất giúp “pháo thủ” thắng Leeds 1-0 ở vòng 3 Cúp FA rạng sáng 10-1 (giờ VN) là minh chứng cho câu: “Đường dài ngựa chạy biệt tăm. Người thương có nghĩa trăm năm cũng về”.

TT - Sự kiện tiền đạo người Pháp Thierry Henry trở lại CLB cũ Arsenal hai tháng theo hợp đồng mượn từ New York Red Bulls và ghi bàn duy nhất giúp “pháo thủ” thắng Leeds 1-0 ở vòng 3 Cúp FA rạng sáng 10-1 (giờ VN) là minh chứng cho câu: “Đường dài ngựa chạy biệt tăm. Người thương có nghĩa trăm năm cũng về”.

Câu ca dao Việt Nam trên mang ý: đường dài ngựa chạy mất tăm mất dạng, còn người đã thương và có tình nghĩa thì đường xa hay thời gian cách trở mấy cũng tìm về. “Trăm năm” còn về được, nói chi Henry chỉ mới rời Arsenal gần năm năm. Và dù có được những thành công nhất định với Barcelona và New York Red Bulls sau khi rời London, nhưng có thể nói thời hoàng kim của tiền đạo người Pháp gắn liền với tên tuổi Arsenal giai đoạn 1999-2007, đó cũng là những năm vàng son của anh cho tuyển Pháp.

Thật ra sở trường trước đó của Henry không phải vị trí tiền đạo. Khi HLV Arsene Wenger mua anh từ Juventus năm 1999, Henry chơi tiền vệ cánh cho cả Juventus và tuyển Pháp nhưng không ấn tượng cho lắm. Chính ông Wenger đã luyện Henry thành tiền đạo, không chỉ là tiền đạo giỏi bình thường mà đạt đẳng cấp quốc tế đúng nghĩa. Chỉ ngay mùa bóng đầu tiên, anh đã trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho Arsenal. Mùa sau đó (2001-2002) anh trở thành vua phá lưới và là một trong những nhân tố quyết định cho cú đúp vô địch Giải ngoại hạng và Cúp FA của Arsenal.

Đội bóng nào cũng có chuyển giao thế hệ, có cầu thủ ra đi không phải vì nghỉ hưu mà vì gia nhập đội bóng khác. Nhưng ra đi cũng có nhiều kiểu. Chúng tôi đã đứng dậy trên sân vỗ tay cùng với gần 60.000 khán giả Arsenal mừng tiền vệ người Pháp Robert Pires khi anh đến sân Emirates dưới màu áo Villarreal đấu trận lượt về tứ kết Champions League tháng 4-2009. Hoặc reo hò tên Henry trong trận giao hữu giữa Red Bulls với Arsenal mùa hè 2011, như thể hai cầu thủ này vẫn là người nhà. Nhưng tôi cũng chứng kiến cổ động viên Arsenal la lối mỗi khi cựu cầu thủ đội Arsenal Ashley Cole có bóng trong màu áo Chelsea, hoặc la ó Samir Nasri không ra gì khi anh cùng Manchester City đến Emirates thi đấu.

Tôi không ủng hộ những lời nói quá khích của khán giả trên sân nhưng cũng hiểu phần nào lý do cổ động viên yêu mến hay ghét bỏ cựu cầu thủ. Pires và Henry ra đi vì hết hợp đồng và đến thời điểm chín muồi để ra đi, còn Cole và Nasri “rũ áo” vì chê lương ít.

Trở lại với Thierry Henry, anh là người ghi nhiều bàn nhất cho Arsenal mọi thời đại với tổng cộng 226 bàn (227 bàn sau trận gặp Leeds), hơn người thứ nhì Ian Wright đến 41 bàn. Vì vậy sự trở lại của anh dù ngắn ngủi cũng tiếp thêm sức mạnh đáng kể. Khi Henry khởi động chuẩn bị vào sân thay người, bình luận viên kênh truyền hình ESPN nói: “Lần trở lại này Henry... nhiều râu hơn, tốc độ ắt hẳn không nhanh bằng nhưng vầng hào quang vẫn còn đó.”

Quả vậy, Arsenal bế tắc suốt hơn một giờ trước hàng phòng ngự chặt chẽ của đàn em Leeds nhưng Henry vừa vào sân mười phút, nhận đường chuyền của Alex Song đã ghi bàn, làm mái vòm sân Emirates muốn vỡ tung vì tiếng reo hò nhiều phút liền của khán giả. HLV Wenger ngay sau đó đã phát biểu trên trang Arsenal.com: “Bàn thắng của Henry như một giấc mơ”.

Không chỉ CĐV Arsenal mà hàng trăm triệu người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới hẳn sẽ chờ đợi sự kết hợp của “người thương có nghĩa” Henry với đàn em cũ Van Persie trên hàng công. Sẽ thật là điều kỳ diệu nếu cặp tiền đạo này trở thành “cặp đôi hoàn hảo” trong hai tháng Henry gắn bó với Arsenal.

GIÁNG UYÊN (London)

GIÁNG UYÊN (London)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên