24/11/2011 04:50 GMT+7

"Ngũ hổ tướng" làm bớt vui!

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - 96 HCV là con số ấn tượng mà đoàn thể thao VN đã tạo nên tại đấu trường SEA Games 26. Tuy nhiên, liệu có thể hoàn toàn thỏa mãn với con số ấy?

TT - 96 HCV là con số ấn tượng mà đoàn thể thao VN đã tạo nên tại đấu trường SEA Games 26. Tuy nhiên, liệu có thể hoàn toàn thỏa mãn với con số ấy?

Hỏi như thế có nghĩa là đã trả lời, đó là chưa! Chưa thỏa mãn bởi những môn thể thao hấp dẫn, được người hâm mộ yêu thích đều thất bại.

Thành tích không cao

Đứng đầu bảng vàng của thể thao VN là môn thể dục dụng cụ khi làm nên chuyện bất ngờ: đoạt 11 trong tổng số 14 HCV của môn này tại SEA Games 26. So với lần cao nhất trước đó (năm 2005, 2007 cùng có 5 HCV), kỳ này nhiều hơn gấp đôi.

Quốc Toàn tập huấn ở Bulgaria

Sáng 23-11, nhà vô địch cử tạ hạng cân 56kg tại SEA Games 26 - lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn đã về đến sân bay Đà Nẵng. Với hạng tư tại Giải vô địch thế giới 2011 tổ chức ở Pháp tháng 11 vừa qua, Toàn đã giành suất tham dự Olympic London 2012. Ông Đặng Đông Hải, Trung tâm Huấn luyện và đào tạo VĐV Đà Nẵng, cho biết sau tết Quốc Toàn sẽ đi tập huấn dài hạn ở Bulgaria nhằm chuẩn bị Olympic London 2012.

ĐOÀN CƯỜNG

Ngôi sao bơi lội Nguyễn Hữu Việt vừa “lặn”, chúng ta có ngay Hoàng Quý Phước thay thế bằng 2 HCV, trong đó có một kỷ lục SEA Games, đồng thời đạt chuẩn B dự Olympic.

Ở môn điền kinh, buồn vì Vũ Thị Hương sa sút do chấn thương làm “mất” 2 HCV, rồi Nguyễn Đình Cương cũng không bảo vệ được HCV 1.500m, nhưng đã có ngay Việt Anh (nhảy cao nữ), Huệ Hoa (nhảy ba bước)... thay thế, giúp môn nữ hoàng lần đầu tiên đoạt 9 HCV tại một kỳ SEA Games.

Ngoài ba điểm son lớn nêu trên, các môn võ, bắn súng, cờ vua tiếp tục thành công, giúp đoàn thể thao VN thành công về số lượng HCV.

Tuy nhiên, chúng tôi tán thành với quan điểm của ông Nguyễn Hồng Minh - người từng nhiều lần làm trưởng đoàn thể thao VN - rằng thời bây giờ không chỉ tính số lượng, mà chất lượng của HCV cũng là điều quan trọng. Cụ thể, HCV SEA Games đoạt thật nhiều, nhưng khi dự Asiad phải xếp dưới năm quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như hồi ở Quảng Châu 2010 thì cũng chẳng ý nghĩa gì. Xét trên tiêu chí chất lượng, SEA Games 26 chưa thật ngon lành, khi chỉ có mỗi thành tích của Hoàng Quý Phước là thật sự giá trị. Còn lại tất cả đều chưa vượt qua chính mình!

Tới đây lại thêm một câu hỏi: Chưa vượt qua chính mình sao chuyến này lại có quá nhiều HCV? Chúng ta phải thấy rằng khủng hoảng kinh tế đã khiến thể thao nhiều nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore bị ảnh hưởng. Với họ, nguồn kinh phí chính để đầu tư cho thể thao là từ các mạnh thường quân. Vì vậy, nếu trước kia VĐV bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ của những nước vừa nêu thường được đi Mỹ, Úc tập luyện thì nay gần như không còn. Trong khi đó, thể thao VN sống bằng ngân sách. Tuy không thật lớn nhưng ổn định, giúp các VĐV ăn dầm nằm dề tại Trung Quốc.

Thất vọng về “ngũ hổ tướng”

Nói gì thì nói, thể thao phải là những môn kéo được khán giả đến sân, kéo được người hâm mộ dán mắt vào truyền hình theo dõi. Với người yêu thể thao ở VN, có năm môn được ví von là “ngũ hổ tướng” trong thể thao. Đó là bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông, bóng bàn. Chúng ta hãy điểm xem năm môn này đã làm được gì tại SEA Games 26?

Bóng đá thì không cần phải nói nhiều ở đây vì đã có hẳn một “vệt” dài để bàn luận về sự thất bại thảm hại của U-23 VN tại Indonesia năm nay.

Với bóng chuyền, hôm xem trận chung kết nữ, chợt thấy 10 năm trước như thế nào thì nay vẫn như thế đấy. Nghĩa là điểm yếu - càng chơi càng hụt hơi - ngày xưa vẫn chưa được khắc phục. Ván đầu thắng Thái Lan rất thuyết phục, nhưng ba ván sau thì thua mỗi lúc một chóng vánh. Bóng chuyền nam sau lần đoạt HCB ở SEA Games 24 khi quật ngã Thái Lan, nay xuống dốc thê thảm với việc xếp hạng tư sau khi thua Myanmar ở trận tranh HCĐ.

Ở môn cầu lông, khi nghe tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei không dự SEA Games để tập trung chuẩn bị Olympic, nhiều người khấp khởi mừng thầm cho Tiến Minh. Nhưng thà có Lee để mà thua tay vợt số 1 thế giới cho đỡ tủi. Đằng này, Tiến Minh thể hiện phong độ yếu kém và bị loại bởi đối thủ kém xa mình ở tứ kết.

Còn bóng bàn, chúng ta từng có HCV bởi những tên tuổi như Vũ Mạnh Cường, Trần Tuấn Quỳnh, nhưng nay thì không có được chiếc huy chương nào để lận lưng!

Và cuối cùng, quần vợt tiếp tục thất bại như dự báo trước khi lên đường.

Vậy thì liệu có thật vui với thể thao VN tại SEA Games 26?

TRƯỜNG HUY

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên