14/04/2013 10:00 GMT+7

Nghiệp biển của lão Chinh

VÕ MINH
VÕ MINH

TT - Chúng tôi nghĩ rằng trên biển thì không thể nào chôn cắm được cột mốc lãnh hải biên cương. Nhưng những con tàu ngư dân Lý Sơn chính là cột mốc sống để khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

LBG0JBXf.jpgPhóng to
Lão Chinh (bìa phải) gặp gỡ ngư dân trong nghiệp đoàn - Ảnh: V.Minh

Cựu ngư dân Nguyễn Quốc Chinh (61 tuổi), chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), đã nói như thế. Tình yêu biển trong con người lão ngư này rộng mở vô bờ.

Chông gai bám biển

Lão Chinh thuộc lớp ngư dân kỳ cựu nhất trên đảo Lý Sơn. Nghiệp biển của lão đầy chông gai, dông bão sau 30 năm bám biển ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 1980 xuất ngũ trở về đất đảo, lão Chinh lao vào làm kinh tế biển, nối gót cơ nghiệp tổ tiên. “Thời đó, tàu thuyền nhỏ bé, thô sơ. Ở Lý Sơn chỉ có bốn tàu đi Hoàng Sa, trong đó có tàu cá của tôi. Ngư trường Hoàng Sa thuở đó tôm cá rất nhiều, đi biển còn cơ cực lắm nhưng anh em rất phấn khích” - lão Chinh kể.

Nối gót tiền nhân

30 năm gắn bó với biển và trung thành với vùng biển Hoàng Sa, lão Chinh thông thuộc từng hòn đảo lớn nhỏ ở đó. Lão rành rọt kể: “Vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, ông bà ngư dân ở đảo Lý Sơn đã ra bảo vệ Hoàng Sa. Chúa Nguyễn đã cử cai đội đầu tiên là Phạm Quang Ảnh - dòng họ Phạm của đảo Lý Sơn - ra Hoàng Sa với 70 suất đinh. Từ đó qua các lớp, các vị tiền bối cứ nối tiếp đi như thế để giữ đảo, khai thác sản vật. Sau này đến lớp tôi vẫn phải nối gót, đó là trách nhiệm của một ngư dân, của con cháu đội hùng binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn”.

Năm 1989, khi đánh bắt ở Hoàng Sa, tàu lão Chinh gặp trận bão biển làm mất tàu. Lúc gặp bão, chỉ trong tích tắc chiếc tàu cá bé nhỏ của lão Chinh đã không thể đọ lại trước những cơn sóng dữ nên bị nhấn chìm. Lúc tàu chìm, anh em trên tàu ôm chầm lấy nhau, đu bám bất cứ vào những đồ vật nào có thể nổi được để hi vọng chờ có tàu đi qua cứu nạn, mặc cho sóng biển xô đẩy đến đuối sức.

Trong lúc nguy nan, một tàu cá ở Mỹ Á, huyện Đức Phổ phát hiện đến cứu sống toàn bộ 20 anh em trên tàu. Nhưng sau đó tàu cá này cũng bị hết dầu. Thời tiết xấu, tàu bị sóng xô đẩy trôi tự do. Cầm cự đến ngày thứ 10 thì đồ ăn, thức uống không còn. 40 người trên tàu cố sức nhịn đói nhịn khát, phải uống nước biển, ăn rong biển cầm cự sống qua ngày. Ông Chinh gọi anh em lấy chăn mền làm cánh buồm để di chuyển tàu, mỗi giờ đi được vài hải lý. “Lênh đênh mãi đến ngày thứ 23 khi sức cùng lực kiệt thì gặp được tàu cá của ngư dân Lê Kỳ (Lý Sơn) đến tiếp tế lương thực, cho dầu để tàu nổ máy chạy về đất liền” - lão Chinh nhớ lại.

Sau lần thoát chết hi hữu ấy, lão Chinh đóng tàu mới rồi rủ anh em trong làng tiếp tục ra lại Hoàng Sa. Nhưng chuyện đi biển mỗi lúc một gian nan hơn, những tàu cá như tàu của lão Chinh hành nghề ở Hoàng Sa thường xuyên bị cản trở. Năm 1999, Trung Quốc bắt tàu lão giam giữ, buộc lão chấp nhận ký biên bản thì được về. Lão Chinh không biết chữ Trung Quốc, không biết họ nói gì trong đó nên kiên quyết không ký.

“Tôi nói với anh em chúng ta ký lỡ trong biên bản nói Hoàng Sa của Trung Quốc thì chết. Do không ký nên tàu lão bị kéo về đảo Hải Nam và bị nhốt ở đó hai tháng. Sau đó, nhờ Bộ Ngoại giao Việt Nam can thiệp nên Trung Quốc thả lão về nhưng toàn bộ tàu thuyền, ngư cụ bị mất hết, lão phải về bằng đường bộ.

Sau đó, lão Chinh đóng lại tàu mới và tiếp tục bám biển Hoàng Sa. Tính ra trong nghiệp biển của mình, lão đã để lại ở Hoàng Sa ba chiếc tàu trong những lần gặp thiên tai, địch họa. Cuộc đời đi biển của lão dù đối mặt với bao chông gai nhưng không khi nào nản lòng, chùn bước. Lão nói: “Với tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất, ngư dân Lý Sơn vẫn vươn khơi bám biển Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Trở thành cầu nối

Ở tuổi cuối đời, sức khỏe không cho phép lão Chinh tiếp tục ngang dọc trên biển. Nhưng tình yêu biển đã ăn sâu vào máu, lão vẫn một lòng hướng về biển, dồn hết tình cảm cho biển, cho những ngư dân trẻ đang nối nghiệp cha ông. Không ra biển, nhưng lão vẫn góp sức rất nhiều cho biển, đến độ nhiều ngư dân trên đất đảo Lý Sơn quả quyết rằng ra biển bây giờ mà không có lão Chinh theo dõi thì không an tâm, không vững tin ra khơi.

“Tàu cá trong Nghiệp đoàn nghề cá An Hải khi ra khơi thì trong đất liền, ngày nào chú Chinh cũng liên lạc qua Icom hỏi thăm tình hình đánh bắt. Thời tiết có gì bất thường chú đều gọi thông báo diễn biến. Hễ có ngư dân, tàu thuyền nào bị nạn cần giúp đỡ thì chú ấy nhanh chóng liên lạc với các tàu cá đánh bắt gần đó yêu cầu cứu hộ cứu nạn ngay. Nhờ vậy mà nhiều tàu thoát nạn” - ngư dân Nguyễn Văn Hội (xã An Hải) kể về việc lão Chinh giúp ngư dân.

Là chủ tịch Nghiệp đoàn đánh cá An Hải, công việc cũng không kém phần vất vả như thời còn ngồi trên tàu đạp sóng, vượt biển vươn khơi đuổi theo từng luồng cá. Lão Chinh giờ đang quản lý 58 tàu cá với gần 700 ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ ở hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.

Bất kể ngày hay đêm, lão đều có mặt trực chiến trong phòng máy Icom của nghiệp đoàn. Ngày biển dịu êm thì còn rảnh rỗi chứ lúc dông bão nổi lên thì lão như chẳng thiết ăn uống. Hết liên lạc với tàu cá này lại liên lạc với tàu cá kia đến khan cả giọng. Bụng dạ lão mãi cồn cào vì lo có tàu trong nghiệp đoàn gặp nạn.

Lão tự hào tính: “Từ ngày thành lập nghiệp đoàn đến nay đã có 10 trường hợp tàu bị nạn được nghiệp đoàn cứu hộ thành công”. Không chỉ là cứu hộ ngư dân trong tỉnh mà ngoài tỉnh tàu nghiệp đoàn An Hải cũng cứu hộ. Lão Chinh nói: “Hồi tháng 3-2012, chúng tôi cứu hộ thành công tàu của ngư dân tỉnh Khánh Hòa bị chìm tại Trường Sa, cứu được 14 ngư dân”.

Ngư dân tin tưởng vào nghiệp đoàn nghề cá này cũng bởi tin tưởng những gì ông Chinh làm. Cái được nhất của ông Chinh là trở thành cầu nối, gắn kết tinh thần đoàn kết anh em trên biển. Theo lời lão Chinh, ngư dân ra khơi là đi chung theo tổ đội, hễ thấy chỗ nào nhiều hải sản phải liên lạc với tàu bạn đi trong nhóm cùng tới đánh bắt. No thì cùng no, đói thì cùng đói, thế mới gọi là tinh thần nghiệp đoàn chứ để tàu bạn đói coi sao được.

Làm chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá, chẳng có tiền thù lao nào nhưng lão Chinh vẫn vui và ham làm. 30 năm bám biển, giờ lại trở thành cầu nối cho ngư dân giữa biển. Lão nói thứ gia sản quý giá nhất cả đời tích cóp được là niềm kiêu hãnh một thời được tung hoành ngang dọc nơi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Và bây giờ lão đang dùng tài sản quý giá đó để giúp đỡ, trợ lực lớp con cháu của mình ở Lý Sơn nối nghiệp bám biển.

VÕ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên