26/10/2019 14:10 GMT+7

Ngày làm code nghiên cứu, tối làm mẹ bỉm sữa

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Đã có những lúc chuyện vợ chồng dồn dập sóng gió tưởng chừng không vượt qua, nhưng hiện gia đình nhỏ của tiến sĩ Bảo Khanh tràn ngập nụ cười hạnh phúc.

Ngày làm code nghiên cứu, tối làm mẹ bỉm sữa - Ảnh 1.

Bảo Khanh và con gái yêu - Ảnh: NVCC

Từ Mỹ, nữ tiến sĩ trẻ Trang Bảo Khanh (33 tuổi, Đại học Lausanne - Thụy Sĩ) đã trải lòng với Tuổi Trẻ về hành trình “lèo lái” công việc lẫn gia đình của cô.

Dù có lúc chơi vơi nhưng...

TS Bảo Khanh kể về ông xã của mình (cũng là một tiến sĩ): 26-8-2001 là ngày đầu tiên chúng tôi "chạm mặt", khi cùng bước vào lớp 10 chuyên sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM. Ấn tượng ban đầu về Minh là một cậu bạn hơi "soái ca", rất tự tin... Và tôi khi ấy lại hay nhập hotboy vào chung nhóm với bad boys (nghĩa là "trai hư" - cười).

Vậy mà số phận run rủi, trong một lần tôi đứng ngắm mưa chờ ba đến đón thì Minh tới bắt chuyện. Cách nói chuyện của "hắn" gần gũi, hài hước, dịu dàng cùng ánh mắt ấm áp... dần khiến tôi nhận ra Minh thú vị lắm chứ không đáng ghét như mình nghĩ.

Ngày kết thúc cấp III, tôi vào giảng đường Đại học Y dược TP.HCM còn Minh lên đường du học. Tôi chưa hết sốc vì kế hoạch trên Minh âm thầm chuẩn bị và sau đó là 9 năm yêu xa đầy sóng gió. Chưa nói đến chuyện yêu xa, việc duy trì mối quan hệ khi lên đại học trở nên khó khăn vì chúng ta có nhiều mối quan hệ, nhiều sự lựa chọn hơn.

Ngoài ra, thời đó chúng tôi chỉ có thể nói chuyện với nhau bằng những dòng chữ khô khốc trên màn hình, Internet rất chậm nên gọi video cũng rất khó, rồi nào là chênh lệch múi giờ, bao nhiêu là cảm xúc cứ gọi là khô cạn hết. 

Những cái ôm, hôn hay nắm tay được thay thế bằng những biểu tượng chat vô hồn. Đã vậy, việc sinh sống một mình ở châu Âu khiến cho cách nhìn nhận của Minh trở nên rất Tây, lý trí và trưởng thành hơn, lắm lúc khiến tôi bị sốc văn hóa.

Thật sự không ít lần tôi và Minh gần như từ bỏ do cảm thấy quá mệt mỏi, không tìm thấy tiếng nói chung và thử tìm tới những mối quan hệ mới. Nhưng cuối cùng chúng tôi chủ động tìm về nhau vì không thấy ai khác có thể "chạm" được đến trái tim của mình, và hai đứa luôn tìm thấy bình yên khi ở cạnh nhau.

* Sau khi chồng hoàn thành chương trình tiến sĩ, đi làm ở Pháp và bạn thì lại bắt đầu chương trình tiến sĩ của mình, một nách chăm con nhỏ ở Thụy Sĩ?

- Giai đoạn này giống như sự hoán đổi vị trí giữa chồng và tôi so với thời đại học, nhưng ở một cấp độ mới. Về phía tôi, từ ngày mang thai 7-8 tháng đến tận gần đây, không ngày nào tôi được ngủ tròn một giấc 6 tiếng, việc đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. 

Khoảng cách Thụy Sĩ - Pháp càng trở nên đằng đẵng. Về phía Minh là sự cô đơn và áp lực từ sự phát triển trong sự nghiệp mà tôi không thể ở bên cạnh hằng ngày để san sẻ. 

Thật may mắn là chúng tôi thường trao đổi với nhau nhiều về những khía cạnh tâm-sinh lý. Từ đó, cả hai tự rèn cho nhau một số giải pháp để thoát ra khỏi vòng xoáy bệnh lý trầm cảm.

Ngày làm code nghiên cứu, tối làm mẹ bỉm sữa - Ảnh 2.

Hai tiến sĩ trẻ hạnh phúc sum vầy bên con yêu - Ảnh: NVCC

* Bạn có thể chia sẻ cụ thể hơn?

- Đầu tiên, chúng tôi nhìn trực diện vào nỗi đau của bản thân - đơn thuần chỉ "cảm" và không oán trách, để có thể "chỉ mặt điểm tên" bất mãn đó thật ra là gì. Tiếp theo, trước khi cuộc đối thoại trở thành đối đầu, mỗi người tự "bật báo động" khi bản thân mình bắt đầu suy nghĩ tiêu cực, rồi chủ động bắt suy nghĩ mình đổi hướng. 

Kế đến, nếu cơn hờn giận có lỡ hình thành, cả hai sẽ cố gắng nhớ lại những điều tích cực mình có mà không phải ai cũng có được, cảm nhận sự may mắn khi có những điều tích cực đó. Sau đó, cả hai chiêm nghiệm rằng đôi khi mình không có điều mình muốn nhưng mình có nhiều hơn những gì mình cần. 

Và cuối cùng nếu có những bất đồng nào là mãn tính, thay vì đau đớn dằn vặt vì mình không thể thay đổi đối phương thì hãy nghĩ hay là mình cố thử thay đổi bản thân tích cực trước xem sao.

Nói dễ, làm sẽ rất khó, đòi nỗ lực cao ở chúng ta nhưng hiệu quả sẽ rất ngọt ngào. Có thể nói giai đoạn này giúp mối quan hệ của chúng tôi chín muồi từ yêu thương sang hạnh phúc.

“Ngẫm lại, việc bất đồng giữa vợ chồng đa phần do một trong hai không nói ra điều thật sự đang nghĩ. Tôi từng quan điểm “một điều nhịn chín điều lành” và thường lòa xòa cho qua, nhưng dần tôi nhận ra việc dồn nén sự tiêu cực khiến mình tổn thương, bức bối nhiều hơn. Cho nên tôi đang dần cố gắng giãi bày hết những gì mình nghĩ trong mỗi lần tranh cãi. Không nhất thiết nói hết trong một lúc, như thế có khi làm không khí căng thẳng quá mức cần thiết, nhưng ít nhất là trước khi đi ngủ.

TS Bảo Khanh

Vừa làm mẹ vừa nghiên cứu khoa học không dễ

*Làm sao có thể một mình vừa làm mẹ bỉm sữa vừa nghiên cứu khoa học?

- Việc vừa làm mẹ vừa làm nghiên cứu khoa học ở bất kỳ cấp nào đều là một nhiệm vụ đầy thử thách. Không ít báo cáo cho thấy tỉ lệ bỏ dở nghiên cứu ở nữ giới là rất cao.

Giải pháp đầu tiên chúng ta cần làm là đừng ngần ngại yêu cầu sự trợ giúp, thông cảm từ những người thân xung quanh, đồng nghiệp lẫn cấp trên, trong công việc lẫn trong cuộc sống, nhất là về sức khỏe tâm thần.

Thứ hai là chúng ta phải chấp nhận đánh đổi. Sẽ có lúc bạn phải bỏ mặc tiếng con khóc để hoàn thành việc quan trọng kịp thời hạn. Và cũng sẽ có lúc bạn phải muối mặt chịu quở trách trong công việc để tròn vai một người mẹ. Một mặt ta hướng về sự cầu toàn nhưng một mặt ta phải bao dung với bản thân.

* Hai bạn nuôi con nhỏ như thế nào?

- Tôi nghĩ có lẽ việc khó khăn nhất của những cha mẹ thời công nghệ là khả năng kiềm chế cảm xúc và cơn nghiện Internet của bản thân. Chẳng hạn chúng ta bỏ bê con với cái iPad để bản thân lang thang vô định trên mạng, nếu thế thì có đọc hàng ngàn phương pháp dạy con thì mọi việc cũng vô nghĩa. Và chúng tôi cũng hiểu rằng không ai có thể làm một người cha người mẹ hoàn hảo 24/7.

TS Trang Bảo Khanh tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa tại Đại học Y dược TP.HCM. Sau bằng thạc sĩ y học cộng đồng tại Đại học Y Debrecen (Hungary), Bảo Khanh nhận học bổng Marie Skłodowska-Curie bằng tiến sĩ ngành sinh học tích hợp và mô hình (Integrated and experimental computational biology) ở Đại học Lausanne (Thụy Sĩ). Nữ tiến sĩ 8X này có một số công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học quốc tế liên quan đến lĩnh vực đang theo đuổi.

TS.BS Đoàn Xuân Quang Minh (trưởng bộ phận phân tích hình ảnh Tập đoàn dược GSK, Hoa Kỳ) - chồng Bảo Khanh - chia sẻ: “Thật khó có thể cảm nhận được hết những khó khăn mà Khanh đã đối diện và vượt qua, vì Khanh thường "nói ít làm nhiều". Có lần tán chuyện vu vơ, Khanh nói: "Đã hi sinh mà còn phải nói ra thì chưa phải là hi sinh". Câu nói đó khiến tôi bất ngờ lẫn trân quý vợ hơn.

Khanh vừa chu toàn việc nuôi con, vừa hoàn thành tốt việc học, nghiên cứu. Ngành cô ấy theo đuổi (viết thuật toán vi tính để giải khối dữ liệu khổng lồ về gen) thuộc một trong những chương trình nghiên cứu về sức khỏe lớn, rất áp lực của Thụy Sĩ.

Phụ nữ cô nào chẳng có "máu" lãnh đạo! Phụ nữ cô nào chẳng có 'máu' lãnh đạo!

TTO - Gần 10 năm làm việc ở Việt Nam, đang điều hành một tổ chức phi lợi nhuận, bà Betsye Moon Park (quốc tịch Mỹ) - nguyên giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng (LIN) - cho rằng phụ nữ nào cũng có sẵn 'máu' - tố chất lãnh đạo.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên