01/12/2012 22:57 GMT+7

Ngàn năm bia miệng...

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - “Huyết áp của tôi bình thường là 12/7, nhưng cứ xem xong mỗi trận đấu của đội tuyển bóng đá VN tại AFF Suzuki Cup 2012 là nó vọt lên 14/7. Nhưng cũng chưa bằng sáng 30-11, vừa đọc xong bài tường thuật cuộc họp báo của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về việc đăng cai Asiad 2019, mặt tôi phừng phừng, bèn lấy máy ra đo thì tá hỏa khi huyết áp vọt lên 16/8.

TT - “Huyết áp của tôi bình thường là 12/7, nhưng cứ xem xong mỗi trận đấu của đội tuyển bóng đá VN tại AFF Suzuki Cup 2012 là nó vọt lên 14/7. Nhưng cũng chưa bằng sáng 30-11, vừa đọc xong bài tường thuật cuộc họp báo của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về việc đăng cai Asiad 2019, mặt tôi phừng phừng, bèn lấy máy ra đo thì tá hỏa khi huyết áp vọt lên 16/8.

Thế là lật đật phải lấy ngay một viên thuốc nạp vào cho hạ hỏa”! Đó là tâm sự của bạn đọc Lê Văn Năng gọi đến vào ngày cuối tuần.

Thật ra không chỉ mỗi mình ông Năng đâu, mà rất nhiều người đều cho biết mình như “tăng huyết áp” khi đọc những phát biểu, những câu trả lời liên quan hai điểm nóng trong tuần dính dáng đến thể thao. Một đội tuyển chơi bệ rạc, rệu rã, vậy mà khi nói về nó thì những người có trách nhiệm cứ một hai bảo rằng cầu thủ đã chiến đấu hết sức mình.

Ông Nguyễn Văn Vinh, một nhà chuyên môn trong làng bóng, cũng “tăng huyết áp” khi cho biết: ”Họ - những người có trách nhiệm với đội tuyển - cứ xem mọi người như con nít lên ba, nói ngược lại với những điều mà ai cũng thấy, cũng biết”.

Còn ông HLV trưởng thì trước khi gặp Myanmar mạnh miệng tuyên bố sẽ vào chung kết. Trước khi gặp Philippines thì hùng hồn “sẽ chơi tổng lực - làm mọi người liên tưởng đến tuyển Hà Lan - để thắng Philippines”. Đến trước trận gặp Thái Lan cũng còn mạnh miệng: ”Chúng tôi chiến đấu vì danh dự”! Khoảng cách giữa nói và làm, với kết quả, đúng là chỉ giúp các hãng dược bán chạy thuốc hạ cao huyết áp.

Nhưng, chuyện ở bóng đá chẳng nhằm nhò gì với cuộc họp báo về việc đăng cai Asiad 2019. Một ông thứ trưởng, đại diện cho Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, nơi chịu trách nhiệm chính về vụ đăng cai ngày hội này, đã tỉnh bơ phát biểu rằng “không biết 150 triệu USD là cao hay thấp”, và cho biết bộ này không tính đến chuyện kinh phí (thế thì ai tính?). Hay ông đứng đầu ngành thể thao thì học ngay cái chiêu mà một bộ trưởng đã bị chê trách tại Quốc hội, đó là “để tài liệu ở nhà” để né việc chứng minh một điều mà dư luận bức xúc.

Chưa kể, ông bảo báo chí đưa những con số về kinh phí tổ chức SEA Games 2003 để chứng minh cho việc phát sinh cao là không chính xác. Nhưng ông quên rằng những con số ấy do chính các sếp cũ của ông - những người trực tiếp tham gia tổ chức, điều hành SEA Games 2003 - đã nói công khai trên báo. Khi ấy ông chỉ mới là một cán bộ bậc trung.

Rồi vị đại diện cho Ủy ban Olympic quốc gia, phải chăng do đã lớn tuổi nên nói rằng: ”14 địa phương sẽ đứng ra cùng Hà Nội tổ chức thi đấu các môn tại Asiad 18, mặc dù phải tu sửa cơ sở vật chất nhưng cái này do kinh phí địa phương chứ không nằm trong 150 triệu USD”! Nói như thế phải chăng “địa phương” nằm ngoài nước Việt Nam, nên “kinh phí của địa phương” không phải từ ngân sách, không phải từ thuế của dân?

Tại sao người ta lại có thể phát biểu như thế nhỉ? Phải chăng họ nghĩ rằng “lời nói không mất tiền mua” nên tha hồ nói, nói sao có lợi cho mình là được? Thật ra, “lời nói không mất tiền mua” chỉ mới là một vế, còn vế sau nữa là “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lời mấy vị nói ra toàn chỉ làm mích lòng dân.

Nhiều người lý giải rằng các vị ấy nghĩ chuyện của Asiad 2019 còn đến bảy năm nữa, lúc ấy họ đã về hưu nên chẳng lo, hôm nay cứ nói lấy được để thoát búa rìu dư luận cái đã.

Xin lỗi, “trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Dư luận sẽ nhớ mãi những câu nói hôm nay của các vị...

HUY THỌ

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên