19/07/2017 11:21 GMT+7

Nga phải bồi thường Hà Lan vì bắt giữ tàu

TÚ ANH
TÚ ANH

TTO - Một phán quyết có thể làm thổi bùng thêm mối quan hệ ít êm thắm giữa Nga và Hà Lan. Tòa quốc tế buộc Matxcơva phải bồi thường hơn 6 triệu USD.

Các thành viên Greenpeace đi xuồng phản đối hoạt động khai thác dầu của Nga ở Bắc Cực - Ảnh: AFP
Các thành viên Greenpeace đi xuồng phản đối hoạt động khai thác dầu của Nga ở Bắc Cực - Ảnh: AFP

Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan), đã buộc Nga phải trả cho Hà Lan gần 5,4 triệu euro (6,25 triệu USD) vì vụ bắt giữ tàu phá băng Arctic Sunrise của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) vào năm 2013. 

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 18-7, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders nêu rõ: “Quyết định này cho thấy rõ là tàu thuyền đi lại trong vùng biển quốc tế không thể bị bắt giữ theo kiểu dùng vũ lực”.

Thông cáo báo chí ngày 18-7 của Tòa Trọng tài nêu rõ trong số tiền nêu trên, 2,46 triệu euro (2,8 triệu USD) dùng để bồi thường thiệt hại gây ra đối với 30 người có mặt trên tàu; 1,695 triệu euro (1,9 triệu USD) bồi thường thiệt hại cho tàu Arctic Sunrise; 600.000 euro (692.610 USD) bồi thường thiệt hại phi vật chất; 625.000 euro (721.469 USD) là tiền bồi thường phần của Nga được ứng trước để trả án phí. 

Tổ chức Hòa bình Xanh cho biết khi chính quyền Hà Lan nhận được tiền thì sẽ chuyển cho tổ chức phi chính phủ này và số tiền sẽ được dùng sửa chữa tàu và bồi thường cho 30 thành viên từng bị bắt giữ và giam cầm.

Theo hãng tin AFP, vào tháng 9-2013, lực lượng an ninh Nga đã xông lên tàu tàu Arctic Sunrise mang cờ Hà Lan ở vùng biển quốc tế.

Tàu này của các nhà hoạt động thuộc tổ chức Hòa bình Xanh tiến hành "biểu tình ôn hòa" theo như ngôn từ của Greenpeace chống hoạt động khai thác gây tổn hại môi trường ở Bắc Cực.

Mục tiêu của họ là giàn khoan dầu ngoài khơi Prirazlomnaya của tập đoàn Gazprom của Nga ở biển Barents thuộc Bắc Cực.

Tất cả 30 người có mặt trên tàu, gồm 4 người Hà Lan và 26 người nước ngoài, bị bắt và giam giữ 2 tháng. Ban đầu những người bày bị cáo buộc tội “cướp biển”, rồi được thay đổi sang tội danh “côn đồ có tổ chức”.

Tháng 10-2013, chính quyền Hà Lan tiến hành thủ tục tố tụng lên tòa quốc tế phản đối việc bắt giữ tàu và giữ người trái phép.

Một tháng sau, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố ân xá cho những người bị bắt giữ và họ được nộp tiền bảo lãnh để được trả tự do, ngay trước khi diễn ra Thế vận hội mùa đông Sotchi năm 2014.

Tàu Arctic Sunrise được trả lại cho tổ chức Hòa bình Xanh sau 9 tháng kể từ ngày bắt giữ. Trong thời gian neo đậu ở cảng Murmansk của Nga, chiếc tàu này bị hư hỏng nặng nề và phải được tàu khác kéo về Hà Lan. 

Tháng 8-2015, năm thành viên của Tòa Trọng tài tại Vienna (Áo) đã phán quyết Nga vi phạm Công ước LHQ về Luật biển. Theo đó, Hà Lan được quyền đòi bồi thường vì những tổn thất và thiệt hại do Nga gây ra.

Vụ việc dằng dai khi Nga không tham dự phiên tòa vì cho rằng đã hành xử đúng luật ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.

Với phán quyết mới của Tòa Trọng tài ở La Haye, thực sự đưa ra vào ngày 10-7 nhưng đến 18-7 mới công bố, phía Nga cũng chưa có phản hồi.

Theo AFP, quan hệ giữa Hà Lan và Nga khá căng thẳng trong những năm gần đây. Một trong số đó là vụ chiếc Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines bị bắn hạ ngày 17-7-2014 trên bầu trời miền đông Ukraine.

Trong số 298 nạn nhân có 2/3 là công dân Hà Lan. Chính quyền Hà Lan cho rằng tên lửa bắn rơi máy bay dân sự này là thuộc lực lượng li khai do Nga hậu thuẫn. Matxcơva liên tục bác bỏ cáo buộc đó.

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên