14/09/2011 18:50 GMT+7

Nắng núi, mưa rừng

THANH HUYỀN
THANH HUYỀN

TTO - Thời tiết miền Bắc không thể nói trước, sáng mới nắng bỏng người, chiều lại mưa sầm sập, hai ngày nữa đã đua rồi mà mưa cứ dầm dề. Trời mưa bao giờ dứt?

TTO - Thời tiết miền Bắc không thể nói trước, sáng mới nắng bỏng người, chiều lại mưa sầm sập, hai ngày nữa đã đua rồi mà mưa cứ dầm dề. Trời mưa bao giờ dứt?

Năm nào cũng vậy, ra đến Hòa Bình không sợ nắng thì cũng phải sợ mưa. Áp thấp làm mưa cứ rơi từng đợt. Tranh thủ lúc tạnh, thầy trò Đổ đèo lên đường, còn Địa hình thì phải ở nhà chờ đường khô bớt.

Ai từng trải mưa rừng mới có thể hình dung tập luyện trong điều kiện đó như thế nào. Thường ít khi thầy cho chúng tôi tập dưới trời mưa vì dễ ốm và rất nguy hiểm. Giờ này lên núi, đường trơn phải biết. Leo đã khó, đổ lại càng ghê. Đất sét nhão nhoẹt, trơn như đổ nhớt, sình gặp đá lại càng trơn. Những bánh xe có gai to bám đầy bùn, khi đổ bùn còn văng ra, chạy chậm thì hai bánh sẽ to và nặng gấp mấy lần. Nhiều khi nó to vượt cả hai bên càng xe, làm các bánh xe như có thêm hai “bộ phanh tự động”, càng chạy càng siết chặt.

Những lúc như vậy tôi phải cất sẵn một cây cạy trong túi áo, có đang vội thi đấu cũng phải nhảy xuống cạy hết đất bám vòng ngoài.

Ai đứng trước một cái dốc dài, trơn láng, biết là sẽ té mà không sợ? Có lẽ chỉ có VĐV đổ đèo. Bình thường những dốc “cắm” ghìm tốc độ đã vất vả, thì bây giờ hai bánh không chạy mà xe vẫn ủi thẳng xuống, rẽ trái hay rẽ phải thì chiếc xe đều có xu hướng đưa chủ nó “lọt lề”. Được “vào bụi” thì còn đỡ, chỉ sợ rơi xuống phía dưới thì đau lắm.

Mới hôm qua, “lính” của tôi té lăn vào bụi khi đang đổ. Cổ chân bị cành cây móc vào, rách sâu hoắm, may còn qua lần tất chân. Đấy là đường khô.

Tôi rất sợ đường trơn, mỗi khi đua gặp trời mưa, tôi luôn có cảm giác lo sợ không bao giờ về được tới đích. Nhanh cũng té, chậm càng té. Xe nặng trịch, xích nghiến lộc cộc khi mỗi mắt của nó chạy qua một răng líp, nếu không lắng nghe nó sẽ đứt lúc nào không biết. Vào chân dốc này sẽ phải xuống đĩa nhỏ cho nhẹ bớt vòng chân, nhưng sao thế này, nó cứ cứng ngắc. Thế là ngã oạch, chân gỡ mãi không ra khỏi bàn đạp vì dính đầy đất.

Té là một chuyện, mối lo chính là vấn đề thời gian và nguy cơ hỏng xe. Lần thi đấu ở đây, tháng 10-2007, trước SEA Games hai tháng. Dốc trơn quá, xe trôi tuồn tuột xuống, không làm sao được đành kiếm bụi bên đường, nhắm mắt ủi thẳng vào. Tôi cảm thấy đầu mình cắm vào gốc cây. Mở mắt ra thì cái mũ bảo hiểm đã nứt một đường lớn. Đang vội mà không sao đứng dậy được, lụp chụp mãi rồi cuối cùng cũng lôi được cái xe ra và thả trôi xuống dốc, còn mình thì “chơi cầu tuột” sau vài giây đắn đo… sợ rách quần.

Vậy mà té bên Địa hình còn “sướng chán” so với bên Đổ đèo. Không hiểu sao các bạn có thể chạy được trên những đoạn trơn, toàn dốc cắm luôn kèm cua cắt hoặc mô bay. Làm sao cho đủ tốc độ để nhảy, điều chỉnh xe vào đúng vị trí, bay rồi đáp xuống. Đó là những “công đoạn” đầy hồi hộp mà khi theo dõi tôi luôn sợ cứng người. Phải nói họ là những chú mèo trên xe. Và nếu té, họ sẽ phản ứng rất lẹ, hoặc sẽ té rất đau, đau hơn té bên Địa hình nhiều…

Ngoài kia, trời lại bắt đầu mưa to, sấm ầm ì, sét đánh đoàng vào những trụ cao khu vực thủy điện. Không biết đội Đổ đèo có còn ở trên đồi?

THANH HUYỀN

THANH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên