07/10/2003 06:21 GMT+7

Nặng gánh lo cho một gia đình...

NGUYỄN VÂN TRƯỜNG
NGUYỄN VÂN TRƯỜNG

TT - Cả xóm “chùa hai nóc” xã Bình Nhì ai cũng biết thằng Minh con bà Hiền “khùng”, hay Minh “làm mướn”, nhưng nếu hỏi nhà Minh học Trường Vĩnh Bình hay Minh đậu Đại học Bách khoa... thì không ai biết cả.

q5YD1wPp.jpgPhóng to
Công Minh đang cắt lúa ngoài đồng

Chiều 3-10-2003, nghe tin Minh từ trường (phòng 12 dãy D2 - ký túc xá Tân Phú, ấp Gò Cát, xã Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM) về thăm nhà, một lần nữa tôi đến nhà em.

Trong căn nhà tồi tàn ấy có tất cả năm người, nhưng có hai người mắc bệnh tâm thần và hai ông bà già trên 80 tuổi. Người duy nhất khỏe mạnh, cũng là trụ cột trong căn nhà ấy, vừa làm cho xóm “chùa hai nóc” kinh ngạc khi thi đậu Đại học Bách khoa TP.HCM ngành cơ khí với 22,5 điểm. Đó là Nguyễn Công Minh, ngụ ấp Bình Hòa Long, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), cựu học sinh lớp 12A7 Trường THPT Vĩnh Bình năm học vừa qua...

Tuổi thơ không có ngày vui

Trước mắt tôi là một căn nhà khá rộng nhưng âm u, ẩm thấp. Bóng đèn néon loại sáu tấc không đủ sáng để nhìn rõ mặt nhau trong phạm vi vài mét. Vật dụng, bàn ghế trong nhà ngổn ngang và dính đầy bùn đất. Chẳng có gì đáng giá ngoài... con bò đang gặm cỏ trước nhà.

Ông bà ngoại, mẹ và em trai của Minh đều có ở nhà. Ông Nguyễn Văn Quới (ông ngoại Minh) cho biết, tôi may mắn vì đến nhà không gặp lúc con gái ông lên cơn.

Không chỉ có vậy, đứa em trai của Minh là Nguyễn Hồng Sơn đã 6 tuổi rồi mà không nói được câu nào. Ngủ thì thôi, chứ mở mắt ra là Sơn lội ra giữa ruộng chơi hoặc đi khắp xóm la hét, khóc lóc, quậy phá không khác gì mẹ của em.

Ông ngoại Minh kể: “Nhà có năm người, nhưng tội cho thằng Minh, nó là người duy nhất khỏe khoắn, bình thường nên một mình cáng đáng hết mọi việc trong ngoài”. Hồi còn đi học ở Trường Vĩnh Bình, một buổi Minh đi học còn một buổi đi làm mướn. Ai kêu cấy lúa, giặm lúa, xịt thuốc, rải phân hay lên liếp trồng dưa... em đều nhận làm ..

Còn chuyện học bài của Minh mới đáng thương. Bữa nào mẹ bình thường thì Minh ở nhà học; còn bữa nào thấy không ổn là Minh phải chạy qua nhà cậu Út hoặc nhà hàng xóm... Vậy mà chưa bao giờ Minh nghỉ học một ngày.

Là giáo viên chủ nhiệm của Minh hai năm lớp 11 và 12, cô Trần Thị Hương cũng tự hào khi nói về học trò mình: Minh học giỏi đều tất cả các môn. Dẫn chứng rõ nhất là năm học lớp 11 cả lớp có đến 20 học sinh giỏi, sau học kỳ 1 năm lớp 12 chỉ còn lại bốn em, nhưng trong số ít ỏi đó vẫn có tên Nguyễn Công Minh. Thầy cô trong trường ai cũng mến thương Minh cả. Tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh ấy, nếu không phải là Minh thì chưa chắc có em học sinh nào vượt qua được mặc cảm và những khó khăn khác để đến trường, chứ đừng nói đến chuyện học giỏi. Sự tự thân vươn lên của Minh rất đáng khâm phục”.

Minh đậu đại học: bà ngoại khóc ròng, ông ngoại kêu bán bò...

46EDyjtF.jpgPhóng to
Con bò này là nguồn kinh tế duy nhất để lo cho ông bà em lúc ốm đau

Cô Trần Thị Hương kể: “Khoảng giữa học kỳ II năm lớp 12, trong khi bạn bè ai cũng náo nức làm hồ sơ thi đại học thì Minh nói với tôi em không thi đại học vì gia đình đơn chiếc lắm. Nếu lỡ đậu cũng không đi học được nên em khỏi thi cho đỡ tốn kém”.

Thi đại học xong, Minh về nhà đi làm mướn tối mặt chẳng quan tâm đến kết quả thế nào. Sau khi có kết quả, ban giám hiệu nhà trường nhắn lòng vòng rất lâu mới thấy Minh đến trường nhận giấy báo. Trong khi biết bao bạn bè khác buồn vì thi trượt đại học, Minh cũng buồn vì thi... đậu bởi biết rằng mình sẽ không có cơ hội bước chân vào giảng đường đại học. Minh tâm sự với tôi: “Nhà cửa đơn chiếc như vậy, nếu em đi học xa thì ai lo cho ông bà ngoại, ai lo cho mẹ, em Sơn và lấy đâu ra tiền để học?”.

Hôm Minh mang giấy báo trúng tuyển về nhà, bà ngoại biết được chỉ khóc ròng rồi đi theo năn nỉ Minh đừng đi học... Còn ông ngoại thì mừng ra mặt vì có thằng cháu học giỏi nhất xóm này. Ông âm thầm kêu lái tới bán bớt một con bò (con bò mua năm trước sinh được một con) để lấy tiền cho Minh đóng học phí.

Nhiều lần Minh cản ông ngoại đừng bán bởi đó là nguồn duy nhất để lo cho ông bà ngoại lúc ốm đau... “Ông bà ngoại đã sống gần trăm tuổi. Cực khổ không ít, hạnh phúc cũng đã nhiều. Con đã gần 20 tuổi mà chưa biết sung sướng ngày nào. Chỉ có học đàng hoàng mới thoát khỏi cảnh nghèo khổ con à. Bây giờ ông ngoại có chết cũng vui vì có thằng cháu vừa học giỏi vừa hiếu thảo như con” - ông ngoại đã nói với Minh như vậy và quyết định bán bò...

Trong lúc tôi hỏi thăm chuyện học hành của Minh, mẹ và em trai bị bệnh tâm thần của em chỉ ngồi thinh lặng, vô hồn. Ông Qưới nói: “Bây giờ còn một con bò ngoài hành lang đó. Nếu thằng Minh biên thư báo cần tiền để học đại học thì tui sẽ bán liền để cho nó”. Bà ngoại cũng nói: “Tui với ông ngoại nó tính rồi. Sống qua tuổi tám mươi đã là phúc đức ông bà. Mấy ngày nay nó không có ở nhà, đêm nằm nhớ nó là tui hối hận về chuyện đã kêu nó đừng đi học đại học. Bây giờ trong nhà có cái gì bán để lo cho nó tui cũng vui hết...”.

Ông Qưới kéo tôi ra ngoài, vừa vỗ lưng con bò ông vừa nói: “Còn một con bò này và hơn một công ruộng ngoài kia tui sẵn sàng bán hết cho nó học thành tài để mai mốt nó về lo lại cho mẹ và em”.

NGUYỄN VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên