06/05/2010 05:32 GMT+7

Mường Lay dâu bể đổi dời

LÊ ĐỨC DỤC - MINH QUANG
LÊ ĐỨC DỤC - MINH QUANG

TT - Hiếm một thị xã nào có số phận như Mường Lay. Nó “chìm nổi” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

iaDioh9f.jpgPhóng to

Dấu tích còn lại của Nhà văn hóa thị xã Lai Châu sau trận lũ ống năm 1990. Tất cả sẽ chìm vào hồ nước - Ảnh: Ngọc Quang

Nổi chìm dâu bể

Khi tỉnh Lai Châu chưa tách, thị xã Lai Châu (đặt ở Mường Lay) chính là tỉnh lỵ. Nó được thành lập từ năm 1971 với một quá khứ lẫy lừng nơi miền Tây Bắc. Rồi trận lũ ống năm 1990 đã gần như xóa sổ thị xã Lai Châu, để tránh hậu họa thiên tai, tỉnh lỵ phải dời về Mường Thanh và thành phố Điện Biên Phủ trở thành trung tâm Lai Châu. Thị xã Lai Châu cũ lại rơi dần vào quên lãng.

Nhưng khi tỉnh Lai Châu tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu (mới) thì cái tên thị xã Lai Châu được dịch chuyển hơn 100km sang tận... thị trấn Phong Thổ, đặt cho tỉnh lỵ mới của Lai Châu. Còn khu vực cũ được mang tên thị xã Mường Lay. Đến khi thủy điện Sơn La triển khai thì thị xã Mường Lay lại rơi vào cảnh bể dâu khi sẽ bị dìm sâu dưới lòng hồ để mọc lên một Mường Lay khác.

Chúng tôi bần thần khi đi trên quốc lộ 12 đoạn qua Mường Lay với ý nghĩ chỉ vài ngày nữa thôi, con đường này sẽ nằm dưới đáy hồ. Phía trên sườn núi, một tuyến đường tránh ngập của quốc lộ 12 (mới) đang thi công. Đá từ trên lưng núi vẫn rơi xuống, nhiều chỗ chắn ngang con đường cũ.

Không thể nhìn ra đường trong màn bụi mịt mù đặc quánh của hàng chục chiếc xe đang chở đất san ủi chạy tới chạy lui.

Con đường rẽ từ quốc lộ 12 vào trung tâm thị xã đến cầu Bản Xá, bên này cầu một tòa nhà to vật vã chỉ trơ lại những khung sườn bêtông, đấy là Nhà văn hóa thị xã Lai Châu ngày xưa. Tòa nhà hoành tráng nhất thị xã đã thành tàn tích sau trận lũ ống năm 1990 nằm ngậm ngùi bên dòng Nậm Lay. Rồi cái khung sườn bêtông kia cũng chung số phận chìm xuống đáy hồ khi Sơn La tích nước.

rdWKX902.jpgPhóng to
Cây đa mấy trăm năm tuổi trong sân nhà tù vẫn còn được giữ gìn cho thị xã Mường Lay mới - Ảnh: Ngọc Quang

Tái định cư “chiều thẳng đứng”

Trong số gần 4.800 hộ phải di dời của tỉnh Điện Biên sẽ có hơn một nửa tái định cư tại chính thị xã Mường Lay mới theo một dạng mà chúng tôi gọi vui là “tái định cư theo chiều thẳng đứng”.

Đầu tiên, những người dân thuộc thị xã Mường Lay sẽ dỡ nhà khỏi khu vực lòng hồ, ở tạm một chỗ. Rồi ngay cạnh cái nền thị xã cũ chìm trong lòng nước, người ta sẽ bạt núi, san bằng đất đá nâng cao trình lên ít nhất 20-30m để làm một nền mới của thị xã Mường Lay. Và trên đó Mường Lay sẽ phục hồi sau bể dâu dời đổi.

Ban đầu chương trình dự kiến đưa dân về tái định cư ở nhiều nơi do diện tích vùng này không đủ để định cư, nhưng bà con lại không muốn xa quê hương bản quán. Chuyện dùng dằng đi ở ấy khiến hàng ngàn hộ dân phân vân, chần chừ. Rồi phương án “tái định cư theo chiều thẳng đứng” được đưa ra, hầu hết dân của Mường Lay đều quyết định ở lại. Từ 450 hộ ban đầu, nay số hộ tái định cư tại đây lên đến 2.200 hộ.

Từ phía bên này khu tái định cư, phóng tầm mắt ra một vùng mênh mông, nơi dòng Nậm Lay sẽ thành lòng hồ và bên kia mai này sẽ là một phố nhà sàn soi bóng xuống lòng hồ tương lai mà thấy rạo rực. Anh Khoàng Văn Thương (bản Nậm Cản) nói với chúng tôi trong căn nhà mới dựng lên ngay trên chính đất đai bản cũ ở độ cao... hơn 30m: “Đúng là chúng tôi có hi sinh, có thiệt thòi nhưng chúng tôi yên tâm khi nghĩ đến tương lai con cháu mình”.

Nếu như trước đây ở nhiều công trình di dân tái định cư, người dân không chỉ xót xa rời bỏ quê hương bản quán mà còn phải sống trong những ngôi nhà xây cùng một mẫu, với mái tôn và bêtông xa lạ thì ở đây những mẫu nhà cũ được người dân mang lên đồi cao dựng lại. Cộng với số tiền hỗ trợ, nhiều hộ dân đã xây thêm công trình nhà vệ sinh khép kín. Một đô thị hiện đại trong chính bản làng quen thuộc!

Trải tấm bản đồ quy hoạch Mường Lay dưới bóng râm của tán đa thuộc khu Đồi Cao - nơi sẽ là trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại của thị xã, anh Phạm Văn Sĩ, trưởng ban quản lý dự án, chỉ cho chúng tôi hình ảnh một bán đảo nhô ra trên lòng hồ. Trên bán đảo này là những đường phố hình cánh cung mà tâm điểm là nơi bóng râm của cái cây duy nhất nhô trên khu đồi này.

Cây đa đã mấy trăm năm tuổi ngay sân nhà tù Sơn La. Hôm nâng cốt nền, thị xã đã quyết tâm để cây đa lại dù đất đã phủ cao lấp kín gần đến ngọn, nhưng những nhánh đa vẫn tỏa xanh bóng râm như một ngụ ngôn đầy ý nghĩa của quá khứ vươn tới tương lai.

Rời Mường Lay, chúng tôi theo quốc lộ 12 qua tỉnh mới Lai Châu bằng cầu Hang Tôm cũ, được mệnh danh là cây cầu treo đẹp kỳ vĩ nhất trên sông Đà và của miền Tây Bắc. Rồi đây sẽ có cầu Hang Tôm mới thay thế. Còn những trụ cầu, dây văng cũ kỹ như một ký ức đẹp sẽ mãi mãi đắm chìm xuống dòng nước sâu thăm thẳm...

_________________

Một cây cầu treo dây văng lớn nhất Đông Nam Á lúc nó được hoàn thành, nhưng người dân khiêm tốn gọi là “Đông Dương đệ nhất cầu”. Cây cầu với bao ký ức oai hùng, buồn vui của người Mường Lay, Phong Thổ, Tây Bắc cũng sẽ bị chìm dưới đáy hồ...

Kỳ tới: Vĩnh biệt “Đông Dương đệ nhất cầu”

LÊ ĐỨC DỤC - MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên