12/08/2009 00:17 GMT+7

Mục tiêu của VĐV khuyết tật Võ Huỳnh Anh Khoa: "Được vào Trường đại học TDTT"

Nguồn: Bộ GD-ĐT
Nguồn: Bộ GD-ĐT

TT - Đó là tâm sự của VĐV Võ Huỳnh Anh Khoa trước khi cùng đồng đội lên đường tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Asean Para Games 5) diễn ra từ ngày 12 đến 19-8 tại Malaysia.

QH9hFdlJ.jpgPhóng to
VĐV Anh Khoa tích cực tập luyện cho việc tham dự Para Games 5 - Ảnh: TR.D.

Cách đây sáu năm khi ở tuổi 13, Anh Khoa đã đoạt 6 HCV ở Giải tiền Para Games 2003. Tuy nhiên, do không đủ tuổi tham dự nên ở hai kỳ Para Games 2003 và 2005, Anh Khoa đành phải đứng ngoài cuộc. Sau khi đoạt 3 HCV cá nhân, 1 HCV, 1 HCĐ đồng đội tại Para Games 4 tại Thái Lan, ở Para Games 5 lần này Anh Khoa được xem là niềm hi vọng số 1 của bơi lội người khuyết tật VN. Ngoài ra, Anh Khoa còn đề ra chỉ tiêu cho mình “quyết tâm không bỏ sót một HCV nào ở những nội dung mình tham dự”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Anh Khoa cho rằng sở dĩ đặt ra tham vọng lớn như vậy bởi vừa rồi anh đã bị Trường ĐH TDTT 2 từ chối nhận vào do... bị tật nguyền. Anh Khoa nói tiếp: “Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt loại khá (43,5 điểm), cộng với hàng loạt huy chương quốc tế đạt được, tôi nghĩ sẽ được ưu tiên vào Trường ĐH TDTT như nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, do chân bị khuyết tật bẩm sinh nên cánh cửa vào học Trường đại học TDTT đã đóng sập lại với tôi. Tôi rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét và giải quyết để những VĐV khuyết tật có thể tiếp tục theo nghiệp HLV sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu”.

Về phản ảnh của Khoa, ông Lâm Quang Thành - hiệu trưởng Trường ĐH TDTT 2 - cho biết: “Do đây là trường hợp ngoại lệ, không nằm trong quy chế tuyển thắng của Bộ Giáo dục - đào tạo nên vừa qua chúng tôi đã có công văn xin ý kiến. Khi nào được trả lời chính thức từ bộ, chúng tôi xem xét lại trường hợp của Khoa”.

Là người có công khai sinh và phát triển bộ môn thể thao người khuyết tật, ông Phạm Ngọc Sơn - giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao Tân Bình - cho biết: “Tôi rất ủng hộ quan điểm những VĐV khuyết tật được đào tạo, học tập để trở thành HLV, bởi họ có thể dễ dàng trong việc tiếp cận và hiểu rõ những tâm tư tình cảm của các VĐV khuyết tật. Thực tế thời gian qua những người khuyết tật đã có công rất lớn trong việc giới thiệu, cổ vũ những người đồng cảnh ngộ đến với thể thao và hòa nhập cộng đồng”.

Đối tượng được tuyển thẳng vào hệ chính quy đại học TDTT

VĐV đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương được tuyển thẳng vào các ngành thể dục, thể thao (TDTT) tương ứng của các trường. Cụ thể là:

- Tuyển thẳng vào hệ đại học, cao đẳng TDTT hoặc các ngành TDTT của các trường nếu thuộc một trong các diện:

* Là thành viên đội tuyển quốc gia được Ủy ban TDTT xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu trong các giải quốc tế chính thức bao gồm: Thế vận hội Olympic, Đại hội thể thao châu Á (Asiad), Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Cúp Đông Nam Á.

* Vô địch (HCV) các giải vô địch hạng nhất quốc gia được tổ chức một lần trong năm.

* Có quyết định công nhận là kiện tướng quốc gia của Ủy ban thể dục thể thao.

Thời hạn được tính để hưởng ưu tiên là không quá bốn năm kể từ ngày đoạt giải, hoặc được phong đẳng cấp đến ngày thi tuyển sinh vào trường.

Nguồn: Bộ GD-ĐT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên