11/01/2016 11:36 GMT+7

​Một giờ với Kiatisuk

HUY ĐĂNG  (huydang@tuoitre.com.vn)
HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)

TT - Ở bất kỳ cương vị nào, Kiatisuk cũng trở thành một cái tên ám ảnh với bóng đá Việt khi vô số lần anh giành chiến thắng trong các cuộc đối đầu với tuyển VN.

Kiatisuk trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ tại Bangkok - Ảnh: H.Đ.
Kiatisuk trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ tại Bangkok - Ảnh: H.Đ.

Cũng hơn bất kỳ người Thái nào, cựu danh thủ có biệt danh “Zico Thái” này hiểu rõ những ưu - khuyết điểm của bóng đá Việt.

Rất ngại nói về bóng đá Việt

Chúng tôi gặp Kiatisuk vào một ngày cuối năm 2015, thời điểm anh cùng các học trò U-23 đang chuẩn bị cho những buổi tập cuối cùng trước ngày lên đường đi Qatar. Kiatisuk tỏ ra cực kỳ tự tin về cơ hội của đội nhà ở Giải vô địch U-23 châu Á khi tuyên bố Thái Lan có đến “70% cơ hội” sẽ lọt vào được top 3 của giải - đồng nghĩa với một suất tham dự Olympic 2016 diễn ra tại Brazil.

Anh cũng không ngần ngại khẳng định Thái Lan giờ đã nằm trong top 10 nền bóng đá hàng đầu châu Á.

Nhưng rồi vị huấn luyện viên 42 tuổi lại tỏ vẻ ngập ngừng khi đề tài được chuyển sang so sánh giữa bóng đá Thái Lan và VN. Anh nói: “Thái Lan và VN cũng ngang ngang nhau thôi, không cách biệt nhiều đâu. Tôi chưa từng nghĩ Thái Lan mạnh hơn VN nhiều”.

Nhưng nhìn vào thái độ của Kiatisuk, ai cũng hiểu đó chỉ là một câu trả lời xã giao.

“Zico Thái” vẫn luôn như vậy, tài năng, tự tin nhưng cũng luôn biết cách giữ sự lịch thiệp, nhã nhặn trong việc giao tiếp. Làm sao để một cựu cầu thủ luôn khẳng định “VN là quê hương thứ hai của tôi” có thể thẳng thắn chê bai nơi anh từng gắn bó một thời gian dài được.

Kiatisuk chỉ chịu “nói thật” khi chúng tôi hỏi kỹ về chuyên môn. Anh dự đoán đầy... phũ phàng: “U-23 VN sẽ không thể vượt qua vòng bảng (trong bảng đấu có Úc, Jordan và UAE). Nếu có vượt qua cũng chỉ là điều bất ngờ chứ không phải vì thật sự mạnh hơn đối thủ”.

Cách nói thẳng thắn của Kiatisuk cho thấy quan điểm thật sự của anh về khoảng cách giữa bóng đá Thái và bóng đá Việt lúc này. Anh mạnh dạn khẳng định vị trí của bóng đá Thái đang là thứ 7 hoặc 8 ở châu Á, nhưng rất ngập ngừng khi chúng tôi hỏi liệu VN có nằm trong top 20 hay không?

“Vì đâu anh không tin VN thật sự mạnh hơn các đối thủ hàng đầu châu lục dù cho chúng tôi có thắng được họ?” (ở Asiad 2014 tại Hàn Quốc, U-23 VN từng thắng đậm U-23 Iran đến 4-1).

Kiatisuk trả lời: “Tôi có biết kỳ tích đó của đội U-23 VN. Nhưng đó là nhờ vào chiến thuật hợp lý của HLV và một ngày bùng nổ đến khó tin của các cầu thủ Việt. Điều đó rất đáng ca ngợi nhưng khó có thể lặp lại nhiều lần. Chúng tôi quan tâm về phương diện lâu dài hơn”.

Hình ảnh đội Trung Quốc sau khi bị đoàn quân của Kiatisuk đánh bại với tỉ số 5-1 - Ảnh: THX
Hình ảnh đội Trung Quốc sau khi bị đoàn quân của Kiatisuk đánh bại với tỉ số 5-1 - Ảnh: THX

“Chúng tôi cũng muốn thắng Trung Quốc, Nhật Bản...”

Suốt buổi trò chuyện, Kiatisuk cố lảng tránh khi nhận xét về những điểm yếu của bóng đá VN. Nhưng ý tứ của anh thì quá rõ, bởi không ai làm nhân chứng cho những thất bại của VN trước Thái Lan nhiều như Kiatisuk.

Thời còn là cầu thủ, Kiatisuk ghi không ít bàn thắng vào lưới VN, từ bán kết AFF Cup 1996 cho đến bán kết SEA Games 1997, cũng như góp mặt trong hàng loạt trận chung kết SEA Games mà Thái Lan luôn là những người giành chiến thắng.

Khi đã trở thành HLV, “Zico Thái” vẫn là nỗi ám ảnh của bóng đá Việt, với hai chiến thắng mới đây ở vòng loại World Cup 2018.

“Làm sao để VN có thể thắng Thái Lan? Tôi nghe câu hỏi này nhiều lắm mỗi khi trò chuyện cùng các bạn bè người Việt - Kiatisuk cười - Nếu cứ mãi lo nghĩ, ám ảnh về việc làm sao đánh bại Thái Lan, bóng đá VN không thể thật sự đánh bại Thái Lan được.

Điều tôi muốn nói là thắng nhiều lần, vì thắng một lần dễ lắm. Một ngày đẹp trời, điều bất ngờ có thể xảy ra, chỉ cần một lối chơi hợp lý cùng phong độ xuất thần của vài cầu thủ. Nhưng điều đó chỉ có thể diễn ra trong một hai trận đấu chứ không thể kéo dài từ năm này sang năm khác được”.

Anh nói tiếp: “Chúng tôi cũng muốn thắng Trung Quốc, thắng Nhật Bản. Nhưng tôi chỉ nghĩ về điều này trước thềm trận đấu, hoặc chính xác hơn đó là lo nghĩ của HLV trưởng đội tuyển quốc gia.

Còn những người lãnh đạo bóng đá Thái có lẽ không thể cứ mãi nghĩ đến việc Thái Lan có thắng được Nhật Bản, Trung Quốc trong trận đấu tới hay không. Điều họ cần quan tâm là nền bóng đá Thái có đạt đến và vượt qua Trung Quốc, Nhật Bản trong tương lai hay không.

Để làm được điều đó cần rất nhiều thứ, một hệ thống đào tạo trẻ lớn mạnh, một giải đấu phát triển... Các đội tuyển bóng đá chỉ là sản phẩm cuối cùng”.

Kiatisuk nhận xét: “Bóng đá trẻ của Thái Lan hiện phát triển rất đều, ở mọi CLB chứ không chỉ là những đội bóng lớn. Điển hình như BEC Tero”.

BEC Tero là đội bóng phải xuống hạng mùa giải tới khi xếp thứ 16/18 ở Giải vô địch Thái Lan (Thai Premier League) vừa kết thúc hôm 13-12-2015. Dù vậy, đây lại là đội bóng đóng góp số lượng cầu thủ nhiều hàng đầu cho các đội trẻ của tuyển Thái Lan.

Trong danh sách 25 cầu thủ mà HLV Kiatisuk tập trung cho U-23 Thái Lan trước khi lên đường sang Qatar, BEC Tero góp đến 6 người. Thai Premier League cũng là một sự tiến bộ khác của bóng đá Thái. Từ chỗ chỉ có 12 đội cách đây 8 năm, giải đấu cao nhất của bóng đá Thái hiện có đến 18 đội.

“18-20 đội theo tôi là một quy mô hợp lý để phát triển giải đấu. Nó còn giúp các cầu thủ của tôi có mật độ thi đấu suốt năm, sự khởi động hợp lý dành cho đội tuyển” - anh cho biết.

“Chúng tôi cũng muốn thắng Trung Quốc, thắng Nhật Bản...”. Kiatisuk nói vậy, nhưng có lẽ người Thái chưa hề ám ảnh phải thắng Trung Quốc - một nền bóng đá mạnh hơn mình khá nhiều. Nhưng cuối cùng họ đã thắng và thắng đậm!

Đó là vào tháng 6-2013, làng bóng đá Trung Quốc đã choáng váng khi đội tuyển nước này bị đội tuyển U-23 Thái Lan do Kiatisuk dẫn dắt đánh bại đến 5-1 ngay trên sân Trung Quốc!

Đây là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử bóng đá Trung Quốc trước một đối thủ đến từ Đông Nam Á. Dù rằng trước đó chục năm, bóng đá Thái vẫn còn phải ngước nhìn bóng đá của đất nước hơn 1 tỉ dân này.

Chưa hết, một năm sau, tại đấu trường Asiad 2014, Kiatisuk cùng các học trò tiếp tục đánh bại Trung Quốc 2-0 để giành quyền vào tứ kết giải đấu chính thức này. 

Lá thăm may rủi đã đẩy đội tuyển Thái Lan nằm cùng bảng (bảng F) với tuyển VN ở vòng loại World Cup 2018. Kết quả là tuyển VN thua cả hai trận trước Thái Lan, trong đó đau đớn nhất là trận lượt về thảm bại 0-3 ngay trên “chảo lửa” Mỹ Đình hôm 13-10-2015.

Với thành tích bất bại tính đến thời điểm này, Thái Lan đang đứng đầu bảng F với 13 điểm và chỉ cần thêm 1 điểm nữa là có thể giành vé vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2018 và có mặt ở vòng chung kết Asian Cup 2019 tại UAE.

Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 13-1 tới, U-23 VN và U-23 Thái Lan sẽ cùng bước vào vòng chung kết Giải U-23 châu Á tại Qatar tranh vé dự Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016.

Cùng là những đại diện của bóng đá Đông Nam Á nhưng mục tiêu mà hai đội đặt ra lại khác nhau, trong khi VN chỉ mơ đến việc vượt qua vòng bảng thì Thái Lan hướng đến top 3 của giải. 

 

HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên