05/03/2020 09:18 GMT+7

Minh bạch 'giải cứu'

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Cần có một quy định hết sức rõ ràng, cụ thể, cùng các hướng dẫn thật chi tiết để các doanh nghiệp tự xem mình có phù hợp với những tiêu chí hỗ trợ hay không là điều mà cơ quan quản lý không thể làm lấy lệ.

Minh bạch giải cứu - Ảnh 1.

Ngay sau yêu cầu mang tính bắt buộc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi điều hành phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 3-3 về các gói hỗ trợ "giải cứu" doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức đưa ra dự thảo thông tư hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, hay giữ nguyên nhóm nợ đã được cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm.

Là chủ thể bị tác động trực diện nhất trong gần ba tháng dịch COVID-19 hoành hành, hơn ai hết, việc các doanh nghiệp ngóng chờ những chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ có đứng cùng bên họ hay không, có thật sự chia sẻ các khó khăn mà doanh nghiệp đã đối mặt trong thời gian vừa qua hay không quả thật dễ hiểu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng (phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM), khi Chính phủ khẳng định quan điểm "tung các gói hỗ trợ không phải là bao cấp cho sự yếu kém" phần nào đã xác định hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều cách, dưới nhiều hình thức, là nhiệm vụ cấp bách cần được các bộ, ngành phối hợp thực hiện nhanh chóng.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ có vận hành đúng với thực tiễn diễn ra hay không, có "trị" được đúng "bệnh" mà doanh nghiệp cần chữa hay không lại là vấn đề khác. 

Lấy đề xuất giãn nợ đến 90 ngày sau khi hết dịch COVID-19 như trong dự thảo mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là một ví dụ.

Theo các doanh nghiệp, đề xuất này phải hiểu theo hướng 90 ngày sau khi hết dịch thì doanh nghiệp mới bắt đầu trả lãi lẫn nợ gốc của khoản vay trước đó, hay tiếp tục trả gấp đôi, hoặc trả nhiều hơn số phải trả của 90 ngày tạm chưa thanh toán kia? 

Rồi các doanh nghiệp siêu nhỏ không đủ điều kiện vay ngân hàng thì được Nhà nước hỗ trợ gì vì họ cũng khó đâu kém gì so với các doanh nghiệp có quy mô hơn? 

Thế nên, việc cần có một quy định hết sức rõ ràng, cụ thể, cùng các hướng dẫn thật chi tiết để các doanh nghiệp tự xem mình có phù hợp với những tiêu chí hỗ trợ hay không là điều mà cơ quan quản lý không thể làm lấy lệ.

Mà doanh nghiệp đâu chỉ cần hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi suất hay khoanh nợ là sẽ tự nhiên hết khó nếu một loạt chính sách khác không được thực thi đồng bộ và quyết liệt.

Đầu ra cho doanh nghiệp sẽ bế tắc nếu tổng cầu thị trường vẫn èo uột, người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Hàng triệu lao động sẽ tiếp tục thất nghiệp nếu các dự án trọng điểm, đầu tư công vẫn chậm giải ngân vốn như Thủ tướng đã từng nghiêm khắc phê bình từ cuối năm ngoái cho đến tận phiên họp cách đây ít ngày. 

Hàng trăm ngàn doanh nghiệp vẫn sẽ thụ động chờ đại dịch qua đi mới tính tiếp chuyện làm ăn, bỏ mất nhiều cơ hội tái đầu tư, khởi động lại sản xuất nếu các sắc thuế bất hợp lý, mà mới đây nhất là mức giảm trừ gia cảnh trong Luật thuế thu nhập cá nhân sắp được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến sau 7 năm áp dụng đã sớm bị chê "lạc hậu".

Rõ ràng, khi Chính phủ vào cuộc kèm mệnh lệnh "không nói chung chung, lòng vòng" để kéo nền kinh tế bật lên mạnh mẽ trong thời gian tới, một lần nữa, vai trò của các bộ máy tham mưu càng hết sức quan trọng trong việc giúp sức Chính phủ lựa chọn định chế hợp lý để điều tiết thị trường. 

Có vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp mới thật sự phát huy được tác dụng như Nhà nước mong muốn dựa trên sự vận hành linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Gỡ khó cho doanh nghiệp: Phải giảm thuế, hạ lãi suất Gỡ khó cho doanh nghiệp: Phải giảm thuế, hạ lãi suất

TTO - Giảm thuế, gia hạn thời gian quyết toán thuế, gia hạn nợ và giảm lãi suất cho vay... là những giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 có thể tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên