17/09/2020 09:54 GMT+7

MimosaTEK - dùng công nghệ phát triển nông nghiệp

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Mang tên một loài hoa của Đà Lạt, MimosaTEK - một startup nông nghiệp non trẻ đang dần xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ người nông dân từ đầu vào sản xuất đến đầu ra sản phẩm, áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.

MimosaTEK - dùng công nghệ phát triển nông nghiệp - Ảnh 1.

Với MimosaTEK, anh Nguyễn Khắc Minh Trí mong muốn người nông dân làm nông nhàn nhã, năng suất cao và bền vững hơn - Ảnh: VŨ THỦY

Các thiết bị cảm biến sẽ đưa dữ liệu vào phần mềm, tích lũy dần dần. IoT sẽ dần đi cùng với dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Phần mềm sẽ ngày càng thông minh hơn, hỗ trợ cho người nông dân hiệu quả hơn.

NGUYỄN KHẮC MINH TRÍ

Tưới nước bao nhiêu là đủ, bón phân thế nào là bài toán làm vườn đầu tiên của Nguyễn Khắc Minh Trí (38 tuổi) - người sáng lập của MimosaTEK - khi lần đầu làm trang trại dâu tây trên Đà Lạt cùng với bạn bè.

Để làm nông nhàn và bền vững hơn

"Tôi nhận ra nông dân đang làm nông rất định tính. Họ dựa vào kinh nghiệm cá nhân hoặc nghe từ người tư vấn bán phân thuốc, nên tôi bắt đầu tìm hiểu về nông nghiệp chính xác, áp dụng công nghệ để hệ thống hóa, định lượng hóa các yếu tố đầu vào trong trồng trọt", anh Trí chia sẻ. 

Việc giải bài toán đó đã dẫn anh đến một con đường khác: nghỉ hẳn việc và bắt đầu khởi nghiệp với MimosaTEK.

Bắt đầu lập công ty với vỏn vẹn hai người, sau 6 năm những công nghệ "made in Vietnam" do chính MimosaTEK thiết kế và làm chủ lần lượt ra đời, từ các thiết bị cảm biến độ ẩm đất, điều khiển tự động hóa, quản lý tưới, quản lý dưỡng chất, phân bón. 

"Có một nghịch lý là năng suất nông nghiệp tại Việt Nam còn rất thấp trong khi chi phí phân, thuốc lại rất nhiều. Triết lý của MimosaTEK là số hóa, sử dụng các thiết bị tự động để tăng năng suất, tối ưu hóa tài nguyên để giảm chi phí", anh chia sẻ. 

Các dữ liệu do hệ thống thu thập, phân tích sẽ được gửi đến smartphone để nông dân cập nhật và biết cần phải làm gì cho vườn của họ.

MimosaTEK cũng kết hợp với nhiều dịch vụ khác, từ hợp tác với Eurofins Agro (Hà Lan) để phân tích dưỡng chất trong đất cho đến kết hợp dữ liệu trạm thời tiết trong hệ thống IoT của mình theo thời gian thực vào thuật toán của IBM để phân tích thời tiết một cách tối ưu, chính xác. 

"Thông thường nông dân khi bắt đầu vụ mùa chỉ nghe tư vấn từ các bên cung cấp phân thuốc, họ không biết chất đất mỗi nơi khác nhau và nhu cầu phân bón khác nhau. 

Từ kết quả phân tích đất, chúng tôi sẽ tư vấn cho họ cách dùng phân bón như thế nào với loại đất, loại cây đó. Điều này giúp họ tiết kiệm tối thiểu 30% so với cách dùng phân bón cũ", anh Trí nói.

Để đầu ra của nông dân bền vững

Gặp Trí và Lan Anh - cũng là đồng sáng lập của MimosaTEK - ở văn phòng nhỏ trong Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia (Q.Thủ Đức, TP.HCM). 

Đưa ra một hộp ớt chuông to đẹp, Lan Anh cho biết chỉ cần rửa sơ là có thể ăn sống được vì chúng hầu như không còn thuốc bảo vệ thực vật. 

"MimosaTEK cũng mới lấn sân qua quản lý vùng nguyên liệu. Đây là sản phẩm từ một demo-farm - vườn mẫu. Chúng tôi đi tìm đầu ra cho nông sản, làm việc với các nhà thu mua lớn, có nhà máy chế biến để ký các hợp đồng hằng năm với giá cả ổn định cho người nông dân. 

Với việc quản lý vùng nguyên liệu chúng tôi đang làm nhiều mô hình: hợp đồng với nông dân để họ trồng, hỗ trợ công nghệ, tư vấn để cải thiện quy trình, đáp ứng yêu cầu hợp đồng của bên thu mua. 

Một phần xây dựng các vườn mẫu, tự trồng như người nông dân để xây dựng mô hình hoàn thiện và từ đó chuyển giao cho nông dân", cô giới thiệu. 

Đây cũng là chiến lược hiện tại để nâng cấp toàn bộ chuỗi giá trị lên một bước nữa, để làm nông bền vững hơn khi nông dân yên tâm hơn về đầu ra".

Theo anh Trí, vấn đề trong chuỗi cung ứng ở Việt Nam là người thu mua lớn không quản lý được người nông dân và quy trình canh tác đi kèm mà chỉ thông qua hợp tác xã, các doanh nghiệp thu mua. 

"Kiểm soát được vùng nguyên liệu sạch hay không là câu chuyện lớn phải can thiệp ngay từ đầu. Chúng tôi phải tham gia ngay từ khâu chuẩn bị trước vụ, đưa quy cách để nông dân làm theo, hỗ trợ công nghệ, đưa các thiết bị cảm biến, phần mềm, thiết bị tự động hóa... để tư vấn, cải thiện quy trình, đáp ứng yêu cầu của bên thu mua", anh cho biết. 

Ngoài việc kiểm soát phun thuốc, phân bón và thời gian cách ly để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của các đối tác thu mua thì các demo-farm của MimosaTEK cũng đang thử nghiệm những mô hình nuôi thiên địch, xây dựng hàng rào sinh học để hạn chế thuốc. 

"Chúng tôi muốn xây dựng mô hình kết hợp công nghệ lẫn sinh học. Hiện tại sản phẩm trồng theo mô hình này khi kiểm tra dư lượng phân thuốc thì một là không có, hai là rất thấp so với tiêu chuẩn nhập khẩu vào châu Âu", anh Trí cho biết. 

Khi ký đầu vào với nông hộ, công ty cũng trả trên một diện tích chứ không chờ thu hoạch, được bao nhiêu thu mua bấy nhiêu. Rồi từ đó trả thêm cho người nông dân nếu họ thực hành tốt và chọn lọc được những nông dân tốt vào hệ thống của mình.

Được thành lập năm 2014 MimosaTEK được CBInsights liệt kê trong nhóm 100+ công ty công nghệ toàn cầu đang góp phần thay đổi tương lai ngành nông nghiệp. 

Đây cũng là 1 trong 10 công ty trên toàn cầu nhận giải thưởng "Securing Water For Food" của USAID năm 2017 cho công nghệ tiết kiệm nước tưới dùng hệ thống IoT.

Vinh danh 25 startup Việt tiêu biểu đêm 18-9

Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các startup tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Startup 2020.

Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 75 năm Quốc khánh, 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.

Sẽ có khoảng 20-25 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage...) từ tháng 7 đến đầu tháng 9-2020. Thời điểm trao giải cho các startup được hội đồng chuyên môn chọn sẽ là đêm 18-9 tại sân golf Long Thành.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư.

Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như: Golf Long Thành, HD Bank, nhãn Trà Xanh Không Độ, Quỹ VinaCapital Ventures, CP ĐT&TM Thái Bình, IDICO, Hội Golf TP.HCM (SGGA), Tân Thuận... (sẽ có khoảng 20-25 startup được trao bằng khen + giải thưởng là 20 triệu đồng, trong đó có 1 startup được trao giải đặc biệt với bằng khen + giải thưởng lên tới 100 triệu đồng).

C.NHẬT

Dốc hết con tim khi khởi sự doanh nghiệp Dốc hết con tim khi khởi sự doanh nghiệp

TTO - Trong dịch COVID-19, những lĩnh vực như tổ chức sự kiện và quảng cáo bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫu vậy Nguyễn Hoài Đức (24 tuổi, sáng lập viên Công ty truyền thông COMUSUN) vẫn bình tĩnh lèo lái công ty vượt qua đợt sóng gió bất ngờ trên.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên