30/09/2020 09:42 GMT+7

Mê học luật để giúp người yếu thế

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Nguyễn Võ Anh Tú, học sinh lớp 12 văn của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên), là thí sinh đạt tổ hợp điểm 3 môn khối C cao nhất ở tỉnh Phú Yên.

Mê học luật để giúp người yếu thế - Ảnh 1.

Nguyễn Võ Tú Anh rửa măng tươi chuẩn bị đi giao cho khách - Ảnh: DUY THANH

Những ngày tháng 9, hai mẹ con Tú tất tả nhận hàng măng tươi từ người dì ở Lâm Đồng gửi xuống để đem giao cho khách hàng tại TP Tuy Hòa kiếm thêm "lộ phí" vào Sài Gòn học đại học.

Chọn một nguyện vọng duy nhất

Tổ hợp 3 môn khối C của Tú là 28,5 điểm (văn 9,25, lịch sử 9,5, địa lý 9,75). "Điểm số môn văn cũng gây chút bất ngờ vì tôi nghĩ điểm của mình có thể thấp hơn chút chút" - cô cười tươi kể lại. Là dân chuyên văn, nhưng hai năm lớp 11 và 12, cô đều là thành viên đội tuyển cấp tỉnh môn... lịch sử, một lần đoạt giải nhất, một lần giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh.

Khác với phần lớn các bạn, Tú chỉ chọn một nguyện vọng vào đại học duy nhất, đó là Trường đại học Luật TP.HCM. Tú nói từ khi còn học cấp II, xem các bộ phim trên truyền hình hoặc đọc sách, báo, Tú mê hình ảnh những luật sư và công tố viên. 

"Tôi mong sau này học xong được làm việc trong lĩnh vực liên quan đến luật pháp, có thể tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, người yếu thế, người ít am hiểu về pháp luật" - nữ sinh 18 tuổi thổ lộ.

Ngôi nhà hai mẹ con Tú thuê là nhà cấp bốn cũ kỹ trong hẻm đường Mậu Thân (TP Tuy Hòa). Trên vách tường treo nhiều giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi của cô. Bên cạnh đó là bàn thờ mới lập được vài tháng của anh trai Tú và di ảnh người cha.

Bà Võ Thị Sương, mẹ Tú, ngân ngấn nước mắt kể, gia đình bà trước đây có một căn nhà trong phố, ở phường 8 (TP Tuy Hòa). Khoảng năm 2007, khi cậu con trai lớn là Nguyễn Võ Anh Tuấn lên 9 tuổi đổ bệnh nặng, bác sĩ cho biết bị chứng loạn dưỡng cơ.

Có bệnh sẵn trong người, lại lo lắng trước bệnh tình của con, chồng bà Sương bị đột quỵ, qua đời năm 2009. Bệnh của Tuấn càng ngày càng nặng, bà Sương đưa đi chạy chữa khắp các bệnh viện từ địa phương đến miền Trung, rồi trong Nam, ngoài Bắc. 

Lương giáo viên mầm non của bà không đủ trang trải cuộc sống thường nhật, trong khi tiền chạy chữa cho Tuấn càng ngày càng lớn, năm 2010 bà Sương quyết định bán căn nhà hơn 100 triệu đồng để trả các khoản nợ, phần còn lại tiếp tục chữa bệnh cho con.

"Kể từ đó, ba mẹ con sống trong những căn nhà thuê. Ban đầu thì thuê trong phố, sau đó phải ra ngoại ô như bây giờ để giá thuê nhà rẻ hơn. Cứ 1-2 năm lại phải chuyển nhà một lần vì có trường hợp chủ nhà lấy lại để bán, có người lại sợ Tuấn bệnh nặng, chết trong nhà họ nên không cho thuê nữa" - bà Sương kể.

Tháng 5-2020, sau ba tháng nằm liệt trong bệnh viện, Tuấn đã không vượt qua được định mệnh. Giác mạc của Tuấn đã được các bác sĩ lấy để ghép cho hai bệnh nhân khác như nguyện vọng của anh khi còn sống. 

Nhà có hai người đàn ông thì cả hai đều chết sớm, để lại mẹ con Tú với nỗi đau cùng kiếp nghèo quá lớn. Bà Sương cho hay mỗi tháng bà thu nhập khoảng 7 triệu đồng, ngay khi không có nhà cửa, con trai bệnh thì chia bình quân ba người trong nhà vẫn cao hơn chuẩn nghèo, nên gia đình không được hưởng chính sách hộ nghèo. 

Bởi vậy, những năm học lớp 10, lớp 11, những khi rảnh rỗi, Tú đi phục vụ quán cà phê, nhà hàng tiệc cưới, hưởng thù lao 15.000 đồng/giờ để đỡ đần mẹ.

"Vào lớp 12 thì tôi không đi làm thêm nữa, tập trung học để đạt được ước mơ của mình và cũng là mong muốn của mẹ, của anh" - Tú kể.

Ai đó hỏi giấc mơ lớn nhất bây giờ là gì, tôi đáp rằng đó là một ngôi nhà nhỏ của riêng hai mẹ con, nơi thờ phụng ba và anh ấm cúng nhất. Tôi tin mình sẽ biến ước mơ đó thành hiện thực.

NGUYỄN VÕ ANH TÚ

Một học sinh giàu nghị lực và tự trọng

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, người đã dạy chuyên văn cho lớp của Nguyễn Võ Anh Tú suốt ba năm THPT, nhận xét rằng Tú là một học sinh rất giàu nghị lực, luôn ý thức tự phấn đấu, vươn lên, vượt qua khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống.

"Tú còn là một người rất tự trọng. Hoàn cảnh khó khăn vậy nhưng em không làm ra vẻ nghèo khổ để chờ đợi sự giúp đỡ, ban ơn, dựa dẫm vào ai cả" - thầy Minh nhận xét.

1.000 học bổng "Tiếp sức đến trường", nhận hồ sơ trực tuyến

Năm học 2020-2021, báo Tuổi Trẻ dự kiến sẽ trao khoảng 1.000 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên. Mỗi suất học bổng cho tân sinh viên trúng tuyển đại học, cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn là 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt. Xem thêm và đăng ký hồ sơ phỏng vấn trực tuyến tại đây trước ngày 15-10-2020.

Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học giỏi, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: tiepsucdentruong@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 0283.997.3838.

Ngoài học bổng, chương trình rất mong được sự hỗ trợ thêm chỗ ở, việc làm hay phương tiện đi lại, dụng cụ học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn có thêm chỗ dựa, tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời.

Kinh phí ủng hộ chương trình mời quý nhà hảo tâm, doanh nghiệp, bạn đọc đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.

Ngoài ra, bạn đọc có thể chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

CÔNG TRIỆU

Mê học luật để giúp người yếu thế - Ảnh 5.
17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 'Mẹ ơi, con đậu đại học'

TTO - Mùa Vu lan, Sâm ngồi trên chiếc giường đối diện bàn thờ của mẹ, cậu gói ghém sách vở vào những thùng giấy, chuẩn bị cho hành trình mới ở TP.HCM dự báo đầy chông gai sắp đến - những ngày ở giảng đường.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên