21/01/2023 14:48 GMT+7

Mẻ bánh thuẫn chiều 30 Tết của người mẹ nghèo

Chiều 30 Tết vắng hoe. Những người ở xóm trọ đường Phan Văn Định, Đà Nẵng đều đã về quê. Trong góc sân người mẹ Quảng Nam vẫn lui cui với mẻ bánh cuối cùng.

Mẻ bánh thuẫn chiều 30 Tết của người mẹ nghèo - Ảnh 1.

Bà Sang mắt đỏ hoe vì nhớ quê khi ngồi nướng bánh chiều 30 Tết ở Đà Nẵng - Ảnh: B.D.

"Thấy người ta khăn đùm khăn gói về quê mà nôn nao. Cả xóm trọ rôm rả ồn ào ngày thường giờ vắng hoe, chỉ còn mình tui ở lại lọ mọ nhóm bếp nướng bánh. Buồn rớt nước mắt, nhưng mình về thì mẹ già và con sẽ không có Tết" - bà Trần Linh Sang, người bán bánh thuẫn cuối cùng còn trụ lại chiều 30 Tết ở Đà Nẵng đỏ hoe mắt, nói.

Tết cô đơn ở xóm trọ Đà Nẵng

Tôi ngồi trước lò bánh thuẫn (còn gọi là bánh thửng, làm từ bột mì) nướng bằng than của bà Sang tại xóm trọ. Tất cả lặng im, không một bóng người. Sự hiện diện của con người duy nhất trong xóm trọ chiều 30 Tết là làn khói bốc lên từ chiếc lò.

Mẻ bánh thuẫn chiều 30 Tết của người mẹ nghèo - Ảnh 2.

Dãy hành lang được chủ nhà cho bà Sang làm nơi chế biến bánh thuẫn - Ảnh: B.D.

Bà Sang buồn, ngồi đảo bánh, vừa nói nước mắt vừa rơi lã chã. Ngoài phố cũng dần vắng người, hàng xóm bắt đầu khép cửa, lau dọn bàn ghế, chuẩn bị mâm cúng cho bàn thờ gia tiên. 

"Tui cố gắng không để ý mọi thứ xung quanh, tập trung làm nốt mẻ bánh rồi xốc nách ra đường bán cho khuây khỏa. Nhưng bán mấy ngày Tết cũng chẳng được bao nhiêu đồng do người ta về quê hết. 

Tui cũng tính về, nhưng về thì mẹ già và hai đứa con vui mà lại không có tiền sắm sang. Thôi năm nay sẽ đón Tết ở thành phố rồi ráng mùng 4 về nhà" - bà Sang nói.

Mẻ bánh thuẫn chiều 30 Tết của người mẹ nghèo - Ảnh 3.

Chiều 30 Tết, xóm trọ đã về hết nhưng bà Sang vẫn ở lại làm bánh để kiếm tiền lo cho con - Ảnh: B.D.

42 tuổi, nhà bà Sang ở thôn An Thái, xã Bình An, huyện Thăng Bình. Lấy chồng về Đà Nẵng nhưng không suôn sẻ nên bà lại đưa hai con về quê sống nhờ nhà mẹ ruột nhiều năm qua. 

Mẹ bà già yếu, đau ốm liên miên. Hai đứa con còn nhỏ, con trai đầu tâm tính không bình thường, đã lên lớp 2 nhưng không biết chữ.

Để có tiền nuôi cả nhà, nhiều năm qua bà lang thang khắp Đà Nẵng thuê trọ. Công việc mưu sinh hằng ngày là làm bánh thuẫn rồi đi bán dạo.

Giọt nước mắt giờ giao thừa

Căn phòng bà Sang ở chỉ rộng chừng 8m2, đủ kê một chiếc giường đơn và làm chỗ chất mấy bộ quần áo. Gần Tết, mọi thứ trong phòng rối tung, ẩm thấp vì người ở trọ chạy đua làm bánh bán Tết.

"Tui thuê phòng này giá 1 triệu đồng/tháng, phòng rẻ nhất trong xóm. Chủ yếu về ngả lưng ban đêm chứ ngày là rảo quanh thành phố để bán bánh. Cũng nhờ chủ trọ thương nên cho góc sân để nhóm bếp" - bà Sang nói.

Mẻ bánh thuẫn chiều 30 Tết của người mẹ nghèo - Ảnh 4.

Các phòng trọ đều khóa trái cửa, người người kéo nhau về quê đón Tết chỉ còn bà Sang ở lại - Ảnh: B.D.

Dù nhà chỉ cách nơi ở trọ gần 100km nhưng mấy năm nay bà hầu như không về đón Tết mà trụ lại ở Đà Nẵng làm bánh. Cuộc sống cô đơn, tất tả nơi xóm trọ cũng quen dần với những mẻ bánh làm bạn. Nhưng dù có trốn tránh cỡ nào cũng không thể không khóc vào thời khắc giao thừa.

"Giao thừa thành phố vắng hoe, tui ở một mình trong phòng trọ. Nhớ mẹ, nhớ hai con mà chỉ biết gặp nhau qua điện thoại. Con hỏi sao mẹ không về, tui bảo đón xe không được nên ra Tết mới về. Nói xong thả điện thoại nằm vật xuống giường mà khóc.

Khóc rồi thì tự dậy rồi lấy vài que nhang thắp cho đỡ hiu quạnh, lấy khoanh bánh người ta tặng đặt ra nền nhà ngồi cắt ăn. Coi như đó là cái Tết của riêng mình" - bà Sang nói.

Mẻ bánh thuẫn chiều 30 Tết của người mẹ nghèo - Ảnh 5.

Những chiếc bánh thuẫn ra lò ở thành phố sẽ giúp người mẹ xứ Quảng lo thêm đủ đầy cái Tết cho con - Ảnh: B.D.

Công việc mỗi ngày bắt đầu từ 3h sáng tới khuya. Ngày nhiều thì kiếm được ba bốn trăm, ngày ít thì chỉ đủ tiền hàng. Cực mà chẳng biết làm gì để kiếm ra tiền cho hai đứa con và mẹ ở quê.

Lật tấm ni lông mỏng trên chiếc kệ, bà khoe đòn bánh chưng, bánh tét mới được tặng. Bên cạnh đó thêm mấy bộ quần áo còn khá mới.

Mẻ bánh thuẫn chiều 30 Tết của người mẹ nghèo - Ảnh 6.

Mẻ bánh mới được đúc xong chiều 30 Tết - Ảnh: B.D.

"Chủ trọ thấy bà con lao động khổ quá nên tự gói bánh rồi tặng đó! Tui đi bán ngoài phố, người ta thấy mình lọ mọ không nghỉ Tết nên thương cho mấy bộ quần áo.  Một số gia đình còn lì xì bằng tiền mặt, bảo góp thêm chút không khí cho mẹ con tui. 

Nghĩ mình khổ mà sống ở nơi này cứ thương thương là vậy, mủi lòng mà cũng đỡ cô đơn hơn trong mấy ngày Tết" - bà nói.

Em chỉ mong đến 30 Tết bán hết hoa để được về quêEm chỉ mong đến 30 Tết bán hết hoa để được về quê

Đó là chia sẻ của Phúc Nhã (16 tuổi) và Ngọc Trâm (14 tuổi) tại chợ hoa xuân Bình Điền 2023. Bà con bán hoa đang dồn toàn bộ hy vọng vào hai ngày cận Tết. Bán chạy sẽ được về sớm, chợ ế thì đến mùng 1 Tết mới về tới quê, hoặc có khi mất Tết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên